Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã thông tin trong bài viết "Vì sao Hệ sinh thái Tuấn Ân luôn 'thắng lớn' các gói thầu của điện lực?", Công ty TNHH Tuấn Ân Hà Nội (thành viên của Tập đoàn Tuấn Ân) được biết đến với nhiều gói thầu có tổng trị giá lên đến hàng trăm tỉ đồng ở hầu hết các công ty điện lực trên địa bàn TP Hà Nội.
Trước đó, cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an (C03) đã phát hiện vụ án "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ"; "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"; "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng"; "In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân, Công ty Điện lực Bình Thuận và các đơn vị liên quan.
C03 đã khởi tố và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 17 bị can, trong đó có ông Huỳnh Tuấn Ân, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân cùng nhiều cán bộ EVN Bình Thuận.
Theo thông tin của Tập đoàn Tuấn Ân, hiện đơn vị này có 19 đơn vị thành viên, tổ chức theo mô hình Tập đoàn và mở rộng ra các lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo và bất động sản.
Trong đó, hạt nhân của hệ sinh thái Tập đoàn Tuấn Ân ngoài hàng chục công ty liên quan trực tiếp đến Huỳnh Tuấn Ân, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân thì còn có Công ty TNHH Tuấn Ân Hà Nội có địa chỉ tại thửa BT3-3 Khu đấu giá Quyền sử dụng đất Tứ Hiệp - Ngũ Hiệp, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội. Người đại diện pháp luật là bà Huỳnh Ngọc Phương Trinh (sinh năm 1995). Ngoài ra, bà Huỳnh Ngọc Phương Trinh còn là đại diện của Công ty TNHH Tuấn Ân Miền Bắc; Công ty TNHH Tuấn Ân Vĩnh Phúc; Công ty Cổ phần Tuấn Ân Nha Trang; Công ty TNHH Tuấn Ân Ninh Bình; Công ty TNHH Điện mặt trời Tuấn Ân Ninh Thọ; Công ty TNHH Điện mặt trời Huỳnh Trinh.
Chưa kể, trong “hệ sinh thái” Tuấn Ân do bà Huỳnh Ngọc Phương Trinh làm người đại diện, nổi bật còn có Công ty TNHH Tuấn Ân Miền Bắc luôn “thắng lớn” trong các gói thầu “béo bở” tại các Công ty Điện lực tại các tỉnh như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Điện Biên, Ninh Bình, Hà Giang, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ,… sẽ được đề cập ở phần kế tiếp.
Quay lại câu chuyện sau những vi phạm đấu thầu xảy ra tại Tập đoàn Tuấn Ân, dư luận cũng chỉ nhiều điểm “bất thường” trong công tác đấu thầu của Công ty TNHH Tuấn Ân Hà Nội (sau đây gọi là Công ty Tuấn Ân Hà Nội) tại một số công ty điện lực trên địa bàn Hà Nội.
Điện lực Hoàng Mai, Thường Tín sử dụng vốn có đạt hiệu quả?
Theo tài liệu bạn đọc cung cấp cho thấy, mặc dù thường bỏ giá dự thầu rất cao, song Công ty TNHH Tuấn Ân Hà Nội (với vai trò độc lập hoặc là thành viên liên danh) vẫn liên tục giành chiến thắng ở các gói thầu mua sắm do Công ty Điện lực Hoàng Mai mời thầu. Đáng chú ý, những gói thầu mà nhà thầu này trúng đều có tỉ lệ tiết kiệm sau đấu thầu ở mức rất thấp.
Cụ thể, tại Gói thầu số 37- ĐTTV2020-ĐTRR: Mua vật tư thiết bị cho các công trình: Tăng cường đường trục hạ thế các TBA quận Hoàng Mai 2020 (phường Yên Sở, Thịnh Liệt, Lĩnh Nam, Hoàng Văn Thụ, Mai Động) và Tăng cường đường trục hạ thế các TBA Quận Hoàng Mai 2020 (phường Tân Mai, Tương Mai, Định Công, Hoàng Liệt, Đại Kim, Thanh Trì)”. Trong vai trò liên danh, Công ty Tuấn Ân Hà Nội cùng Công ty Cổ phần Tập đoàn TOJI - Công ty TNHH dây và cáp điện Thăng Long trúng thầu với giá 8.798.030.285 đồng (giá dự toán gói thầu 8.838.228.355 đồng), số tiền tiết kiệm sau đấu thầu hơn 40 triệu đồng, tương ứng với tỉ lệ 0,4%.
