Năm 2021, để ứng phó với tình hình thời tiết diễn biến bất lợi, nông dân xã Cát Trinh, huyện Phù Cát (Bình Định) đã mở rộng diện tích cây trồng cạn, trong đó tập trung cho cây đậu phụng (lạc). Ngay cả chân ruộng 3 vụ chủ động nước, nhưng có điều kiện chuyển đổi cũng được chuyển sang trồng đậu phụng. Bởi cây đậu phụng trong nhiều năm liền giá tiêu thụ ổn định, đem lại thu nhập cao cho người dân.
Kết quả, năm 2021 nông dân xã Cát Trinh đã sản xuất hơn 512 ha đậu phụng, bằng 100% tăng gần 20 ha so với năm trước. Nông dân sử dụng giống đậu phụng L14. Ưu điểm của giống đậu phụng L14 là chống chịu sâu bệnh tốt, có khả năng thích ứng rộng, chịu thâm canh cho năng suất cao, có thể trồng ở tất cả các vụ trong năm, trên nhiều chân đất.
Trước khi vào vụ, cán bộ khuyến nông của xã hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác cây đậu phụng, cách sử dụng các chế phẩm sinh học, biện pháp phòng trừ sâu bệnh… Nhiều biện pháp canh tác tiên tiến được ứng dụng rộng rãi như: Sử dụng bộ sản phẩm Hợp Trí, hạn chế sử dụng phân vô cơ; dùng chế phẩm Trichodecma chống chết ẻo; chế phẩm vi khuẩn nốt sần… nên cây đậu phụng năm nay ở Cát Trinh phát triển khá tốt, năng suất bình quân đạt 38 tạ/ha cao hơn năm trước 1 tạ/ha.
Ông Nguyễn Ngọc Anh ở thôn Phong an, xã Cát Trinh chia sẻ: “Đậu phụng năm nay ít chết ẻo hơn so với mọi năm. Bên cạnh đó, người dân tuân thủ hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã, chủ động trong việc phòng trừ sâu bệnh cho cây đậu. Vì vậy, vụ đậu năm nay cho năng suất cao hơn. Nhà tôi trồng được 2 sào đậu, mọi năm thu chưa đến 300 kg, nhưng năm nay thu hoạch trên 360 kg”.
Được biết, đậu phụng sau khi thu hoạch về sẽ tiến hành phơi khô để ép dầu, giá bán trung bình 100 nghìn đồng/lít tùy thời điểm. Khi bán dầu, người trồng đậu sẽ có thu nhập cao hơn so với bán đậu khô như trước. Bên cạnh đó, xác đậu khi ép dầu sẽ được nông dân tận dụng làm phân bón cho hoa màu và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thân cây đậu làm thức ăn cho trâu, bò...
Đậu phụng là cây trồng cạn ít tốn công chăm sóc và tưới nước. Tính từ ngày xuống giống đến thu hoạch chừng hơn 3 tháng. Sau khi trừ các chi phí phân bón, nhân công, nông dân thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng/ha, cao gấp 2 - 3 lần so với cây lúa.
Đậu phụng dễ trồng, sinh trưởng trên nhiều loại đất như đất đồi, đất ruộng, đất bồi ven suối. Trồng đậu phụng không phải tưới nước như lúa nên ít tốn chi phí, việc cơ giới hóa cũng giảm công lao động cho nông dân, lại không lo đầu ra như các loại nông sản khác vì giá cả luôn ổn định, không bán đậu hạt thì chuyển sang ép dầu để bán.