| Hotline: 0983.970.780

Những điểm sáng nông nghiệp Ninh Thuận năm 2022

Thứ Ba 10/01/2023 , 11:01 (GMT+7)

Là vùng đất khó, nông nghiệp Ninh Thuận năm 2022 vẫn đạt được những kết quả rất ấn tượng, nhất là dấu ấn nhờ chuyển đổi cây trồng gắn với nông nghiệp công nghệ cao.

Tăng đều các ngành mũi nhọn

Năm 2022, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận đạt 12.951,3 tỷ đồng, tăng 4,51% so năm 2021. Giá trị sản xuất của diện tích đất nông nghiệp được chủ động nước tưới trong năm 2022 đạt 137 triệu đồng/ha, đạt kế hoạch đề ra.

Empty

Nho là cây trồng đặc thù của Ninh Thuận, có thu nhập hàng tỷ đồng/ha/năm. Ảnh: Mai Phương.

Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận, sở dĩ vùng đất khó Ninh Thuận đạt được kết quả nói trên là nhờ ngành chức năng tỉnh này kịp thời tham mưu UBND tỉnh kế hoạch gieo trồng từng vụ gắn với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chỉ tiêu xây dựng cánh đồng lớn. Tiếp tục duy trì và phát triển 57 liên kết chuỗi giá trị trồng trọt với diện tích 14.267ha, trong đó có 31 cánh đồng lớn với diện tích hơn 4.242ha được hỗ trợ theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP; tăng tỷ lệ cơ giới hóa, tăng diện tích áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến như “1 phải, 5 giảm”, bao trái nho, bao lưới giàn táo và phòng chống hiệu quả dịch bệnh trên cây trồng.

Trong chăn nuôi, Ninh Thuận triển khai thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn hiệu quả, có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2022 - 2025 theo Quyết định số 69/QĐ-UBND ngày 24/01/2022 của UBND tỉnh gắn với các kế hoạch vệ sinh tiêu độc khử trùng và tiêm phòng gia súc, gia cầm. Trong năm qua, chăn nuôi ở Ninh Thuận phát triển khả quan, không xảy ra dịch bệnh. Đồng thời, Ninh Thuận tiếp tục duy trì các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi và thực hiện chặt chẽ việc kiểm soát kiểm dịch, vệ sinh thú y, giết mổ… Nhờ đó, trong năm 2022, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 17,1% so với cùng kỳ 2021.

Trong khai thác thủy sản, Ninh Thuận tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chống khai thác IUU gắn với công tác chỉ đạo sản xuất hiệu quả. Ngành chức năng Ninh Thuận thường xuyên mỗi tháng phát 2 thông báo về ngư trường để ngư dân nắm bắt tổ chức sản xuất; giám sát hành trình tàu cá 24/24h và tổ chức lại khai thác vùng bờ và vùng lộng thuộc phạm vi quản lý của tỉnh. Do đó, mặc dù trong điều kiện giá nhiên liệu tăng cao, nhưng hiệu quả khai thác vẫn đạt khá, sản lượng thủy sản khai thác tăng 2,54% so với năm 2021.

Empty

Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng táo xanh đem lại hiệu quả kinh tế rất cao ở Ninh Thuận. Ảnh: Mai Phương.

Trong sản xuất giống thủy sản, trong năm 2022, Ninh Thuận tập trung triển khai đề án phát triển tỉnh này thành trung tâm tôm giống chất lượng cao của cả nước; phối hợp với Tập đoàn Minh Phú xây dựng quy hoạch phân khu 1/2000 vùng sản xuất tôm giống chất lượng cao An Hải và Sơn Hải, sản lượng giống thủy sản tăng 2,2% so với cùng kỳ 2021.

Về lâm nghiệp, Ninh Thuận tăng cường công tác phòng chống chữa cháy rừng, công tác bảo vệ rừng; tăng cường kiểm tra, tuần tra, truy quét nên đã hạn chế mức thấp nhất về cháy rừng, các vụ vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời; công tác trồng rừng đạt 100% kế hoạch, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 47,12%.

“Chỉ tiêu trồng mới rừng tập trung được UBND tỉnh Ninh Thuận giao tại Quyết định số 21/QĐ-UBND không đảm bảo chỉ tiêu bởi vướng mắc khách quan do Trung ương không bố trí vốn đầu tư phát triển rừng năm 2022. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Ninh Thuận đã tập trung chỉ đạo trồng rừng thay thế được gần 1.000ha. Đặc biệt, đã huy động xã hội hóa phục hồi 30ha rừng và trồng mới 20ha để đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2025 đạt 49%”, ông Đặng Kim Cương chia sẻ.

