| Hotline: 0983.970.780

Công nghệ số giúp quản lý rừng chính xác, hiệu quả

Thứ Năm 25/07/2024 , 06:38 (GMT+7)

YÊN BÁI Việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm làm tăng độ chính xác, tiết kiệm và hiệu quả trong bảo vệ và PCCCR.

Tỉnh Yên Bái có diện tích đất lâm nghiệp chiếm trên 67% tổng diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh. Hiện nay diện tích rừng và đất chưa thành rừng có trên 462.000 ha, trong đó rừng tự nhiên là hơn 217.000 ha, rừng trồng hơn 245.000 ha; tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 63%.

Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Điển hình, trong công tác quản lý diện tích rừng và đất lâm nghiệp, ngành kiểm lâm đã áp dụng các ứng dụng chuyên ngành FRMS, phần mềm theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trên thiết bị di động sử dụng hệ điều hành Android với các tính năng đo đạc, hỗ trợ kiểm tra thực địa áp dụng cho lĩnh vực lâm nghiệp.

Hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System-GIS), Vtools for MapInfo và máy định vị GPS được sử dụng trong cập nhật diễn biến rừng… Ngoài ra, trong phòng cháy chữa cháy rừng đang được sử dụng ứng dụng phần mềm “Theo dõi, cảnh báo sớm cháy rừng”. Các đơn vị còn khai thác sử dụng các phần mềm theo hệ thống ngành do Cục Kiểm lâm, Cục Lâm nghiệp tạo lập.

Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm Yên Bái đã tăng cường đầu tư sử dụng nhiều phần mềm ứng dụng công nghệ số, các trang thiết bị hiện đại như máy tính xách tay, điện thoại, máy tính bảng… để phục vụ chuyên môn quản lý bảo vệ rừng.

Cán bộ kiểm lâm sử dụng phầm mềm quản lý rừng có thể phát hiện sớm những khu vực bị mất rừng để xác định nguyên nhân, kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định. Ảnh: Quang Dũng.

Cán bộ kiểm lâm sử dụng phầm mềm quản lý rừng có thể phát hiện sớm những khu vực bị mất rừng để xác định nguyên nhân, kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định. Ảnh: Quang Dũng.

Những thiết bị, ứng dụng số trong công tác quản lý, bảo vệ rừng đã giúp phát hiện và cảnh báo sớm các thay đổi bất thường, kịp thời cập nhật chính xác những biến động về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn. Phát hiện sớm những khu vực bị mất rừng để xác định nguyên nhân, kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định.

Thời gian qua, nhờ các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm Yên Bái đã phát hiện, ngăn chặn sớm nhiều vụ lấn chiếm, phá rừng trái pháp luật. Trong những năm qua, diện tích rừng bị thiệt hại do lấn chiếm rừng, phá rừng trái pháp luật đã giảm đáng kể, năm 2021 mất gần 93 ha rừng, đến năm 2023 giảm xuống 18 ha.

Văn Yên là huyện có diện tích rừng lớn với gần 102.000 ha đất có rừng, chiếm 73,3% tổng diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Địa bàn rộng, núi cao hiểm trở, địa bàn cư trú chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên công tác bảo vệ rừng gặp không ít khó khăn.

Theo ông Đoàn Giao Lương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Yên, trước đây rừng và đất lâm nghiệp chủ yếu được quản lý trên bản đồ giấy và các bảng biểu thống kê diện tích rừng và đất lâm nghiệp. Chính vì vậy công tác quản lý, theo dõi còn nhiều bất cập, chưa được thường xuyên, liên tục.

Việc thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực lâm nghiệp, ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin về lâm nghiệp, đặc biệt là các phần mềm QGIS, Mapinfor, Google earth... để thực hiện giải đoán ảnh vệ tinh nhằm phát hiện sớm sự thay đổi hiện trạng rừng trên thực địa, tăng độ chính xác, kịp thời phát hiện sớm các điểm biến động rừng để tổ chức kiểm tra các vị trí nghi vấn biến động, kịp thời đấu tranh ngăn chặn.

