| Hotline: 0983.970.780

Đầu tư hệ thống tưới cho chè và cam

Thứ Tư 08/07/2020 , 16:02 (GMT+7)

Nắng nóng gay gắt, hạn hán xảy ra nghiêm trọng kéo dài, cây chè và cam ở Nghệ An đến nay cơ bản vẫn chưa thiệt hại gì đáng kể.

Đó chính là kết quả của việc người dân dám mạnh dạn đầu tư, nhà nước góp phần hỗ trợ để đầu tư vào hệ thống tưới nước cho cây chè và cam, cùng với các biện pháp khác đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Cách đây hơn hai năm cả huyện Thanh Chương chỉ có gia đình ông Bùi Ngọc Toản ở xóm 2, xã Thanh Mai mạnh dạn bỏ tiền ra mua hệ thống tưới béc để tưới nước cho cây chè. Theo ông Toản, chè là cây trồng để lấy búp, lá nên rất cần nước. Vài năm trở lại đây hạn hán nặng, chè sinh trưởng phát triển kém, làm ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập. Từ suy nghĩ đó, tôi đã quyết định dành dụm tiền để mua bằng được hệ thống tưới béc để tưới nước cho cây chè.

Từ mô hình tưới nước cho cây chè của gia đình ông Bùi Ngọc Toản ở xã Thanh Mai, đến nay toàn huyện Thanh Chương đã có hơn 200 hộ dân trong vùng chè nguyên liệu thuộc các Xí nghiệp Chè Thanh Mai, Ngọc Lâm và một số xã trồng nhiều chè đã mua sắm hệ thống tưới béc. Riêng ở xóm 12, xã Thanh Hương có trên 30 hộ dân có hệ thống béc tưới.

Nông dân quan tâm đầu tư hệ thống tưới nước cho cây cam khi thời tiết khô hạn.

Nông dân quan tâm đầu tư hệ thống tưới nước cho cây cam khi thời tiết khô hạn.

Ông Nguyễn Thế Giáp - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hương cho biết: Ngoài việc tạo mọi điều kiện giao đất cho người dân trồng chè, UBND xã còn khuyến khích việc đào ao, ngăn khe, đắp đập nhỏ để giữ nước tưới. UBND xã còn trực tiếp phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo mọi điều kiện giúp dân mua sắm thiết bị tưới. Bằng cách làm này, dù cho hạn hán gay gắt, gần 200 ha chè của bà con trong xã chúng tôi không những không bị khô héo, mà còn giữ được màu xanh đẹp.

Là huyện có diện tích trồng chè nguyên liệu lên đến 4.300 ha, chiếm 50% diện tích và 55% sản lượng chè toàn tỉnh, cây chè thực sự đã trở thành cây trồng chủ lực đem lại giá trị kinh tế khá cao và ổn định cho nông dân huyện Thanh Chương. Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Rút kinh nghiệm những năm trước đây, nhiều diện tích chè bị nắng nóng và hạn hán gây chết hàng loạt đồi chè, làm thiệt hại lớn cho người trồng chè, UBND huyện đã có nhiều giải pháp giúp dân từng bước khắc phục.

Hiện tại, UBND huyện đặt trọng tâm công tác chống hạn lên hàng đầu để không cây trồng nào bị chết khô, chết cháy vì hạn. Riêng cây chè được trồng trên đất đồi cao càng bị hạn nặng. Vì vậy, UBND huyện chỉ đạo các xã, HTXNN khuyến khích bà con thuộc các vùng ở gần hồ, đập, sông suối, ao, giếng khoan… đầu tư mua máy bơm nước, đường ống dẫn nước, lắp đặt hệ thống tưới béc. Vùng khó về nguồn nước tưới thì khoan giếng sâu và lắp đặt hệ thống tưới. Ngoài các biện pháp nói trên, UBND huyện còn chủ trương không hái chè bằng máy, dùng rơm rạ, lá cây tấp tủ vào gốc chè.

Nhận thấy các biện pháp tưới nước cho chè là cần thiết và đem lại hiệu quả tốt cho người trồng chè, chỉ sau hơn 2 năm toàn huyện đã có gần 1.500 hộ gia đình đầu tư các thiết bị bơm tưới với mức đầu tư từ 40 - 70 triệu đồng/hộ. Tổng diện tích cây chè được tưới nước trong toàn huyện hiện lên hơn 2.000 ha/4.300 ha, chiếm 46,5% tổng diện tích. Nhờ đó, đã hạn chế thiệt hại rất lớn trước tình hình nắng nóng và hạn hán kéo dài như hiện nay.

Quỳ Hợp là huyện có diện tích trồng cam nhiều nhất tỉnh, với hơn 2.000 ha. Nhiều năm trước đây khi nắng nóng và hạn hán kéo dài, cây cam không chết thì cũng héo quắt lá, quả teo lại và không còn khả năng cho thu hoạch. Nhưng hôm nay lên Quỳ Hợp, mặc cho nắng nóng, gió Tây Nam (gió Lào) thổi mạnh và gần 3 tháng nay trời không mưa, cây cam vẫn xanh lá, quả vẫn phát triển bình thường.

Ông Quản Vi Giang - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quỳ Hợp cho biết: Hai năm nay người trồng cam trên địa bàn huyện có nhận thức mới, ứng dụng KHKT trong việc tưới nước cho cây cam. Đến nay trong vùng trồng cam tập trung của huyện đã có 260 ha được bà con đầu tư công nghệ tưới nước nhỏ giọt… Ngoài ra, phần lớn diện tích cam còn lại trong huyện đều được nông dân đào giếng khoan, tận dụng nước khe suối, ao hồ lớn… dùng điện lưới hoặc máy nổ để bơm tát nước tưới.

Nghệ An hiện có 7.804 ha chè nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, trong đó 6.244 ha chè kinh doanh, năng suất đạt bình quân 119 tạ/ha, sản lượng 74.000 tấn. Toàn tỉnh có 10.452 ha cây ăn quả có múi, trong đó riêng cây cam có trên 7.000 ha. Năm 2019 hạn hán nặng đã làm thiệt hại 1.755 ha chè, trong đó có 581 ha thiệt hại trên 70%. Riêng cây ăn quả có 1.122 ha bị thiệt hại, trong số này chủ yếu là cam bị thiệt hại rất lớn, gần 80% trong số diện tích đó hầu như không có thu hoạch.

Chè và cam là hai cây trồng được xác định là cây trồng chủ lực của Nghệ An. Vì vậy phải có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ hai cây trồng này phát triển tốt, trong đó tập trung hỗ trợ mạnh công tác phòng chống hạn. Từ đó tỉnh đã có chính sách hỗ trợ. Trung bình mỗi năm ngân sách tỉnh trích ra 4 tỉ đồng hỗ trợ đầu tư vào việc lắp đặt hệ thống tưới nước cho cây chè, cam, trong đó người dân được hỗ trợ 40% giá trị đầu tư (tối đa không vượt quá 30 triệu đồng/hộ).

Bằng cách hỗ trợ nói trên, riêng cây chè tính đến nay toàn tỉnh đã có 2.000 ha được lắp đặt hệ thống tưới nước, trong đó huyện Thanh Chương có 1.133 ha, huyện Anh Sơn 500 ha và huyện Con Cuông 288 ha.

Các hệ thống tưới nước được đầu tư xây dựng đều hoạt động hiệu quả, chè và cam được tưới đầy đủ, kịp thời. Những ngày vừa qua nắng nóng và hạn hán gay gắt xảy ra, chè và cam vẫn xanh tốt, bà con rất phấn khởi.

  • Tags:
Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Phê duyệt Đề án công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.