Với lợi thế là huyện miền núi, có quỹ đất gò đồi trồng rừng lớn, mô hình nuôi gà đồi Yên Thế (Bắc Giang) những năm qua đã được tổ chức sản xuất bài bản theo hướng cơ cấu lại sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng cao, gắn sản xuất với sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Hằng năm, các hộ nuôi gà ở Yên Thế đã cung cấp ra thị trường 12 - 14 triệu con, sản lượng trứng đạt trên 10 triệu quả, giá trị sản xuất khoảng 1.500 tỷ đồng.
Anh Giáp Quý Cường, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế cho biết, HTX được thành lập tháng 5/2017 với ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là chăn nuôi gia cầm và sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản, trong đó đặc biệt quan tâm, chú trọng đến việc xây dựng và phát triển mô hình liên kết sản xuất gà đồi Yên Thế theo chuỗi giá trị, có gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Đến nay, HTX đã vận động, liên kết được 97 hộ dân tham gia vào chuỗi liên kết giá trị sản phẩm với quy mô bình quân trên 200.000 con gà/năm.
Để sản xuất hiệu quả, HTX đã tổ chức hướng dẫn các hộ chăn nuôi đảm bảo đúng quy trình theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ, các hộ luôn được hỗ trợ từ khi nhập con giống đến khâu xuất chuồng nhằm cung cấp ra thị trường các sản phẩm an toàn, đạt chất lượng, đảm bảo vệ sinh ATTP.
Bên cạnh đó, HTX đã đứng ra thực hiện liên kết chuỗi gà đồi thương phẩm an toàn sinh học cho các hộ dân tiêu biểu của HTX nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm.
“Mục tiêu chính của HTX là gìn giữ và phát triển thương hiệu gà đồi Yên Thế, sản xuất hàng hóa an toàn, thân thiện với môi trường, phát triển nhân rộng quy mô sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị, giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho thành viên. Đến nay, chúng tôi đã phần nào đạt được mục tiêu này khi xuất bán ra thị trường sản phẩm gà lông gắn tem truy xuất nguồn gốc”, anh Cường chia sẻ.
Cũng theo anh Cường, để đẩy mạnh chuỗi liên kết chăn nuôi - giết mổ - chế biến - tiêu thụ sản phẩm gà đồi Yên Thế, HTX đã đầu tư khu nhà xưởng giết mổ rộng 550m2 gồm nhà nuôi nhốt tạm thời, khu sơ chế, giết mổ, phòng đóng gói, phòng bảo quản và văn phòng, máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất đạt tiêu chuẩn HACCP.
Đó là điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất và chế biến của HTX, mang lại những sản phẩm tốt nhất và an toàn nhất cho người tiêu dùng, góp phần đưa doanh thu của các thành viên từ hoạt động sản xuất, tiêu thụ lên nhiều tỷ đồng/năm.
Gia đình chị Hoàng Thị Thu Hà, trú tại Tổ dân phố Mạc 1, Thị trấn Phồn Xương (huyện Yên Thế) hiện đang nuôi thường xuyên với quy mô bình quân từ 2.000 - 4.000 con gà đồi/lứa, mỗi năm xuất bán khoảng 10.000 con.
Nếu như trước đây, điều khiến chị Hà lo nhất là đầu ra cho sản phẩm thì nay thông qua chính quyền địa phương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh…, gia đình chị không chỉ được hỗ trợ về kỹ thuật mà trong tiêu thụ sản phẩm cũng không còn khó khăn, kinh tế gia đình cũng từ đó phất lên.
Theo UBND huyện Yên Thế, hằng năm, các hộ nuôi gà ở Yên Thế đã cung cấp ra thị trường 12 - 14 triệu con, sản lượng trứng đạt trên 10 triệu quả, có gần 4.000 hộ chăn nuôi thường xuyên, với quy mô từ 1.000 con/lứa trở lên. Mặc dù sản lượng chăn nuôi gà lớn, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm vẫn được thực hiện khá tốt.
Để đảm bảo số lượng và chất lượng, cơ cấu giống gà được tuyên truyền cho người dân theo hướng đa dạng sản phẩm, mặt khác tập trung xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất. Theo đó, đã cơ bản hình thành các vùng sản xuất chăn nuôi gà đồi tập trung với quy mô lớn, chất lượng không ngừng được nâng lên. Chăn nuôi gà đã trở thành một nghề cho thu nhập ổn định đối với nhiều hộ dân, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống...