| Hotline: 0983.970.780

Công thức sản xuất cho thu nhập khó tin ở vùng đất khát

Thứ Bảy 21/01/2023 , 09:05 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Sau hơn 15 năm thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều địa phương ở Bình Định đã rút ra được những công thức sản xuất cho nhập gần nửa tỷ đồng/ha.

Đổi thay ngoạn mục nhờ chuyển đổi cây trồng

Một người con của quê hương xã Cát Hải (huyện Phù Cát, Bình Định) là nhà thơ Khổng Vĩnh Nguyên từng viết: “Nắng nung rẫy cát khoai sùng, con ăn lót dạ một vùng quê hương”. Hai câu thơ minh họa cho sự cằn khô, nghèo khó của vùng quê vừa là xã bãi ngang ven biển, vừa là miền núi heo hút này. Thế nhưng đó đã là chuyện ngày xưa…

Từ trước đến nay, thu nhập chính của người dân Cát Hải vẫn là sản xuất nông nghiệp, diện tích làm lúa là ruộng bậc thang nên có độ xói mòn và rửa trôi cao, lại là đất cát xám bạc màu, thêm vào đó hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng cho nhu cầu sản xuất, nguồn nước tưới chủ yếu là khai thác mạch nước ngầm nên cho hiệu quả rất thấp.

Hành là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Cát Hải (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Hành là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người dân vùng đất cát ở xã Cát Hải (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Thời điểm chưa thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Cát Hải là xã nghèo nhất của huyện Phù Cát, đời sống của người dân ở đây vô cùng khó khăn. Cây lúa làm không đủ ăn. Chỉ có 45ha sản xuất được 3 vụ lúa/năm nhờ nguồn nước từ hồ thủy lợi Tân Thắng, những diện tích sản xuất lúa còn lại do không chủ động được nước tưới nên chỉ sản xuất được 2 vụ lúa/năm.

Vụ đông xuân thì bấp bênh do đầu vụ thường bị mưa lớn làm hỏng giống, đến khi lúa trỗ lại gặp tiết Đại Hàn nên năng suất rất kém, chỉ khoảng 30 - 35 tạ/ha, thậm chí có năm bị mất trắng do thời tiết khắc nghiệt. Còn lúa gieo khô vụ mùa thì lệ thuộc vào nước trời, năm được năm mất, nếu được thì năng suất cũng chỉ 18 - 20 tạ/ha. Vì vậy mà nghèo đói luôn đeo bám người dân Cát Hải.

Ông Đỗ Hoàng Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Hải bảo, từ khi địa phương thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đời sống người dân ở đây mới được khởi sắc. Đến nay, tổng diện tích chuyển đổi ở xã Cát Hải là 384/1.241ha, chiếm 30,9% diện tích gieo trồng. Diện tích chuyển đổi tập trung chủ yếu từ chân ruộng sản xuất lúa kém hiệu quả chuyển sang sản xuất cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao như hành, đậu phụng, ớt, mè...

Ngô cũng là cây trồng được nông dân Bình Định lựa chọn trong công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ảnh: V.Đ.T.

Ngô cũng là cây trồng được nông dân Bình Định lựa chọn trong công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ảnh: V.Đ.T.

“Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật một cách đồng bộ vào sản xuất, nên các loại cây trồng cạn sản xuất trên đất lúa chuyển đổi cho năng suất cao, giá trị thu nhập tăng gấp 4 - 5 lần so với làm lúa. Thu nhập của cây hành cao hơn so với cây lúa tới 114,3 triệu đồng/ha; cây đậu phụng cao lúa hơn 36,3 đồng/ha; cây ớt cao hơn 192 triệu đồng/ha”, ông Phong chia sẻ.

Hiện nay, Cát Hải được nhiều người biết đến với những công thức thâm canh, luân canh, gối vụ đem lại giá trị kinh tế rất cao trên đơn vị diện tích canh tác. Đơn cử như: Vụ hành đông xuân - hành vụ hè - hành vụ đông gối thêm vụ ngô cho thu nhập lên tới gần 500 triệu đồng/ha/năm. Hoặc như vụ ớt đông xuân và ớt vụ hè cộng thêm đậu phụng vụ thu cho thu nhập 475 triệu đồng/ha/năm. Hay vụ hành đông xuân - đậu phụng vụ hè và hành vụ đông gối thêm vụ ngô cho thu nhập 416,8 triệu đồng/ha/năm. Hành vụ đông xuân - hành vụ hè - đậu phụng vụ thu cho thu nhập 416,8 triệu đồng/ha/năm.

