| Hotline: 0983.970.780

Công nghệ sẽ giảm chi phí logistics, nâng giá trị nông sản

Thứ Hai 13/07/2020 , 10:06 (GMT+7)

Cuối tuần qua, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) tổ chức sự kiện có liên quan vấn đề chi phí logistics.

Công nghệ có thể giúp tăng giá trị sản phẩm, giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Công nghệ có thể giúp tăng giá trị sản phẩm, giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Chủ tịch hiệp hội Trương Gia Bình cho rằng Covid-19 đã đẩy chúng ta sang một thế giới mới, đó là thế giới dựa vào dữ liệu, công nghệ.

Theo ông Bình, nói cách khác đây là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, là chuyển đổi số và ai cũng phải đi vào thế giới mới đó, vấn đề là ai đi vào trước, ai khai thác được lợi thế công nghệ, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, vẫn đang được xem là bệ đỡ cho nền kinh tế sau đại dịch.

Công nghệ có thể giải quyết nhiều vấn đề

Chủ tịch VIDA cho biết, ở Việt Nam, lực lượng công nghệ thông tin là gần 1 triệu người, trong khi một đất nước phát triển như Nhật Bản, con số này là 1,3 triệu.

Trên thực tiễn, lực lượng công nghệ thông tin của Việt Nam đã giải quyết các vấn đề nông nghiệp, ví dụ như bài toán logistics cho các quốc gia hiện đại trên thế giới như Nhật Bản, Pháp, Mỹ.

“Tại sao chúng ta không làm cho đất nước mình, tại sao chúng ta không giải quyết những vấn đề bức xúc trong đất nước mình”, ông Bình nêu vấn đề.

Nhận định thêm về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho rằng lĩnh vực nông sản là nhóm ngành nổi bật với giá trị thấp nhưng chi phí bảo quản, vận chuyển… đang quá cao.

Do đó, vai trò của công nghệ là rất lớn trong việc tháo gỡ được những vướng mắc này. Ví dụ như, nếu giải quyết được các yêu cầu về kho lạnh, kho mát, phương tiện chuyên nghiệp sẽ  tháo gỡ được các nút thắt về áp lực thời gian vận chuyển với nông sản.

Trong khi đó, theo Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) Nguyễn Duy Minh, vai trò của công nghệ trong truy xuất nguồn gốc, giám sát chất lượng hàng hóa trong quá trình vận chuyển cũng rất lớn.

Nếu đầu tư, phát triển tốt công nghệ, chúng ta có thể xây dựng được các nền tảng kết nối vận tải để các công ty vận tải có thể nhìn thấy nhau, tận dụng chuyến vận tải rỗng và nền tảng số cho cả chuỗi cung ứng nông nghiệp.

“Khi đó, các chủ hàng, những nhà sản xuất, công ty dịch vụ logistics, kiểm dịch, các hãng tàu, nhà nhập khẩu đều có thể theo dõi được luồng hàng hóa của mình”, ông Minh chia sẻ thêm.

Đại diện cho các cơ quan của Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nêu ý kiến, các ngành chức năng, doanh nghiệp cần phải phối hợp với nhau, xem hệ thống tương tác tích hợp các công nghệ, dịch vụ cả chế biến, bảo quản là một phần của logistics.

Là một trong những đơn vị đang triển khai nhiều bài toán công nghệ liên quan đến logistics, ông Bùi Vĩnh Thắng, PGĐ khối Phát triển giải pháp Logistics (FPT Software) nhận định, đây là vấn đề không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà các quốc gia lớn trên thế giới đều gặp phải.

Điển hình là 2 giải pháp Tradelens và TradeWaltz đã ra đời để giải bài toán tối ưu chi phí vận chuyển. Điểm chung của các bài toán này là cần có trục tích hợp các hệ thống và chi phí liên thông dữ liệu.

Cụ thể, dựa trên trục tích hợp này, doanh nghiệp có thể giải quyết các vấn đề truy xuất nguồn gốc; dự báo các yêu cầu; thông tin và kế hoạch xử lý tồn kho; liên thông vận tải; phân tích dữ liệu tối ưu cho vận tải... Đặc biệt, vấn đề xử lý tồn kho phụ thuộc vào từng quy trình trong ngành nhưng nếu liên minh được toàn bộ dữ liệu kho, hệ thống sẽ đưa ra phương án tối ưu cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, để xây dựng trục tích hợp này cần thiết có hệ sinh thái (ecosystem) và khối liên minh các doanh nghiệp, hiệp hội. “Việc thực hiện hệ thống hoàn toàn có thể triển khai”, PGĐ khối Phát triển giải pháp Logistics nhấn mạnh.

Cụ thể, các nguồn dữ liệu về hành trình, ngành hàng, đơn hàng, thời tiết, đều đã có. Nền tảng hệ thống FPT Software đã xây dựng và đang tiếp tục hoàn thiện. Nhấn mạnh thêm, ông Thắng chia sẻ, hệ thống sử dụng thiết bị đầu cuối có thể kết nối đa dạng với các loại thiết bị nên có độ phủ sâu, rộng.

