Sáng 29/11, tại TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp cùng Ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái tổ chức hội nghị "Hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào Trung Quốc".
Phát biểu tại hội nghị, bà Trần Bích Ngọc, Trưởng Ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái, vui mừng cho biết năm 2023 đánh dấu sự phục hồi từng bước của hoạt động xuất nhập khẩu trong nước nói chung và trên địa bàn TP Móng Cái - Quảng Ninh nói riêng sau giai đoạn ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Theo bà Ngọc, đối với TP Móng Cái hiện nay, hoạt động thông quan hàng nông sản, thủy sản được triển khai tại tất cả các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn và có triển vọng ngày càng gia tăng cả về chủng loại, sản phẩm hàng hóa cũng như số lượng doanh nghiệp tham gia.
"Trước đây, hoạt động xuất nhập khẩu nông thủy sản tập trung chủ yếu tại Lối mở cầu phao Km3+4 Hải Yên/Cặp chợ bến biên mậu Đông Hưng, thì hiện nay, qua thông tin trao đổi giữa Chính quyền TP Đông Hưng (Trung Quốc) với TP Móng Cái, trong quy hoạch phát triển cửa khẩu, cửa khẩu Bắc Luân 2 phía TP Đông Hưng sẽ là cửa khẩu chính được Tổng cục Hải quan Trung Quốc chỉ định là cửa khẩu nhập khẩu hoa quả, lương thực, động vật thủy sinh ăn được, thủy hải sản đông lạnh và dược liệu.
Hiện nay, 2 mặt hàng là hoa quả, lương thực đã được công nhận và 3 mặt hàng còn lại đã được Tổng cục Hải quan xuống thẩm định, nghiệm thu các điều kiện tiêu chuẩn khu vực kho bãi đủ điều kiện để cho xuất nhập khẩu, dự kiến sẽ được công nhận trong tháng 12/2023. Đây là những tín hiệu rất tích cực không chỉ đối với riêng Móng Cái - Đông Hưng mà còn là cơ hội cho hoạt động xuất nhập khẩu nông thủy sản trong nước nói chung", bà Ngọc cho hay.
Còn theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam: Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam; đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Mỹ). Thời gian qua, nhiều nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây, cà phê xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá để đẩy mạnh xuất khẩu nên tốc độ tăng trưởng đạt cao nhất trong các nhóm hàng. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã cấp phép cho 12 mặt hàng rau quả, trên 800 cơ sở chế biến thủy sản, 40 cơ sở bao gói cua, tôm hùm sống và 5 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng; có 128 loài loại sản phẩm và 48 loài thủy sản của Việt Nam.
Đặc biệt, nhiều nhận định cho rằng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc còn nhiều dư địa trong thời gian tới; đây là thời cơ cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động đầu tư sản xuất, tăng cường hội nhập, tìm kiếm đối tác, cũng như khai thác hết tiềm năng của thị trường này.
Ông Hòa nhấn mạnh rằng, để đón bắt cơ hội này, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu theo hướng nhà nước và doanh nghiệp cùng đầu tư để tăng năng lực cung cấp dịch vụ logistics, bảo quản hàng hóa theo chuỗi từ vùng sản xuất tới các kho; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, chuyển đổi số để tăng hiệu quả, giảm chi phí trong chuỗi liên kết xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc. Đồng thời nâng cao năng lực của các doanh nghiệp theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, chính quy, thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu theo đúng thông lệ quốc tế và các quy định của nước nhập khẩu.
Chia sẻ bên lề hội nghị, bà Lê Phương Thúy - Giám đốc Công ty CP XNK Tấn Phát Đạt tại TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), cho biết Công ty Tấn Phát Đạt đang xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang Trung Quốc. Những năm trước, việc xuất khẩu nông sản đi Trung Quốc rất khó khăn, chủ yếu đi đường tiểu ngạch. Từ 2022, sau khi Bộ NN-PTNT, đặc biệt là Văn phòng SPS đã hướng dẫn Công ty làm các thủ tục về tiêu chuẩn, kho xưởng, an toàn vệ sinh thực phẩm,... để đáp ứng nhu cầu bên Trung Quốc nên hoạt động xuất khẩu của Công ty rất tốt, trung bình mỗi tháng doanh thu khoảng 300 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Út, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại XNK Vỹ Tuyến, trụ sở TP Móng Cái, cho biết Công ty đang sơ chế, chế biến bao gói các sản phẩm về thủy sản. Hiện tại đang xuất khẩu chính vào thị trường Trung Quốc. Đối với giá trị xuất khẩu năm 2022, doanh thu khoảng 80 tỷ đồng. Còn năm 2023, dự kiến doanh thu Công ty sẽ tăng đột biến, khoảng 160 tỷ đồng. Để có được kết quả tốt như vậy, theo ông Út là do Công ty có lợi thế trụ sở ở Móng Cái nên điều kiện tiếp cận khách hàng rất thuận lợi. Ngoài ra, chính quyền địa phương, Bộ NN-PTNT và Văn phòng SPS đã rất quan tâm, kết nối, hướng dẫn tận tình cho doanh nghiệp nên Công ty đã tiếp cận được nhiều hơn với bạn hàng Trung Quốc. Đặc biệt, sau khi lệnh 248, 249 của Trung Quốc có hiệu lực, với kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh lĩnh vực thủy sản, Công ty đã nghiên cứu sâu và tìm hiểu, nắm bắt những quy định về an toàn thực phẩm của Trung Quốc nên mọi việc rất thuận lợi.
Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, nhìn nhận trong 2 năm qua, từ khi cơ quan hải quan Trung Quốc yêu cầu các nước xuất khẩu thực phẩm vào Trung Quốc phải đăng ký theo quy định 248 hợp tác trong việc quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu. Với vai trò là cơ quan đầu mối, theo chị thị của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng SPS Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Y tế và các cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT đã triển khai đồng bộ các hoạt động.
"Trong giai đoạn đầu tiên, khi mới triển khai thì còn chút vướng mắc liên quan đến xuất khẩu một số sản phẩm như hạt điều, hạt tiêu, cà phê,... tuy nhiên, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Văn phòng SPS với cơ quan hải quan Trung Quốc và các đầu mối nên đã giải quyết rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong xuất khẩu. Còn tính đến thời điểm hiện tại, sau 30/6/2023, các doanh nghiệp cơ bản đã tiến hành đăng ký cũng như có được hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan quản lý để cập nhật hồ sơ trên cổng thông tin điện tử của Hải quan Trung Quốc. Trong thời gian tới, Văn phòng SPS sẽ tiếp tục phối hợp với Hải quan Trung Quốc để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc cập nhật hồ sơ, nếu còn vướng mắc gì sẽ phối hợp để giải quyết", ông Lê Thanh Hòa nói.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, đại diện Cục Thú y, Cục Trồng trọt, Văn phòng SPS Việt Nam đã hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu theo lệnh 248, 249 của phía Trung Quốc; từ đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản sang thị trường tỷ dân.
Lệnh 248 về "Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu",
Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu".
Với 02 lệnh 248 và lệnh 249 của Tổng cụ Hải quan Trung Quốc (GACC) ban hành thời gian có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Đối với Những doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam, GACC yêu cầu "BẮT BUỘC TUÂN THỦ" tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào Trung Quốc phải đăng ký mã số với GACC để có Mã GACC thì mới đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc, Quy định này có chế tài khác nhau đối với các nhóm mặt hàng thực phẩm.