Nhóm giải pháp về chính sách
- Cần ban hành các chính sách và quy định về tiết kiệm nước trong chăn nuôi lợn. Hiện nay ở nước ta có nguồn tài nguyên nước khá dồi dào và chi phí sử dụng nước rất rẻ nên người chăn nuôi sử dụng rất nhiều nước trong vệ sinh chuồng trại và làm mát lợn.
Để khuyến khích người dân tiết kiệm nước trong chăn nuôi lợn, Chính phủ cần nghiên cứu chính sách đánh thuế/phí nước thải trong chăn nuôi một cách hợp lý đối với các trang trại chăn nuôi lợn. Nhiều nước phát triển trên thế giới như Đức, Áo, Hà Lan... đã sử dụng thuế nước thải để khuyến khích người dân tiết kiệm tài nguyên nước cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
- Chính phủ cần cho phép điện khí sinh học được nối mạng điện lưới quốc gia để tạo thị trường đầu ra cho điện biogas.
Theo kết quả nghiên cứu của dự án LCASP năm 2020, chỉ đầu tư các máy phát điện biogas có công suất trên 70 kVA mới mang lại hiệu quả kinh tế cho chủ trang trại. Đầu tư máy phát điện biogas có công suất càng lớn thì giá thành 01 kWh điện càng giảm. Do hầu hết các trang trại chăn nuôi ở Việt Nam đã có sẵn hầm biogas dung tích lớn nên chủ trang trại chỉ cần đầu tư thêm máy phát điện biogas là có thể phát điện để sử dụng cho nhu cầu của trang trại.
Kết quả nghiên cứu thí điểm của dự án LCASP năm 2019 – 2020 cũng chỉ ra, nếu đầu tư máy phát điện có công suất trên 150 kVA thì giá thành của 01 kWh điện chỉ còn khoảng 800 đồng (hoàn toàn có thể cạnh tranh với điện lưới) trong trường hợp toàn bộ sản lượng điện sinh ra được sử dụng hết.
Thực tế khảo sát cũng cho thấy hầu hết các trang trại chỉ có thể sử dụng được khoảng 40 – 60% sản lượng điện biogas sinh ra do nhu cầu sử dụng điện của trang trại thấp và không ổn định theo thời gian. Do vậy, với tình hình điện biogas chưa được phép nối lưới như hiện nay, người chăn nuôi không thể bán điện khi đầu tư máy phát điện biogas công suất lớn, điều này dẫn đến giá thành của điện biogas bị tăng cao hơn giá điện lưới và hệ quả là điện biogas không thể cạnh tranh với điện lưới.
- Chính phủ cần có chính sách khuyến khích người dân và doanh nghiệp trong thu gom, vận chuyển, sản xuất và kinh doanh phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi.
Đến năm 2022, hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ quy mô công nghiệp đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, kết quả khảo sát của dự án LCASP năm 2019 cho thấy, người dân vẫn có thể bị phạt khi buôn bán phân compost được ủ từ phân chuồng do chưa đáp ứng được điều kiện sản xuất và kinh doanh theo Nghị định 108/2017/NĐ-CP.
Nhiều hộ chăn nuôi không có diện tích trồng trọt để tự sử dụng phân ủ compost nên họ có nhu cầu bán phân compost tự ủ. Việc buôn bán phân bón hữu cơ quy mô nhỏ này cũng không thể chính thức hóa do những quy định về đăng ký và công bố thương hiệu khi kinh doanh buôn bán phân bón và điều kiện xử lý chất thải chăn nuôi thành các sản phẩm thương mại như quy định.
Trên thực tế, một lượng khá lớn phân chuồng đã và đang được người dân sử dụng để ủ phân compost và buôn bán ở quy mô nhỏ nhưng không được kiểm soát và hỗ trợ chuyển giao công nghệ ủ phân tiên tiến. Do vậy, cần thiết phải có các quy định phù hợp nhằm tạo hành lang pháp lý cho người dân ứng dụng các công nghệ sử dụng phân chuồng làm phân bón hữu cơ ở quy mô nhỏ.