Những điểm sáng

Ngành nông nghiệp Ninh Thuận tăng trưởng ấn tượng trong năm qua là nhờ ngành chức năng tăng cường công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình. Ví như mô hình kỹ thuật “1 phải 5 giảm” trên cây lúa với diện tích 12.524ha, chiếm 28,2% tổng diện tích lúa toàn tỉnh, tăng 2,2% so cùng kỳ.

Trong năm 2022, Ninh Thuận đã nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ bao lưới chống ruồi vàng vào sản xuất táo hơn 642ha, với 1.983 hộ tham gia, chiếm 63,7% tổng diện tích trồng táo trên địa bàn. Mô hình này góp phần giảm tác hại của các sinh vật gây hại, đặc biệt là ruồi vàng đục trái và sâu đục trái, giúp tăng năng suất, sản lượng và nâng cao giá trị sản phẩm táo.

Empty

Măng tây xanh là cây trồng đem lại thu nhập cao, những năm qua phát triển rất mạnh tại Ninh Thuận. Ảnh: Mai Phương.

Bên cạnh đó, Ninh Thuận tiếp tục hướng dẫn nông dân thực hiện các dự án chuyển tiếp của năm 2021, triển khai các mô hình mới năm 2022; hỗ trợ chứng nhận VietGAP trên một số cây ăn quả như táo, mãng cầu dai, bưởi da xanh tại Lâm Sơn, Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn) và Phước Vinh (huyện Ninh Phước); hỗ trợ máy gieo hạt phục vụ công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại Lương Sơn (huyện Ninh Sơn) và Phước Chính (huyện Bác Ái); tổ chức tập huấn 40 lớp với 1.408 lượt người tham gia về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đáp ứng nhu cầu sản suất của người dân.

Ngoài ra, Sở NN-PTNT Ninh Thuận còn phối hợp với Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam tổ chức hội thảo đầu bờ “Mô hình sản xuất giống lúa mới, chất lượng cao Đài Thơm 8” với hơn 100 đại biểu và nông dân toàn tỉnh tham dự; đăng 30 bảng giá một số mặt hàng nông sản của tỉnh trên bảng đèn LED điện tử; giới thiệu 26 sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của tỉnh lên trang Web “Phiên chợ Khuyến nông” của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng được ngành nông nghiệp Ninh Thuận đẩy mạnh trong năm 2022. Đến nay, trên địa bàn Ninh Thuận đã có 31 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi vào hoạt động, trong đó có 18 dự án trồng trọt, 3 dự án chăn nuôi, 8 dự án thủy sản, 2 dự án chế biến nông sản.

Ngoài ra, cuối năm 2022, ngành nông nghiệp Ninh Thuận còn phối hợp với Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM ký biên bản ghi nhớ hợp tác về việc phối hợp thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu hoặc các dự án cả hai bên cùng quan tâm; triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, phối hợp phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ, tư vấn, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học.

Empty

Giống nho mới có giá trị kinh tế rất cao, dự kiến thời gian tới sẽ mở rộng diện tích tại Ninh Thuận. Ảnh: Mai Phương.

Ngành nông nghiệp Ninh Thuận còn chia sẻ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu mạng lưới liên kết các chuyên gia, đối tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Hợp tác phát triển du lịch trải nghiệm, đồng thời quảng bá nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sinh thái. Hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, khởi tạo doanh nghiệp theo nhu cầu, tổ chức các khóa đào tạo về kỹ thuật và quản trị doanh nghiệp. Hỗ trợ tập huấn, tư vấn cán bộ kỹ thuật, đào tạo dạy nghề trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận, trong năm 2023, ngành chức năng tỉnh này sẽ tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh thực hiện các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo điều hành; huy động, sử dụng tốt nhất mọi nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh...

“Từ những kết quả đạt được trong năm qua, năm 2023, ngành nông nghiệp Ninh Thuận tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 3 - 4% so với năm 2022; giá trị sản xuất trên diện tích đất chủ động nước đạt 142 triệu đồng/ha; tỷ lệ diện tích đất sản xuất được chủ động tưới đạt 62,38%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,23%; có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…”,  ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Bắt chó thả rông trên tinh thần không đánh trống bỏ dùi

ĐỒNG NAI Trước diễn biến bệnh dại phức tạp, tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu sẽ chặt đứt nguồn lây bệnh từ chó thả rông, chó dại.

Lúa khỏe, năng suất tăng nhờ phân bón hữu cơ và cấy hàng rộng, hàng hẹp

NAM ĐỊNH Sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp kỹ thuật cấy hàng rộng - hàng hẹp giúp cây lúa khỏe, sạch sâu bệnh, giảm công lao động và chi phí bảo vệ thực vật...