Ớt cũng là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: V.Đ.T.

Những mô hình luân canh trên đất cát rất kém hiệu quả trước đây hiện đã choi thu nhập nửa tỉ đồng/năm. Ảnh: V.Đ.T.

Thêm nữa, đậu phụng vụ đông xuân - hành vụ hè và hành vụ đông cho thu nhập 416,8 triệu đồng/ha/năm. Đậu phụng vụ đông xuân - đậu phụng vụ hè và đậu phụng vụ thu cho thu nhập 227,3 triệu đồng/ha/năm. Lúa vụ động xuân - hành vụ hè và hành vụ đông cho thu nhập 344,7 triệu đồng/ha/năm. Lúa vụ đông xuân - mè vụ hè và hành vụ thu cho thu nhập 217,3 triệu đồng/ha/năm.

“Với những công thức sản xuất nói trên, hệ số sử dụng đất ở Cát Hải tăng lên 2,7 lần, góp phần nâng giá trị thu nhập bình quân trên 1ha đất canh tác đạt hơn 290 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 47,3 triệu đồng/năm, tăng tới 20,5 triệu đồng so với năm 2015”, ông Đỗ Hoàng Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Hải cho hay.

“Thời gian qua, xã Cát Hải đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ sản xuất khảo nghiệm những giống đậu phụng và hành hương do Viện chọn tạo, sau đó đưa vào sản xuất đại trà. Từ đó đã đưa năng suất đậu phụng hiện nay đạt bình quân 35,8 tạ/ha”, ông Đỗ Hoàng Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Hải chia sẻ.

Đất cát nghèo cho năng suất lạc cao nhất nước

Cát Hiệp, địa danh mà trước đây thoạt nghe là người dân Bình Định hình dung ngay đến vùng đất cát khô cằn nằm về phía tây huyện Phù Cát. Vùng đất ẩn chứa sự nghèo khó nằm dưới lớp cát mênh mông, mùa hạ đi chân trần lên đó thì chỉ có “chín” da bàn chân, bởi mặt trời nung nóng từng hạt cát. Vùng đất khắc nghiệt là vậy mà trên địa bàn không có hệ thống thủy lợi nên nông dân không biết sản xuất kiểu gì.

Đậu phụng là cây trồng chủ lực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Cát Hải (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Đậu phụng là cây trồng chủ lực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các xã Cát Hải, Cát Hiệp (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Xưa, đất Cát Hiệp chỉ có cây điều và cây mì (sắn) là “đứng” được, nhưng chỉ "đứng" thôi chứ chẳng cây nào phát triển nổi, vì đất không có dinh dưỡng và không có nước tưới. Cây điều thì trơ nhánh chẳng muốn ra quả; mì thì èo uột, “xương xẩu” chẳng khá gì hơn. Nhưng vì không biết trồng cây gì nên bà con cắm đại vào đất những hom mì giống, đến vụ thu hoạch được bao nhiêu thì được.

Trong hình dung của ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, trên đất Cát Hiệp trước đây chiếm hầu hết là cây mì, mỗi năm làm 1 vụ. Lúa thì chỉ canh tác được vụ đông xuân, nhưng rất bấp bênh do không có nước tưới, đến vụ mùa gieo khô được một ít diện tích rồi phó mặc cho trời, lúa thu hoạch ăn không giáp hạt.

Theo ông Đào Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Hiệp, trước đây, khi hệ thống kênh tưới Văn Phong và kênh tưới Thuận Ninh chưa về đến địa phương, trên địa bàn xã Cát Hiệp chỉ có 2 con đập bổi, vụ lúa đông xuân nông dân phải đào lỗ, đào ao lấy nước tưới lúa, diện tích đất sản xuất nông nghiệp không bằng một nửa bây giờ.