Nếu có quy hoạch vùng tốt, nông sản Việt Nam sẽ nâng được giá trị, có thêm lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu. Ảnh: Tùng Đinh.

Nếu có quy hoạch vùng tốt, nông sản Việt Nam sẽ nâng được giá trị, có thêm lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu. Ảnh: Tùng Đinh.

Chú trọng quy hoạch vùng

Bên cạnh giải pháp công nghệ, về chi phí logistics trong nông nghiệp hiện nay, ông Nguyễn Duy Minh, Phó Chủ tịch VLA nói các yếu tố làm tăng chi phí gồm vận chuyển, tối ưu hóa 2 chiều không hiệu quả, phụ phí và các phí địa phương do chủ hàng và nước chủ nhà áp. Bên cạnh đó là chi phí hải quan, kiểm tra chất lượng, kiểm dịch và hạn chế về cơ sở hạ tầng cũng khiến chi phí logistics tăng cao.

Cụ thể, việc khu vực chế biến nằm xa vùng sản xuất sẽ khiến cho chi phí vận chuyển tăng cao và gây ra hao hụt trong quá trình vận chuyển. Điều này đặt ra vấn đề về quy hoạch tổng thể, đưa các vùng chế biến về gần nơi sản xuất.

Ông Minh đề xuất, các trung tâm chế biến, nhà kho phải nằm trong trung tâm logistics để thuận lợi hóa cho việc sản xuất. Đặc biệt, chiến lược giảm chi phí logistics phải gắn liền với quá trình nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.

Theo ông Trần Thanh Hải, hiện nay chi phí logsitics nông sản cao nằm ở mấy yếu tố như hạ tầng còn thiếu và phân bổ không đều. Miền Trung hàng hoá ít nhưng cảng biển nhiều trong khi ĐBSCL hàng hoá nhiều nhưng cảng lại ít.

Ông Hải cho rằng, để giải quyết bài toán này, Việt Nam cần phải đầu tư xây dựng các trung tâm logistics nông sản ở vùng trọng điểm, phục vụ nhu cầu cho cả một vùng, vừa đảm bảo lưu trữ hàng hóa, đồng thời có thể phân phối về siêu thị, cửa hàng. Qua đó, giúp giảm chi phí logistics.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Toản nói cần có quy hoạch logistics theo vùng, theo loại hình để thúc đẩy liên kết giữa các địa phương để hình thành các trung tâm vận chuyển, logistics hiện đại, từ đó, đạt được sự liên kết giao thông, cảng biển, hàng không...

Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận thì đưa ý kiến, nếu chúng ta được quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất lớn, tối ưu là phải có 15.000ha trở lên, thì sẽ có giá thành sản xuất cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản.

Đồng thời, cần phải đẩy mạnh phát triển đường thủy nội địa để giảm chi phí logistics. Theo ông, ở Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, chi phí vận chuyển 1kg lúa bằng đường thuỷ nội địa chỉ tốn 200 đồng, trong khi đường sắt tốn 600 đồng, đường bộ lên tới gần 900 đồng.

Hà Nội thúc đẩy đầu tư và phát triển nông nghiệp

Tuần qua, Ban lãnh đạo thành phố Hà Nội đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ NN-PTNT tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư nông nghiệp.

Theo Bí thư thành ủy Vương Đình Huệ, trong 5 năm qua, ngành nông nghiệp của TP tăng trưởng 2,5%. Hà Nội cũng có số xã đạt chuẩn NTM cao nhất cả nước và cuối năm nay dự kiến đạt 368-371 xã (chiếm 96% số xã). Thu nhập bình quân người dân khu vực nông thôn cũng đạt khoảng 55 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Thủ đô Hà Nội vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Cùng với đó, trong nội tại ngành nông nghiệp cũng còn những khó khăn, hạn chế cần khắc phục.

Thời gian tới, TP đề nghị Viện Quy hoạch, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tập trung nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn Hà Nội trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, phát triển theo hướng đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hoá, tập trung quy mô lớn.

Để đạt mục tiêu này, TP sẽ tập vào những nhóm giải pháp như tìm cách tăng giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp thông qua chế biến, lưu thông; Tổ chức liên kết, hợp tác, phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản; Đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó là thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Xem thêm
Ngành tôm toàn cầu sẽ tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2024

Các thị trường quan trọng như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ có sự cải thiện nhẹ về nhu cầu tiêu thụ tôm, nhưng khó khăn vẫn còn nhiều.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Hàng ngàn cơ hội trúng xe, trúng vàng khi tham gia 'Mùa Vàng Thắng Lớn 2024'

Tiếp nối sự ủng hộ của bà con nông dân trong nhiều năm qua, chương trình 'Mùa Vàng Thắng Lớn 2024' được Phân Bón Cà Mau triển khai với nhiều giải thưởng hấp dẫn.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.

Bình luận mới nhất