Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học đến từ 15 trường đại học, các Viện, Trung tâm nghiên cứu, công ty từ 6 quốc gia, vùng lãnh thổ: Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Nông nghiệp Quốc tế Nhật Bản (JIRCAS) - Viện nghiên cứu rau thế giới Đài Loan; Viện Sinh học thực vật và vi sinh vật, Academia Sinica, Đài Loan (Trung Quốc); Heinrich-Heine University of Düsseldorf Universitätsstraße 1, Cộng hòa liên bang Đức; Bộ môn Sinh thái học và Tiến hóa Đại học Lausanne, Thụy Sỹ; Công ty Lark Seeds Internationals; Đại học Cần Thơ; Đại học Trà Vinh; Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội; Viện Nghiên cứu hệ gen; Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Bảo vệ thực vật; Khoa Công nghệ sinh học và Viện Sinh học nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam).
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Học viện đã luôn coi “Nghiên cứu khoa học là sức sống của trường đại học”, coi “chất lượng là sự sống còn của trường Đại học”. Học viện đã tập trung đầu tư các phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO 17025 trong các lĩnh vực Thú y, chăn nuôi, môi trường, công nghệ sinh học, Nông học, bệnh cây; các nhóm nghiên cứu mạnh, xuất sắc và các nhóm nghiên cứu tinh hoa.
GS.TS. Nguyễn Thị Lan tin tưởng Hội thảo sẽ tập trung trao đổi và thảo luận các vấn đề liên quan đến: Một số chủ trương chính sách phát triển, các hướng nghiên cứu và ứng dụng của công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Đồng thời thông qua Hội thảo sẽ tìm kiếm được các cơ hội hợp tác, phát triển trong lĩnh vực Công nghệ sinh học.
Trong bối cảnh toàn thế giới gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, suy thoái kinh tế chung, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thực hiện "mục tiêu kép" mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Vừa quyết liệt phòng, chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc", vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân. Trong thành công này, khoa học công nghệ có những đóng góp quan trọng khi kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương 2,91%, là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra nhiều đột phá về công nghệ mới trong các lĩnh vực như sản xuất trí thông minh nhân tạo AI, chế tạo robot, phát triển mạng internet, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học về vật liệu, lưu trữ năng lượng và tin học.
Công nghệ sinh học nói chung, và công nghệ sinh học nông nghiệp các lĩnh vực thú y, cây trồng, vi sinh vật, bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe con người đang đứng trước những thách thức rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, như cuộc chạy đua văc xin, đồng thời, cũng có những cơ hội để khẳng định và phát triển vai trò then chốt trong phát triển hệ sinh thái nông nghiệp bền vững.
Sau bài phát biểu khai mạc là phần trình bày của các diễn giả đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Mở đầu, TS. Phạm Hồng Hiển - Phó Trưởng Ban, Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam trình bày báo cáo về Chương trình phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030. Tiếp theo là báo cáo của các đại biểu xoay quanh lĩnh vực Công nghệ sinh học.
Phát biểu tổng kết tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Xuân Cảnh, Trưởng khoa Công nghệ sinh học đã thay mặt Ban tổ chức Hội thảo bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến các diễn giả, các nhà khoa học, đại biểu tham dự đã có những ý kiến tham luận, phản biện, đóng góp vô cùng quý báu để làm nên sự thành công của Hội thảo.
PGS.TS. Nguyễn Xuân Cảnh tin tưởng thông qua Hội thảo sẽ kết nối các nhà khoa học, các doanh nghiệp cùng tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển các ý tưởng nghiên cứu mới, chuyên sâu, liên ngành trong lĩnh vực công nghệ sinh học nhằm tạo ra nhiều hơn nữa các sản phẩm hữu ích phục vụ đời sống và phát triển kinh tế - xã hội.