| Hotline: 0983.970.780

Công tác phòng chống thiên tai vẫn còn gặp nhiều khó khăn

Thứ Sáu 26/11/2021 , 19:02 (GMT+7)

Thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, trong khi đó các cơ quan chuyên trách Phòng chống thiên tai (PCTT) hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về nhiều mặt.

Chiều ngày 26/11, tại TP Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT đã tổ chức Hội nghị công tác PCTT năm 2021 tại các tỉnh miền Trung.

Năm 2020, thiên tai đã gây thiệt hại cho các tỉnh miền Trung trên 36.000 tỷ đồng. Ảnh: L.K.

Năm 2020, thiên tai đã gây thiệt hại cho các tỉnh miền Trung trên 36.000 tỷ đồng. Ảnh: L.K.

Năm 2020, tại khu vực miền Trung, mưa lũ lịch sử, lũ quét, sạt lở đất trên diện rộng xảy ra tại khu vực miền Trung, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, làm 249 người chết, mất tích; 1.531 nhà sập, 239.341 nhà bị hư hại, tốc mái, 473.449 lượt nhà bị ngập; nhiều công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, dân sinh bị hư hỏng, sạt lở. Ước tính thiệt hại về kinh tế trên 36.000 tỷ đồng.

Trong năm 2021, từ tháng 9 đến nay, miền Trung chịu ảnh hưởng liên tiếp 4 cơn bão (số 5, 6, 7, 8) và 5 đợt mưa lớn với tổng lượng phổ biến từ 800 - 1.500mm, một số nơi mưa lớn hơn trên 2.000mm. Bão, mưa, lũ đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản và làm ảnh hưởng đến công tác khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài, diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, công tác khắc phục hậu quả mưa, lũ năm 2020 tại một số địa phương còn chậm tiến độ, nhiều hạng mục công trình hạ tầng chưa hoàn thành. Theo báo cáo của Văn phòng đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai, tính tới tháng 11/2020, đã có 32 tổ chức chung tay cứu trợ cho nhân dân các tỉnh bị ảnh hưởng tại miền Trung với tổng giá trị hỗ trợ hơn 25,1 triệu USD.

Từ tháng 9/2021, nhiều đợt mưa lớn đã gây ngập lụt tại các tỉnh miền Trung. Ảnh: L.K.

Từ tháng 9/2021, nhiều đợt mưa lớn đã gây ngập lụt tại các tỉnh miền Trung. Ảnh: L.K.

Từ thực tế trên, Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT đã tổ chức Hội nghị với sự tham dự của nhiều tỉnh, thành miền Trung nhằm đánh giá các kết quả đạt được, những mặt còn tồn tại, hạn chế; trao đổi về các chế độ chính sách mới có liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai và những công việc cần triển khai trong thời gian tới.

Theo đó, Hội nghị tập trung vào các nội dung trọng tâm: Đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong công  tác khắc phục hậu quả bão, mưa lũ năm 2020 tại các tỉnh miền Trung; Trao đổi về các chính sách mới có liên quan đến công tác khắc phục hậu quả thiên tai vừa được ban hành; Bàn các giải pháp và công việc cần triển khai trong thời gian tới.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT cho biết, tình hình thiên tai ở khu vực miền Trung diễn biến rất phức tạp. Vào năm 2020, chỉ trong vòng 45 ngày mà một số địa phương có lượng mưa lên đến 4.500mm. Đến năm nay, nhiều khu vực ở các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi lượng mưa lên đến 2.000mm chỉ trong vòng chưa đến 1 tháng.

“Tuy nhiên, nhìn chung năm nay thì mức độ thiệt hại do thiên tai ở miền Trung được giảm thiểu rất nhiều. Tôi đánh giá cao các tỉnh miền Trung trong vấn đề nâng cao năng lực của cộng đồng cũng như sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, lực lượng xung kích. Tất cả đã kịp thời cùng với nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai tiến hành sơ tán, ứng phó và khắc phục nhanh chóng nhất”, ông Hoài nói.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT cho biết, hiện nay, các cơ quan chuyên trách về PCTT vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về nhiều mặt. Ảnh: L.K.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT cho biết, hiện nay, các cơ quan chuyên trách về PCTT vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về nhiều mặt. Ảnh: L.K.

Cũng theo ông Hoài, đối với những thiệt hại do thiên tai gây ra ở các tỉnh miền Trung, Chính phủ đã kịp thời hỗ trợ cho các địa phương từ nguồn ngân sách. Từ kinh phí này cùng với ngân sách địa phương thì một số tỉnh đã triển khai rất tích cực, sớm hoàn thành các công trình để đưa vào phục vụ đời sống của người dân như ở Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam), kè chống sạt lở ven biển ở Quảng Ngãi....

Bên cạnh đó, còn nhiều địa phương dù kinh phí đã về nhưng vẫn chưa triển khai thi công được. Đặc biệt là những công trình cần khắc phục ngay, đủ các điều kiện về luật pháp. Trong đó, những công trình về PCTT thì các Nghị định của Chính phủ đã cho phép lựa chọn nhà thầu bằng những hình thức rút gọn để đẩy nhanh tiến độ, song các địa phương vẫn triển khai thực hiện theo quy trình thông thường.

Điều này dẫn đến thời gian dài trôi qua mà các tuyến đường giao thông, các khu vực dân cư chưa hoàn thành làm ảnh hướng đến đời sống, việc đi lại cũng như hoạt động giao thương. Như vậy sẽ không phát huy được hiệu quả từ nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ.

“Do đó, trong Hội nghị lần này, chúng tôi sẽ hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc đang tồn tại này ở các tỉnh miền Trung. Hiện nay, tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều yếu tố hiện nay đang làm gia tăng thêm rủi ro thiên tai.

Nhưng các cơ quan chuyên trách về PCTT thực sự chưa đáp ứng được yêu cầu về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực và các thiết bị để phục vụ cho PCTT. Đây là khó khăn rất lớn của chúng ta hiện nay”, ông Hoài cho biết thêm.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.