Giảm mật độ gieo sạ
Giải pháp đột phá mà ngành nông nghiệp và nhiều địa phương đưa ra nhằm giảm chi phí sản xuất là giảm mật độ gieo sạ (giảm lượng giống gieo sạ/ha). Từ việc giảm lượng giống gieo sạ, sẽ kéo theo việc giảm được lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng, từ đó giảm được chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Theo đó, chủ trương giảm lượng giống gieo sạ đã được phát động từ nhiều năm qua, và như thường lệ, hàng năm, thông qua các hội nghị sơ - tổng kết sản xuất, ngành nông nghiệp cũng như các địa phương đều chú trọng phát động chương trình giảm lượng giống gieo sạ.
Đồng hành với chủ trương giảm lượng giống gieo sạ là chủ trương đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất lúa, trong đó đặc biệt quan tâm là máy móc thiết bị phục vụ cơ giới hóa khâu xuống giống, vì đây là khâu hiện còn yếu nhất trong các khâu liên hoàn cơ giới hóa sản xuất lúa. Quan trọng hơn, cơ giới hóa khâu xuống giống có thể góp phần giảm lượng giống gieo sạ. Trong mối tương quan trên, thời gian qua, máy cấy được xem là thiết bị có thể đồng hành với chủ trương giảm lượng giống gieo sạ. Đẩy mạnh cơ giới hóa khâu xuống giống bằng máy cấy đã góp phần thúc đẩy thực hiện chủ trương giảm lượng giống gieo sạ.
Tuy nhiên, chủ trương là vậy, cùng với nhiều giải pháp hỗ trợ tích cực khác, nhưng đến nay, đã qua thời gian phát động khá lâu, máy cấy vẫn chưa được sản xuất chấp nhận như là giải pháp hiệu quả phục vụ cơ giới hóa khâu xuống giống, bởi các nguyên nhân như: Chi phí đầu tư mua sắm thiết bị quá cao (phải mua sắm đồng bộ nhiều thiết bị mới hoạt động được (bao gồm máy cấy, máy xay đất, máy gieo hạt, khay gieo hạt, mặt bằng chăm sóc mạ…; chi phí gieo cấy quá cao so với tập quán gieo sạ hiện nay; nền ruộng ở nhiều địa phương sình lầy, không đảm bảo độ cứng cho máy cấy hoạt động.
Và qua đó, lượng giống gieo sạ trong sản xuất vẫn còn ở mức quá cao so với mức khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Theo số liệu thống kê của Cục Trồng trọt, tại thời điểm vụ thu đông 2022, lượng giống gieo sạ dưới 100kg/ha mới chỉ chiếm 15%, lượng giống gieo sạ từ 100 – 150kg/ha chiếm 70% và lượng giống gieo sạ trên 150kg/ha còn chiếm 15%. Trong thực tế, mật độ gieo sạ còn cao hơn nhiều, còn cách khá xa so với mức khuyến cáo 80 – 100kg/ha của ngành nông nghiệp.
Trong điều kiện đó, gần đây, sau thời gian tìm kiếm, nghiên cứu, thăm dò, dòng máy sạ lúa theo cụm đã được nhập khẩu từ Hàn Quốc, có tính năng hoạt động như máy cấy và kết quả sản xuất lúa theo mô hình này không thua kém so với mô hình lúa cấy, nếu không nói trội hơn về hiệu quả kinh tế.
Tích hợp ưu thế, khắc chế nhược điểm của máy cấy và sạ lan
Máy sạ lúa theo cụm (gọi tắt là máy sạ cụm/máy sạ khóm) cũng có thể gọi là máy sạ định vị hoặc máy cấy bằng… hạt giống! Sở dĩ có tên gọi là máy sạ định vị vì hạt giống được máy định vị cụ thể theo cụm, theo khóm trên ruộng, với khoảng cách tùy theo yêu câu của người sản xuất.
Sở dĩ có tên gọi là máy cấy bằng… hạt giống vì hoạt động sạ của máy hoàn toàn như máy cấy, chỉ có điều máy cấy thì cấy bằng cây mạ còn máy sạ cụm thì cấy bằng… hạt giống! (đã ngâm ủ cho nảy mầm). Cụ thể:
- Máy cấy hoạt động cấy theo hàng song, theo cụm bằng cây mạ và có thể chọn khoảng cách cấy theo hàng song, khoảng cách cấy theo cụm và số lượng tép mạ mỗi cụm khi cấy.
