| Hotline: 0983.970.780

Công nghệ tạo bước chuyển thần kỳ cho sản xuất lúa

Thứ Bảy 24/12/2022 , 09:45 (GMT+7)

Nông dân trồng lúa ở ĐBSCL từ chân lấm tay bùn, 'bán mặt cho đất, bán lưng cho trời' ngày nay đã nhàn tênh. Cơ giới hóa đã tạo nên bước chuyển thần kỳ đó.

Cuộc chuyển đổi ngoạn mục

ĐBSCL thành vựa lúa lớn nhất cả nước sau hàng trăm năm mở đất, kiến tạo từ nền văn minh lúa nước của cha ông ta. Trải qua lịch sử thăng trầm cùng đất nước, từ đồng bằng Bắc bộ đến miền Duyên hải Trung bộ về tới miền Tây Nam bộ, cây lúa đã tạo nên sinh kế vững chắc, mang lại cơm no, áo ấm cho hàng triệu nông dân.

Trên hành trình cây lúa, hình ảnh nông dân và làng quê nước ta tưởng chừng như mãi gắn với “con trâu đi trước cái cày theo sau”, quanh năm chuyện đồng áng tay chân cực nhọc, vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” theo mỗi vụ mùa. Thế nhưng có lẽ từ khi xuất hiện chiếc máy cày ra đồng thay trâu, đã đánh dấu một cuộc chuyển đổi ngoạn mục, tiến triển không ngừng.

Máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng lớn ở ĐBSCL Ảnh Hữu Đức

Máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng lớn ở ĐBSCL. Ảnh: Hữu Đức.

Từ nửa cuối thế kỷ XX, máy cày xuất hiện ngày càng nhiều trên đồng ruộng miền Tây. Cũng từ đó, công cuộc cải tiến, sáng tạo ra những thiết bị máy nông cơ diễn ra liên tục nhằm thay cho sức kéo trâu, bò, bớt sự nhọc nhằn cho nông dân. Ban đầu, máy cày chạy bon bon lật đất giỏi, năng suất gấp hàng chục con trâu trên đồng cạn khiến nông dân mừng khấp khởi. Không lâu sau, xuất hiện thêm máy xới băm đất, trục bừa trước mùa sa mưa, xuống giống, phù hợp cho những thửa ruộng nhỏ. Lần hồi đàn trâu lùi về đồng xa, nơi đất thấp, chân ruộng sâu lún lầy.

Cơ giới hóa khâu làm đất cơ bản được giải quyết. Tiếp theo sau là sự ra đời nhiều loại nông cụ cầm tay, cơ giới cho các khâu gieo hạt, bón phân, phun thuốc trừ sâu, bảo quản nâng cao chất lượng hạt lúa, giải phóng lao động chân tay cho nhà nông.

Đến cuối thế kỷ XX, các chuyên gia nông học cho rằng: Thành tựu lớn nhất của cuộc “cách mạng xanh” đã nâng tầm sản xuất lúa gạo Việt Nam không chỉ nhờ làm chủ công nghệ hạt giống mà còn có thành quả từ áp dụng cơ giới hóa trong canh tác lúa. Trong đó có các nhà chế tạo máy cùng các thiết bị tự động và nông dân sáng kiến, chế ra máy nông cơ đáp ứng đòi hỏi trong quá trình sản xuất, phù hợp với từng địa hình trong vùng.

Cơ giới hóa đồng ruộng cho thấy năng suất gia tăng rõ rệt, góp phần tạo nên chuyển biến thần kỳ. Sản lượng và chất lượng lúa gạo hàng hóa không ngừng nâng cao. Đó là minh chứng sống động ứng dụng công nghệ mới luôn thôi thúc một cường quốc sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới.

Vùng sáng Agritechnica Asia Live

Cuối tháng 8/2022 tại TP Cần Thơ, sự kiện quốc tế Agritechnica Asia Live 2022 với chủ đề “Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững” do Bộ NN-PTNT phối hợp với Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) và Hiệp hội Nông nghiệp Đức (DLG) tổ chức. 

Gieo cấy lúa bằng máy ở ĐBSCL Ảnh Hữu Đức

Hoạt động máy gieo cấy lúa phù hợp trên cánh đồng lớn ở ĐBSCL Ảnh: Hữu Đức.

Lần đầu tiên nông dân ĐBSCL tiếp cận các công nghệ hiện đại chuyên ngành nông nghiệp từ các nước có nền sản xuất công - nông nghiệp tiên tiến. Qua đó nổi bật nhất là các hoạt động trình diễn mô hình thực hành sản xuất, công nghệ và máy nông nghiệp trên đồng ruộng trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, xử lý sau thu hoạch, chế biến nông sản thực phẩm…

Trên bờ bao quanh ruộng lúa thực nghiệm tại Viện Lúa ĐBSCL, hàng trăm nông dân tiêu biểu từ các tỉnh trong vùng ra đồng tận mắt xem các loại máy nông cơ trình diễn. Máy cấy lúa, thiết bị máy bay gieo hạt, phun phân, phun thuốc BVTV hay hệ thống tưới tiêu thông minh - mô hình 4.0 thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)… Tại đây, các chuyên gia chế tạo máy chia sẻ kinh nghiệm, cách làm sáng tạo để đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời tham vấn về định hướng hình thành Trung tâm cơ khí nông nghiệp ở vùng ĐBSCL trong tương lai.

