| Hotline: 0983.970.780

Công ty cao su ưu tiên tuyển dụng bà con đồng bào dân tộc

Thứ Sáu 28/07/2023 , 11:02 (GMT+7)

Đắk Lắk Tổng giám đốc Công ty Cao su Ea H'leo Lê Anh Tuấn cho biết, xuyên suốt 40 năm thành lập, phát triển, doanh nghiệp luôn quan tâm, chăm lo cho cuộc sống người lao động.

Ông Lê Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Ea H'leo. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Lê Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Ea H'leo. Ảnh: Bảo Thắng.

Suốt từ khi thành lập vào năm 1984, Công ty TNHH MTV Cao su Ea H'leo luôn chăm lo cho cuộc sống cán bộ, công nhân viên, đặc biệt là công nhân đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến tháng 6/2023, tổng số lao động của công ty là khoảng 1.400 người, trong đó khoảng 50% là đồng bào dân tộc thiểu số. Thu nhập bình quân đầu người trong sáu tháng đầu năm đạt hơn 5,3 triệu đồng một người.

Con số ấy so với nhiều vùng khác còn khiêm tốn, nhưng là bước tiến vượt bậc so với người dân lao động trên địa bàn. Chị H'le Rbăm, công nhân Nông trường Ea Ral cho biết, hiện gia đình không còn lo lắng về thu nhập bởi ngoài chế độ lương, thưởng, còn được công đoàn công ty đặc biệt quan tâm.

Công ty Cao su Ea H'leo hiện có 9 công đoàn cơ sở và 56 tổ công đoàn. Trong nhiệm kỳ vừa qua, đội ngũ lao động đã được nâng lên nhiều mặt, có chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề cao, tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Cùng với việc đảm bảo lương, thưởng, công đoàn công ty thường xuyên phối hợp với chính quyền kiểm tra, giám sát việc chi trả các chế độ, chính sách, chế độ nghỉ lễ, tết, nghỉ phép năm, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Cùng với đó, công đoàn công ty cũng thường xuyên động viên, thăm hỏi các gia đình công nhân khó khăn, đồng thời phát động nhiều phong trào thi đua trong lao động sản xuất.

Anh Lê Quang Hữu, Chủ tịch Công đoàn Nông trường Ea Ral chia sẻ: "Chúng tôi đã nghiên cứu và  áp dụng mô hình công nhân vừa đảm nhiệm công việc khai thác, vừa có thời gian tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình".

Nhờ sự quan tâm này, không khí lao động hăng say lan tỏa khắp các nông trường. Các vấn đề về an ninh chính trị, an ninh quốc phòng, xóa đói giảm nghèo được đảm bảo.

Vườn cao su xanh ngát tại huyện Ea H'leo. Ảnh: Tùng Đinh.

Vườn cao su xanh ngát tại huyện Ea H'leo. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo thống kê, hơn 200 gia đình công nhân đã được công ty cho vay vốn phát triển kinh tế, 18 căn nhà mái ấm công đoàn được xây dựng dành tặng cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn với số tiền khoảng 900 triệu đồng. Đây là tiền đề để công ty phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh trong năm 2023.

Nhìn lại chặng đường 40 năm cây cao su bám rễ trên địa bàn, ông Lê Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Ea H'leo nhận xét, cây cao su không còn đơn thuần là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là một "phương tiện" giúp địa phương phát triển kinh tế xã hội.

"Từ Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban giám đốc Công ty Cao su Ea H'leo đều thống nhất là ưu tiên tuyển dụng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm việc tại công ty. Chúng tôi cam kết giúp bà con nâng cao thu nhập và có nhiều ưu tiên để họ ổn định cuộc sống", ông Tuấn nói.

Có thể nói cây cao su đã bám vững chân tại Ea H'leo. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty chưa bằng lòng với những gì đã làm được. Cùng với sự chỉ đạo của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Ea H'leo quyết tâm phát triển cao su một cách bền vững, nhất là trong bối cảnh thế giới đang yêu cầu ngày một cao về tiêu chuẩn, chất lượng đối với các sản phẩm đầu ra.

Để hoàn thành mục tiêu này, công ty đã đề ra 3 giải pháp chính. Thứ nhất, phấn đấu nâng cao diện tích trồng cao su đạt các chứng nhận quản lý rừng bền vững như FSC, PEFC… Thứ hai, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền địa phương, cụ thể là UBND tỉnh Đắk Lắk, UBND huyện Ea H’leo để hài hòa lợi ích đối với người dân bản địa trong các khâu của chuỗi cung ứng.

Cuối cùng, doanh nghiệp mong muốn tham gia sâu hơn vào hoạt động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đây cũng là định hướng của huyện Ea H’leo trong mục tiêu đưa khu vực này trở thành động lực tăng trưởng chính của tỉnh Đắk Lắk tại cửa ngõ phía Bắc.

Trong năm 2022, Công ty Cao su Ea H'leo đã hoàn thành chứng nhận FSC-CoC. Đây là chứng nhận Chuỗi hành trình sản phẩm FSC, chứng minh doanh nghiệp đạt các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến, kinh doanh… các sản phẩm có nguồn gốc từ rừng.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.