- Máy sạ cụm cũng hoạt động sạ theo hàng song, theo cụm, nhưng bằng hạt giống (đã ngâm ủ nẩy mầm) và cũng có thể chọn khoảng cách sạ theo hàng song, khoảng cách sạ theo cụm và số lượng hạt giống mỗi cụm khi sạ.
Ngoài những ưu thế như của mô hình lúa cấy máy (giảm lượng giống sử dụng, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, tăng chất lượng lúa…), máy sạ cụm còn khắc phục được mặt hạn chế của máy cấy ở tính năng sử dụng hạt giống khi sạ, khỏi phải qua công đoạn gieo mạ khá phức tạp, tốn thêm chi phí, từ đó giảm thêm chi phí sản xuất so với ruộng cấy máy từ 3,0 – 3,5 triệu đồng/ha.
Mặt khác, máy sạ cụm còn có năng suất làm việc cao hơn (6 – 8ha/ngày) so với máy cấy chỉ đạt 3 – 4ha/ngày, giúp đẩy nhanh lịch thời vụ xuống giống tập trung, né rầy, là yêu cầu của sản xuất lúa vùng ĐBSCL.
Không chỉ mang nhiều ưu điểm hơn hẳn máy cấy, ruộng lúa áp dụng máy sạ cụm trong thực tế sản xuất cũng đã chứng minh được nhiều lợi ích so với ruộng lúa sạ lan như: Giảm lượng hạt giống sử dụng (60 – 70%); giảm lượng phân bón vô cơ (15 – 20%); giảm số lần phun thuốc BVTV (30 – 40%); năng suất thu hoạch cao hơn 0,5 – 0,8 tấn/ha (8 – 10%); nâng cao chất lượng lúa gạo do hạt lúa mẩy hơn, sáng hơn, sạch hơn…; đạt hiệu quả kinh tế cao hơn (20 – 30%); hạn chế được tình trạng lúa đổ ngã khi gặp gió, mưa lớn…
Đặc biệt, máy sạ cụm chỉ cần đầu tư bộ phận công tác (bộ phận sạ lúa theo cụm) và kết nối với máy cày lớn, máy xới nhỏ, máy cấy… là các loại máy móc đang được sử dụng phổ biến trong vùng. Như vậy, nông dân có thể sử dụng các “cỗ máy ghép” này vừa để làm đất hay cấy, vừa phục vụ xuống giống theo nhu cầu, đáp ứng được việc vừa giảm chi phí đầu tư, vừa tăng thời gian hoạt động của máy.
Qua thực tế sản xuất từ vụ hè thu 2019 đến nay của nhiều chương trình, dự án ở hầu khắp các địa phương trong vùng ĐBSCL cho thấy, máy sạ lúa theo cụm hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu cơ bản để có thể đưa vào phục vụ cơ giới hóa sản xuất lúa vùng ĐBSCL, đó là có năng suất làm việc cao, kỹ thuật vận hành đơn giản và nhất là mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng lúa. Có thể nói, máy sạ lúa theo cụm là tiến bộ kỹ thuật kép, vừa nâng cao năng suất lao động, vừa nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế sản xuất lúa, và hơn thế nữa, máy sạ lúa theo cụm là cuộc “cách mạng” trong giảm giống lúa vùng ĐBSCL.
Với kết quả thực tế triển khai trên đồng ruộng vùng ĐBSCL nhiều năm qua, ngày 25/4/2022, mô hình sạ cụm đã được Cục Trồng trọt đưa vào Quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng ĐBSCL tại Quyết định số 73/QĐ-TT-VPPN.
Hiện nay, bà con nông dân vùng ĐBSCL đang đón nhận máy sạ cụm như là giải pháp cơ giới hóa hiệu quả khâu xuống giống cho sản xuất lúa trong vùng. Tin tưởng trong thời gian tới, cùng với các chính sách tác động của nhà nước, diện tích lúa sạ theo cụm sẽ nhanh chóng được nhân rộng.