Việt Nam là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển mạnh mẽ nhưng cũng đang đối mặt với những thách thức lớn từ biến đổi khí hậu và môi trường. Tuy nhiên, sự tiến bộ của công nghệ sinh học, đặc biệt là công nghệ chỉnh sửa gen đã góp phần giúp ngành nông nghiệp Việt Nam mở ra những cơ hội mới để tăng năng suất và chất lượng cây trồng.
Hiện nay, các nhà khoa học Việt Nam đang nghiên cứu và bước đầu thành công trong việc lai tạo ra các giống lúa có khả năng chịu hạn. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, đây là bước tiến quan trọng, mở ra triển vọng mới cho nông nghiệp Việt Nam.
Tại hội nghị quốc tế về công nghệ chỉnh sửa gen do Viện Nghiên cứu Cold Spring Harbor Laboratory Hoa Kỳ, Hội Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam), Viện Công nghệ Sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành (ICISE) phối hợp tổ chức mới đây tại Quy Nhơn (Bình Định), gần 20 nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ, Philippines và Việt Nam đã giải thích cụ thể hơn về bản chất khoa học, cũng như cơ chế chỉnh sửa gen trên thực vật.
Dựa trên các nghiên cứu mới nhất ở những cây trồng chủ lực như lúa, đậu tương, cà chua, mía đường…, các diễn giả đặc biệt nhấn mạnh những tính trạng nổi bật mà công nghệ chỉnh sửa gen có thể tạo ra cho cây trồng, đó là cải thiện chất lượng và nâng cao khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất thuận.
Hiện nay, Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đang là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Đây là một trong những đơn vị đầu tiên ở Việt Nam tiếp cận, phát triển và làm chủ công nghệ chỉnh sửa hệ gen, ứng dụng thành công trong các hướng nghiên cứu cơ bản cũng như cải tạo giống cây trồng.
Thời gian qua, các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ sinh học đã phát triển và ứng dụng thành công hệ thống chính sửa gen CRISPR/Cas trên nhiều đối tượng cây trồng ở nước ta như lúa, đậu tương, cà chua, dưa chuột, đu đủ… Các sản phẩm nghiên cứu về chỉnh sửa gen của đơn vị cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện và hướng tới ứng dụng vào sản xuất.
Hiện các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ sinh học đã mở rộng hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực chỉnh sửa gen với các đơn vị trong nước như Đại học USTH, Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Nghiên cứu ngô… và các đối tác quốc tế như Đại học Missouri (Hoa Kỳ), Đại học Edinburgh (Anh), Đại học Ghent (Bỉ)… Có thể thấy, việc tiếp cận và phát triển công nghệ chỉnh sửa gen không chỉ giúp Việt Nam nắm bắt những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực công nghệ sinh học mà còn mở ra cơ hội để tăng năng suất và chất lượng cây trồng.
Theo Giáo sư Phạm Văn Toản, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, công nghệ chỉnh sửa gen với sự ra đời của CRISPR/Cas và các kỹ thuật chỉnh sửa gen khác đã mở ra nhiều khả năng thú vị cho các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới. Công nghệ này cho phép tạo ra những tính trạng cải tiến một cách chính xác, hiệu quả và nhanh chóng. Từ đó, tạo ra các giống cây trồng có hàm lượng dinh dưỡng cao, có khả năng chống chịu và phát triển tốt trong điều kiện khí hậu thay đổi và thời tiết bất thuận.
Khi công nghệ này tiếp tục phát triển sẽ chuyển đổi nền nông nghiệp toàn cầu và bảo đảm một tương lai bền vững cho các thế hệ tương lai. Việt Nam với những bước tiến đáng kể trong việc ứng dụng công nghệ sinh học chắc chắn sẽ tiếp tục đóng góp vào quá trình này, góp phần nâng cao vị thế cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Cũng theo Giáo sư Toản, từ những năm 1980, năng suất nông nghiệp của Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng nhanh, đóng góp đáng kể vào an ninh lương thực quốc gia và nâng cao vị thế cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn đang đối mặt với rất nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu và môi trường. Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã xếp Việt Nam là một trong 5 quốc gia có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu trong tương lai.
“Trước bối cảnh trên, việc ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen trong nông nghiệp trở thành một giải pháp hữu ích giúp Việt Nam đối phó với những thách thức từ biến đổi khí hậu và môi trường, đồng thời tạo ra những giống cây trồng mới phù hợp với điều kiện khí hậu và thời tiết bất thuận. Đây chắc chắn là một xu hướng đáng chú ý của nông nghiệp toàn cầu trong tương lai”, Giáo sư Phạm Văn Toản chia sẻ.
“Nước ta hiện đã hoàn tất các định hướng và cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học coi đây là giải pháp quan trọng trong phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Tuy nhiên, cho tới nay, Việt Nam vẫn chưa có hướng dẫn pháp lý cụ thể cho việc đánh giá và quản lý cây trồng chỉnh sửa gen”, Giáo sư Phạm Văn Toản cho biết.