Đối với việc sử dụng phân chuồng để sản xuất phân bón hữu cơ ở quy mô công nghiệp, kết quả khảo sát của dự án LCASP cho thấy, nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ còn chưa mặn mà với nguồn phân chuồng do chi phí thu gom cao, vận chuyển khó khăn và nguồn than bùn giá rẻ ở nước ta còn khá phong phú.
Kết quả nghiên cứu đã được công nhận Tiến bộ kỹ thuật của dự án LCASP năm 2020 cho thấy, phân lợn ép có thể thay thế được 60% nguồn nguyên liệu than bùn làm phân bón hữu cơ với giá thành sản xuất cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong khâu thu gom và vận chuyển phân lợn ép do chưa có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để hình thành chuỗi giá trị thu gom, vận chuyển nguyên liệu phân lợn ép tại các địa phương.
Do vậy, các chính quyền địa phương cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về mặt bằng, chi phí đầu tư ban đầu nhằm khuyến khích doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư công nghệ và tổ chức thu gom nguyên liệu phân lợn ép từ các trang trại chăn nuôi và nông hộ.
Cần có chính sách thống nhất trên toàn quốc về vận chuyển nguyên liệu phân lợn ép từ các cơ sở thu gom đến nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Sự hỗ trợ của chính quyền địa phương sẽ hình thành chuỗi giá trị thu gom và vận chuyển nguyên liệu phân lợn ép sẽ tạo động lực cho người chăn nuôi đầu tư các máy tách ép phân vừa để thu gom chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ, vừa để giải quyết ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lợn một cách hiệu quả...
- Chính phủ cần có chính sách khuyến khích người dân áp dụng công nghệ để xử lý nước thải chăn nuôi nhằm sử dụng cho trồng trọt. Việc ban hành QCVN 01 về nước thải chăn nuôi sử dụng trong trồng trọt (có hiệu lực ngày 01/7/2023) của Bộ NN-PTNT đã tạo ra một hướng đi mới trong xử lý nước thải chăn nuôi giúp xử lý nước thải chăn nuôi với chi phí rẻ hơn và mang lại hiệu quả kinh tế cho các trang trại chăn nuôi.
Thay vì việc xử lý nước thải chăn nuôi hết sức tốn kém để đáp ứng yêu cầu của QCVN 62 để xả thải ra nguồn nước công cộng thì các trang trại chăn nuôi đến nay đã có thể xử lý nước thải chăn nuôi với chi phí thấp hơn và cung cấp nước dinh dưỡng sau xử lý cho các trang trại trồng trọt ở lân cận để tưới cho cây trồng.
Do QCVN 01 vừa mới có hiệu lực nên việc áp dụng của người dân và doanh nghiệp vẫn còn lúng túng và các thiết bị, dịch vụ liên quan đến công nghệ này vẫn còn chưa được hình thành đầy đủ. Do vậy, Bộ NN-PTNT và các tỉnh cần tổ chức thông tin tuyên truyền, hướng dẫn và giới thiệu các công nghệ phù hợp để người dân nhanh chóng áp dụng QCVN 01 nhằm đem lại hiệu quả kinh tế và môi trường cho đất nước.
Nhóm giải pháp về công nghệ
- Cần hỗ trợ thực hiện các nghiên cứu ứng dụng nhằm áp dụng các công nghệ chăn nuôi lợn tiết kiệm nước phù hợp với điều kiện chăn nuôi của Việt Nam.
Mặc dù dự án LCASP đã thí điểm công nghệ chăn nuôi lợn tiết kiệm nước của Đan Mạch ở nhiều tỉnh tham gia dự án nhưng việc áp dụng công nghệ này vẫn còn nhiều hạn chế do chi phí đầu tư hệ thống thông khí chưa hoàn chỉnh và người dân vẫn còn thói quen sử dụng nhiều nước để hạn chế mùi hôi phát sinh từ chăn nuôi lợn.