Đó chính là kết tinh từ quá trình tái cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL diễn ra song hành cùng cơ giới hóa đồng ruộng và càng thôi thúc nông dân trồng lúa chuyên nghiệp trước tình hình chuyển dịch lao động nông thôn và thích ứng BĐKH. Một trong những bước ngoặt điển hình là hiệu ứng đưa máy gặt đập liên hợp ra đồng thành công, được các chuyên gia lúa gạo quốc tế đánh giá rất cao. Đây thực sự là "cuộc cách mạng" giải bài toán giảm tỷ lệ thất thoát và thu hoạch lúa đồng loạt trên cánh đồng lớn. Đến nay, máy gặt đập đã phủ khắp vùng ĐBSCL.

Đôi điều trăn trở

Mặc dù nông dân ĐBSCL đạt nhiều thành tựu trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và tiến triển nhanh trong cơ giới hóa sản xuất lúa gạo, nhưng giới chuyên gia nông nghiệp vẫn còn trăn trở. Cơ giới hóa chưa phủ đều và đồng bộ nên chưa thỏa mãn với thành tựu đạt được. Qua khảo sát của Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, tỷ lệ nông hộ có máy kéo và máy nông nghiệp còn thấp, bình quân khoảng 50 hộ có một máy kéo, thấp hơn nhiều so với các nước.

Empty

Đến nay, ĐBSCL gần như đã cơ giới hóa 100% khâu làm đất. Ảnh: TL.

Hoạt động ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp chỉ tăng nhanh trong khoảng 10 năm qua. Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2011 - 2021, số lượng máy kéo các loại tăng 60%, máy bơm nước tăng 60%, máy gặt đập liên hợp tăng 80%, máy sấy nông sản tăng 30%, chế biến thức ăn gia súc tăng 91%, chế biến thức ăn thủy sản tăng 2,2 lần, thiết bị phun thuốc BVTV tăng 3,5 lần, máy cấy tăng 10 lần... Riêng đối với cây lúa ở ĐBSCL, khâu làm đất đạt 100%, gieo sạ và cấy đạt 75%, chăm sóc và BVTV 85%, thu hoạch 95% và khâu thu gom rơm, rạ đạt 90%...

Vùng ĐBSCL hiện còn mặt hạn chế cơ giới hóa trong khâu bảo quản sau thu hoạch khiến tỷ lệ tổn thất chiếm hơn 10% và theo ước tính tương ứng mức thiệt hại hằng năm khoảng 550 triệu USD.

Mặt khác, trong khâu xuống giống, làm thế nào giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, thuốc trừ sâu bệnh vẫn đang là bài toán chưa có lời giải triệt để. Thói quen từ tập quán lâu đời cấy lúa, sạ lan còn chiếm diện tích khá lớn. Trong 3 năm qua, mô hình ứng dụng mạ khay - máy cấy trong sản xuất lúa được Viện Lúa ĐBSCL phối hợp với Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Sóc Trăng, Tiền Giang và Hậu Giang được nông dân hưởng ứng nhiệt tình.

Hoạt động máy cấy lúa trên cánh đồng lớn ở ĐBSCL Ảnh Hữu Đức

Máy gieo cấy lúa vào vụ xuống giống ở ĐBSCL. Ảnh: Hữu Đức.

Nông dân kỳ cựu Hứa Thành Nghĩa ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) chuyên trồng lúa giống, tính sơ lược bài toán hiệu quả: Muốn làm ra hạt giống đạt độ thuần, không lẫn thì phương pháp cấy là tốt nhất. Tuy nhiên, để tìm ra nhân công cấy tay quá khó, chi phí rất cao. Ưu điểm máy cấy vượt trội hơn hẳn, giảm tối đa lượng giống đến 60 - 70%, lúa ít sâu bệnh nên tính ra chi phí phân bón, thuốc BVTV đều giảm tới 3,5 - 4 triệu đồng/ha, trong khi năng suất lúa tăng lên khoảng 500kg/ha. Lúa vàng óng, chắc hạt…

ThS Nguyễn Ngọc Hoàng, Trưởng Bộ môn Cơ điện nông nghiệp (Viện Lúa ĐBSCL) - người trực tiếp tham gia các dự án khuyến nông trung ương trong việc ứng dụng cơ giới hóa sản xuất lúa nhận xét: Hiện nay đa số nông dân ĐBSCL còn dùng phương pháp sạ lan (khoảng 80%).

Ảnh hưởng bởi BĐKH, xâm nhập mặn đang diễn ra hết sức phức tạp, đã tác động không nhỏ đến quá trình canh tác lúa khiến nông dân lo lắng về thời điểm mùa vụ, năng suất, chi phí sản xuất. Vì vậy, việc đưa máy cấy vào sản xuất là nhu cầu cần thiết, là giải pháp tăng hiệu quả sản xuất lúa, rút ngắn thời gian trên đồng để tránh những thiệt hại không mong mong muốn do thiên tai gây ra.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.