| Hotline: 0983.970.780

Công dân được tham dự các phiên họp công khai của Quốc hội

Thứ Tư 16/04/2014 , 09:56 (GMT+7)

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu, cần làm rõ khái niệm “tham dự” là gì và công dân được “tham dự” ở mức độ nào?

Sáng 15/4, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) gồm 6 chương, 133 điều.

Tại phiên họp này, UBTVQH xin ý kiến đại biểu (ĐB) về các nội dung liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, về Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; việc nâng cấp Ban Dân nguyện của UBTVQH; Hội đồng bầu cử quốc gia và việc xác nhận tư cách đại biểu QH, tính chất hoạt động của Đoàn ĐBQH...

Góp ý cho dự án Luật, nhiều ĐB quan tâm đến quy định tại khoản 4, Điều 33 của dự thảo Luật “Công dân có thể được tham dự các phiên họp công khai của QH”. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu, cần làm rõ khái niệm “tham dự” là gì và công dân được “tham dự” ở mức độ nào? Và cần bổ sung quy định mỗi năm ĐBQH phải báo cáo với cử tri một lần về tình hình hoạt động.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phùng Quốc Hiển thì thẳng thắn cho rằng, không nên dùng từ “tham dự” bởi “tham dự” tức là có thể được ngồi họp, được phát biểu và tranh luận. Ông chia sẻ thêm, khi đi các nước thì thấy công dân có thể vào dự khán, quan sát để giữ được sự yên tĩnh cho hoạt động của kỳ họp. “Vì vậy, chúng ta cũng chỉ nên để công dân dự khán, quan sát, theo dõi trực tiếp hoặc gián tiếp các phiên họp của QH” – ông Hiển kiến nghị.

Vị trí, tính chất của Đoàn ĐBQH cũng là vấn đề được khá nhiều ĐB quan tâm. Theo Ban soạn thảo dự án Luật, hiện có 2 loại ý kiến: thứ nhất đề nghị giữ như Luật Tổ chức QH hiện hành, chỉ coi đây là một hình thức để ĐBQH cùng được bầu trong một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong điều kiện đa số ĐBQH vẫn hoạt động kiêm nhiệm, chưa có cơ chế để những thành viên này có bộ phận giúp việc riêng thì cần tái lập tăng cường bộ máy, năng lực cho Văn phòng Đoàn ĐBQH ở địa phương để giúp việc chung cho các ĐBQH được bầu trong cùng địa bàn cấp tỉnh.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị khẳng định Đoàn ĐBQH là một cơ quan, có nhiệm vụ, quyền hạn độc lập để có thể chủ động hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng pháp luật, giám sát, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri tại địa phương...

Đồng tình Đoàn ĐBQH cần có văn phòng hoạt động nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, Đoàn ĐBQH chỉ là nơi tập hợp các đại biểu QH ở một địa phương, có Trưởng đoàn, giữ mối quan hệ với QH và các Ủy ban của QH. Và ông lo ngại “nếu sửa đổi quy định không cẩn thận thì Đoàn ĐBQH sẽ như một QH thu nhỏ”.

Ngược hẳn quan điểm với ông Hiển, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lại cho rằng, Đoàn ĐBQH phải có thiết chế đàng hoàng, có văn phòng hoạt động và phải có một số quyền nhất định. Ông nêu thêm thực trạng, các ĐBQH đại diện cho các dân tộc thiểu số ngày càng khiêm tốn và kèm đề nghị: “Khi xây dựng đề án cho người dân tộc tham gia QH thì đặt mục tiêu cố gắng có đại diện của 40 dân tộc và bổ sung thêm số đại biểu Hội đồng nhân dân ở các tỉnh, huyện. Chứ với 28 dân tộc như các kỳ họp hiện nay thì ít quá”.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc, ông Ksor Phước đề nghị bổ sung quyền thẩm tra các dự án, chính sách về dân tộc và các dự án khác có liên quan đến dân tộc.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cảnh báo: Vùng núi Bắc bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Các chuyên gia cảnh báo, trong những ngày tới, mưa lớn có nguy cơ gây ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi Bắc bộ.