Năm 2012, nước của hồ Định Bình và hồ Thuận Ninh về đến Cát Hiệp, khoảng 300ha đất trồng điều và những diện tích trồng mì kém hiệu quả trước đây nông dân chuyển hết sang trồng đậu phộng (lạc) xen mì, nhờ đó mà “đổi đời”. Hiện, ở Cát Hiệp có 150ha sản xuất lúa nước, còn cây trồng chủ đạo là đậu phộng với diện tích sản xuất hàng năm 850ha, trong đó vụ đông xuân làm 750ha trồng xen với mì, vụ hè thu làm thêm 100ha nữa.

Mô hình bón phân sinh học cho cây đậu phộng ở xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Nông dân Cát Hiệp đã năng động áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, cho năng suất lạc được đánh giá là cao nhất nước ngay ở vùng đất cát nghèo.. Ảnh: V.Đ.T.

“Trồng đậu phộng xen mì rất hiệu quả. Giữa tháng 12 hàng năm, trên những chân đất cao bà con xuống giống đậu phộng sớm, chân đất thấp phải đợi đến cuối tháng 12 mới xuống giống để tránh lũ. Trồng đậu phộng xen mì 3 tháng sau là thu hoạch đậu phộng, nhổ đậu phộng xong, bà con tập trung chăm sóc cây mì. Giai đoạn sau này cây mì “ăn mót” phân bón trong đất mà trước đây bà con bón cho cây đậu phộng nên phát triển rất mạnh, 5 - 6 tháng sau là thu hoạch mì. Như thế, trên cùng chân đất mà nông dân lấy được tiền từ 2 loại cây trồng”, ông Đào Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Hiệp chia sẻ.

Bàn về cây đậu phộng, ông Chung nói say sưa không hết chuyện. Bởi, ngoài làm lãnh đạo xã, ông Chung còn là một nông dân chính hiệu, nên thấu đáo được lợi ích của cây đậu phộng mang đến cho nông dân ở đây. Bây giờ, nông dân Cát Hiệp nghe nói năng suất đậu phộng đạt 40 tạ/ha , tương đương 200kg/sào (500m2) là đã bĩu môi, chê thấp, trong khi đó là năng suất mà người trồng đậu phộng khắp nơi mơ ước. Ví như ông Chung vừa lo việc nước vừa lo việc nhà, mà làm đậu phộng cho năng suất đạt đến 50 - 52 tạ/ha, ở xã Cát Hiệp cá biệt có người làm đậu phộng đạt đến 70 tạ/ha.

Nguồn thu của nông dân Cát Hiệp từ cây màu là chính. Có người làm đậu phộng vụ đông xuân, tiếp đến là 2 vụ bắp (ngô) hay 1 vụ bắp và 1 vụ đậu phộng nữa. Với giá 25.000đ/kg và năng suất bình quân đạt 50 tạ/ha, sau 3 tháng, người trồng đậu phộng ở Cát Hiệp thu được 125 triệu đồng/ha, trừ tất cả chi phí cũng lãi ít nhất 60 triệu đồng/ha. Sau đó, cũng trên diện tích ấy, bà con thu hoạch mì và có thêm nguồn thu nữa. Cộng cả 2 khoản lãi ròng từ đậu phộng và mì, mỗi vụ 1ha đất nông dân Cát Hiệp bỏ vào “hầu bao” ngót nghét 100 triệu đồng. Một con số trong mơ của nông dân vùng đất khó!

5-0939_20221208_785

Hiện nay, 98% diện tích đậu phộng (lạc) ở xã Cát Hiệp chủ động nước tưới bằng bét tự động. Ảnh: V.Đ.T.

Từ năm 2006, Bình Định đã khởi động công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Những năm qua, tỉnh này đã triển khai chủ trương chuyển đổi hàng chục nghìn ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. Ngoài ra, chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa tiết kiệm được nước tưới, luân canh cây trồng góp phần cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh hại...

Năm 2023, Bình Định đăng ký với Bộ NN-PTNT thực hiện chuyển đổi 1.775ha, trong đó chuyển sang cây trồng cạn 1.735ha, chuyển sang trồng cây lâu năm 36ha, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 4ha. Đồng thời, Bình Định ban hành chính sách khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật thông qua các mô hình phù hợp...

Xem thêm
Nuôi cừu sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu

Ninh Thuận Mô hình nuôi cừu sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu giúp nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế tăng trên 10% so với chăn nuôi đại trà.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...