| Hotline: 0983.970.780

Tự hào khi có công ty cao su đứng chân trên địa bàn

Thứ Sáu 28/07/2023 , 10:57 (GMT+7)

Đắk Lắk Trong hơn 40 năm qua, huyện Ea H'leo và công ty cao su luôn đồng hành phát triển, theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Hà.

Chủ tịch UBND huyện Ea H'leo Nguyễn Văn Hà trả lời phỏng vấn Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

Chủ tịch UBND huyện Ea H'leo Nguyễn Văn Hà trả lời phỏng vấn Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

Nằm ở cửa ngõ phía bắc của tỉnh Đắk Lắk, với trung tâm huyện lỵ là thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H'leo cách thành phố Buôn Ma Thuột 80km về phía nam và cách thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) 100km về phía bắc theo Quốc lộ 14.

Đặc biệt, quá trình hình thành và phát triển của huyện gần như gắn liền với cây cao su. Theo ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện, chỉ 4 năm sau khi huyện được thành lập dựa trên 4 xã là Ea Sol, Ea H'leo, Ea Khăl và Dliê Yang thuộc huyện Krông Búk, Công ty TNHH MTV Cao su Ea H'leo cũng đóng chân trên địa bàn.

"Trong suốt hành trình vừa qua, sự phối hợp, chia sẻ và trách nhiệm của công ty đối với địa phương và sự giúp đỡ của địa phương đối với công ty luôn được gắn kết", ông Hà chia sẻ.

Lãnh đạo huyện Ea H'leo cũng nhấn mạnh 2 nhiệm vụ chính mà công ty cao su đã làm được xuyên suốt 4 thập kỷ. Thứ nhất, là tạo công ăn việc làm tại chỗ cho đồng bào dân tộc địa phương. Thứ hai, góp phần bảo vệ an ninh chính trị, nhất là vào thời điểm những năm đầu khó khăn, khi huyện mới thành lập.

Ông Hà nhớ lại, thời điểm thập niên 1980, huyện Ea H'leo chỉ có khoảng 15.000 dân và chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Sau khi công ty cao su xây dựng, phát triển, một lượng lớn bà con miền xuôi đã lên Đắk Lắk xây dựng kinh tế mới, theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước.

Từ những gian truân, thử thách ban đầu, cây cao su đã đứng được trên đất Ea H'leo. Nhờ diện tích 80.000ha đất đỏ bazan, cùng sự đồng thuận, nhất trí cao của 29 dân tộc anh em cùng sinh sống, thu nhập của các hộ gia đình có thành viên tham gia sản xuất, liên kết với cao su giờ đều ổn định. Ngay cả những lúc giá mủ xuống thấp, cuộc sống của họ vẫn được đảm bảo. 

Bên cạnh việc tạo công ăn việc làm tại chỗ, Công ty Cao su Ea H'leo còn giúp đỡ địa phương rất nhiều về phát triển hạ tầng cũng như các hoạt động xã hội hóa, theo Chủ tịch Nguyễn Văn Hà.

Cây cao su giúp huyện Ea H'leo ổn định đời sống cho bà con vùng đồng bào dân tộc. Ảnh: Tùng Đinh.

Cây cao su giúp huyện Ea H'leo ổn định đời sống cho bà con vùng đồng bào dân tộc. Ảnh: Tùng Đinh.

Người đứng đầu huyện Ea H'leo thống kê, trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây, công ty đã hỗ trợ, giúp đỡ địa phương xây dựng khoảng 150km đường giao thông, chủ yếu là các tuyến vận hành khai thác mủ và đường giao thông nông thôn.

"Có thể khẳng định rằng, tất cả những diện tích đất giao cho công ty cao su quản lý thì đều được bảo vệ rất tốt, không có tình trạng người dân xâm lấn, lấn chiếm. Chúng tôi vẫn hay nói vui rằng, đấy chính là nguồn đất dự trữ để tạo dư địa cho địa phương sau này", ông Hà nhận xét.

Khẳng định niềm tự hào khi có Công ty Cao su Ea H'leo đứng chân trên địa bàn, Chủ tịch Nguyễn Văn Hà nhấn mạnh: "Công ty phát triển thì huyện phát triển".

Thời gian tới, ngoài những diện tích đã giao cho công ty cao su, huyện Ea H'leo đang khuyến khích công ty mở rộng thêm vùng trồng ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa hơn. Cùng với đó, là việc liên kết với nhóm cao su tiểu điền tại địa phương.

Thống kê cho thấy, lực lượng này hiện nắm giữ khoảng 5.000ha cao su. Đây là một con số không nhỏ, đòi hỏi Công ty Cao su Ea H'leo phải có những chính sách dài hơi trong vấn đề bình ổn giá, tránh để bà con nông dân loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm.

"Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để công ty cao su vững chân trên địa bàn huyện, đồng thời xem địa phương chính là nhà của mình, giống như người công nhân lao động bao năm nay đã gắn bó máu thịt và xem nông trường cao su như ngôi nhà thứ hai", ông Nguyễn Văn Hà kết luận. 

Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá trị tổng sản phẩm của huyện Ea H'leo được hơn 10.800 tỉ đồng (đạt 56% kế hoạch, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022). Giá trị sản xuất bình quân đầu người ước đạt 77 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội được 2.021 tỷ đồng (đạt 55% kế hoạch). Tổng thu ngân sách Nhà nước ước được 60,8 tỷ đồng (đạt 56% dự toán tỉnh giao).

Đến nay, huyện có 7/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến cuối năm 2023, Ea H'leo sẽ có thêm xã Ea Sol và xã Ea H’leo đạt chuẩn.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.