Hiện nay diện tích rừng và đất lâm trên địa bàn huyện Văn Yên đã được số hóa đến từng lô, khoảnh, tiểu khu. Các lô rừng đã được cập nhật thông tin kịp thời khi có biến động. Cụ thể, khi sử dụng các nguồn ảnh viễn thám như Google Earth, planet, sentinel để theo dõi các biến động về rừng và đất lâm nghiệp. Trên cơ sở giải đoán ảnh để tổ chức kiểm tra ngoài thực địa giúp cập nhật kịp thời, chính xác các biến động.

Đặc biệt, ứng dụng phần mềm QGIS để tải ảnh vệ tinh khu vực tỉnh Yên Bái ngày trước và ngày sau cần theo dõi biến động để chồng lớp với bản đồ hiện trạng rừng mới nhất. Sau đó khoanh vẽ vị trí biến động xuất sang các đuôi có định dạng *.kml, *.kmz để đối chiếu tiếp trên các ảnh vệ tinh googearth (là các ảnh vệ tinh cũ hơn) để kiểm chứng độ tin cậy, sau đó chuyển sang điện thoại thông minh, máy tính bảng có cài các phần mềm có nền ảnh vệ tinh như: Mapinr, Geopfes, Vtool... Từ đó, giúp lực lượng Kiểm lâm đến hiện trường kiểm tra, xác minh lại một cách nhanh và hiệu quả.

Việc ứng dụng số hóa giúp cán bộ Kiểm lâm giảm 90% thời gian phát hiện biến động rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Việc ứng dụng số hóa giúp cán bộ Kiểm lâm giảm 90% thời gian phát hiện biến động rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Về mặt kỹ thuật của giải pháp là không quá khó, không tốn chi phí, sử dụng các phương tiện như máy tính, GPS, điện thoại thông minh là thực hiện được. Thời gian thực hiện tùy thuộc vào khối lượng diện tích rừng cần rà soát, nếu so sánh với phương pháp truyền thống thì chỉ mất khoảng 1 ngày là đã có thể phát hiện biến động rừng, bằng 10% thời gian so với phương pháp truyền thống.

Ông Kiều Tư Giang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái cho biết thêm, phần mềm “Theo dõi, cảnh báo phát hiện sớm cháy rừng”, giải đoán ảnh vệ tinh đã giúp kiểm lâm các địa phương chủ động trong công tác phòng cháy, nhờ vậy giảm số vụ cháy rừng cũng như thiệt hại. 

Hệ thống hoạt động 24/24 giờ và truyền thông tin về Chi cục hoặc qua điện thoại thông minh, máy tính bảng của cán bộ kiểm lâm có kết nối internet. Khi phát hiện cháy rừng, việc xác định vị trí, loại rừng, công tác huy động lực lượng tham gia chữa cháy được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả.

Số vụ cháy rừng ở Yên Bái giảm nhanh nhờ phần mềm 'Theo dõi, cảnh báo phát hiện sớm cháy rừng'. Ảnh: Thanh Tiến.

Số vụ cháy rừng ở Yên Bái giảm nhanh nhờ phần mềm “Theo dõi, cảnh báo phát hiện sớm cháy rừng". Ảnh: Thanh Tiến.

Xem thêm
Trồng thảo quả dưới tán rừng, tăng thu nhập, bảo vệ rừng

YÊN BÁI Nhiều hộ dân huyện vùng cao Mù Cang Chải phát triển cây thảo quả dưới tán rừng cho thu nhập 40 - 50 triệu đồng/ha/năm, hạn chế xói mòn đất, bảo vệ môi trường rừng.

Khắc phục rừng bị thiệt hại do thiên tai

Rừng bị thiệt hại nặng, gãy đổ hoàn toàn hoặc số cây còn lại không đảm bảo tiêu chí thành rừng (tỷ lệ đổ, gãy trên 70%) thì khai thác, tận thu toàn bộ.

Lại cháy rừng Nghi Lộc

Nghệ An Chưa đầy 1 tuần, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) ghi nhận 2 vụ cháy rừng, vụ cháy rừng lần này xảy ra vào buổi trưa khi nắng nóng gay gắt.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.