Do vậy, có thể nói công nghệ chăn nuôi lợn tiết kiệm nước của Đan Mạch vẫn chưa thực sự phù hợp với điều kiện chăn nuôi của Việt Nam. Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu thí điểm nhằm đưa các công nghệ chăn nuôi lợn tiết kiệm nước của các nước đang phát triển vào áp dụng phù hợp với điều kiện chăn nuôi của Việt Nam.
- Cần hỗ trợ các nghiên cứu ứng dụng về các máy phát điện biogas phù hợp với quy mô chăn nuôi của các trang trại tại Việt Nam.
Hầu hết các máy phát điện biogas công suất lớn đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Khảo sát của dự án LCASP năm 2018 cho thấy Việt Nam chỉ có một số cơ sở cải tạo các động cơ ô tô hoặc các máy phát điện diezel cũ nhằm chuyển đổi sang máy phát điện chạy bằng khí biogas. Nhiều nghiên cứu nhằm nội địa hóa máy phát điện biogas sản xuất trong nước vẫn chưa thực sự được thương mại hóa do thiếu kinh phí hoặc nghiên cứu hoặc chỉ nghiên cứu về kỹ thuật nhưng chưa gắn với hiệu quả sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.
Vì vậy, cần tiếp tục cung cấp vốn nghiên cứu thí điểm và khởi nghiệp cho các doanh nghiệp để khuyến khích sản xuất các máy phát điện biogas nội địa nhằm giúp giảm giá thành sản phẩm và hình thành hệ thống cung ứng dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa máy phát điện biogas trên địa bàn các tỉnh có nhiều trang trại chăn nuôi.
- Cần hỗ trợ các nghiên cứu ứng dụng về công nghệ thu gom và sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ trong các dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ quy mô công nghiệp.
Dự án LCASP đã hỗ trợ nghiên cứu thí điểm một số công nghệ thu gom phân lợn như máy tách ép phân, hệ thống sàng rung, hệ thống bể nhiều ngăn để thu gom phân lợn, chăn nuôi lợn thịt tiết kiệm nước nhằm tăng khả năng thu gom chất thải, thí điểm sử dụng phân lợn ép thay thế than bùn trong dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ quy mô công nghiệp...
Tuy nhiên, các công nghệ này vẫn cần phải tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhằm mang lại hiệu quả tối ưu. Ví dụ điều chỉnh công suất máy tách ép phân phù hợp với trang trại quy mô nhỏ ở Việt Nam, thiết kế bể lắng và xây dựng quy trình tách ép phân để mang lại hiệu quả ép phân cao nhất.... Chính phủ cần tiếp tục cung cấp kinh phí hỗ trợ nghiên cứu hoàn thiện các công nghệ thu gom, vận chuyển và sản xuất phân bón hữu cơ từ phân lợn ép để đạt hiệu quả kinh tế và môi trường tối ưu.
Chính phủ cần hỗ trợ các nghiên cứu về các công nghệ xử lý nước thải chăn nuôi, nước thải sau biogas nhằm đạt yêu cầu của QCVN 01 về nước thải chăn nuôi sử dụng trong trồng trọt. Mỗi một loại cây trồng đòi hỏi nồng độ tưới, dung tích mỗi lần tưới, tần suất tưới... khác nhau. Ví dụ, cây lâm nghiệp có thể sử dụng nước tưới có nồng độ dinh dưỡng cao hơn các cây rau ăn lá và cây lương thực... Chính phủ nên hỗ trợ kinh phí nghiên cứu để ban hành các hướng dẫn kỹ thuật cụ thể về xử lý và sử dụng nước thải chăn nuôi, nước thải sau biogas để tưới cho các loại cây trồng khác nhau nhằm giúp người dân có thể dễ dàng áp dụng QCVN 01 vào thực tế sản xuất.