Gói thầu số 91-ĐTVT2019-ĐTRR: “Mua vật tư phục vụ các công trình CTĐDHT, CVTĐL tuyến phố TĐ từ chợ TĐ đến đường Giải Phóng và CTĐDHT,CVTĐL tuyến phố TĐ từ ranh giới Hoàng Mai - Hai Bà Trưng đến chợ TĐ” thuộc Dự án “Mua vật tư phục vụ các công trình Cải tạo đường dây hạ thế, cáp viễn thông điện lực tuyến phố Trương Định từ chợ Trương Định đến đường Giải Phóng và Cải tạo đường dây hạ thế, cáp viễn thông điện lực tuyến phố Trương Định từ ranh giới Hoàng Mai - Hai Bà Trưng đến chợ Trương Định”. Giá dự toán là 6.442.466.943 đồng.
Tại gói thầu này, cũng trong vai trò liên danh, Công ty Tuấn Ân Hà Nội cùng Công ty TNHH Dây và cáp điện Thăng Long - Công ty Cổ phần đầu tư Công nghiệp Tân Phát trúng thầu với giá 6.377.554.568 đồng, số tiền tiết kiệm sau đấu thầu gần 65 triệu đồng, tương đương tỉ lệ tiết kiệm đạt 1%.
Trước đó, Công ty Tuấn Ân Hà Nội cũng từng “bắt tay” liên danh cùng Công ty TNHH Dây và cáp điện Thăng Long trúng gói thầu số 20- KHVT17- MSTT “Mua cáp hạ thế, hòm công tơ phục vụ tri ân khách hàng và cấp mới tháng 12 năm 2017” với tỉ lệ tiết kiệm bằng 0.
Cụ thể, gói thầu trên do Công ty Điện lực Hoàng Mai làm chủ đầu tư có giá dự toán 891.759.000 đồng (hình thức đấu thầu trực tiếp), liên danh Công ty TNHH Dây và cáp điện Thăng Long - Công ty Tuấn Ân Hà Nội trúng thầu bằng đúng với giá dự toán được đưa ra là 891.759.000 đồng, tương đương tỉ lệ tiết kiệm bằng 0 đồng.
Được biết, trong vai trò độc lập hoặc liên danh, Công ty Tuấn Ân Hà Nội đã trúng 11/11 gói thầu tham gia tại Công ty Điện lực Hoàng Mai với tổng giá trị trúng thầu khoảng 30 tỉ đồng.
Với kịch bản chung tại những gói thầu do Công ty Điện lực Hoàng Mai làm chủ đầu tư kể trên, Công ty Tuấn Ân Hà Nội (liên danh hoặc độc lập) trúng thầu với tỉ lệ tiết kiệm ở mức siêu thấp, thậm chí là bằng 0, khiến dư luận hoài nghi về tính hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn của Công ty Điện lực Hoàng mai và tính minh bạch trong hoạt động đấu thầu.
Theo tài liệu bạn đọc cung cấp, “bóng dáng” của Công ty Tuấn Ân cũng xuất hiện tại nhiều gói thầu do Công ty Điện lực Thường Tín làm chủ đầu tư cũng xuất hiện tình trạng tương tự.
Cụ thể, tại “Gói thầu MSVTTB 01.2022 mua vật tư thiết bị phục vụ đầu tư xây dựng năm 2022”, gói thầu có giá dự toán 22.780.530.872 đồng. Tại gói thầu này, liên danh Công ty Tuấn Ân Hà Nội - Công ty Cổ phần Công nghiệp INVICO - Công ty Cổ phần Cáp điện Tự Cường dự thầu với giá 22.568.350.189 đồng và trúng thầu, số tiền tiết kiệm sau đấu thầu hơn 212 triệu đồng, tương đương tỉ lệ tiết kiệm 0,9%.
Hay tại gói thầu “MSVTTB 01 2021 mua vật tư thiết bị phục vụ đầu tư xây dựng năm 2021”, giá dự toán gói thầu 19.627.722.924 đồng, với hình thức đấu thầu qua mạng. Liên danh Công ty Tuấn Ân Hà Nội - Công ty CP Cáp điện Tự Cường - Công ty CP Xây lắp và Dịch vụ điện lực trúng thầu với giá 19.433.887.924 đồng, số tiền tiết kiệm sau đấu thầu hơn 193 triệu đồng, tương đương tỉ lệ tiết kiệm 1%.
Gói thầu “MS 03 2020 mua sắm dây cáp và phụ kiện phục vụ ĐTXD năm 2020” có giá dự toán 18.769.254.518 đồng. Liên danh Công ty Tuấn Ân Hà Nội - Công ty CP Cáp điện Tự Cường - Công ty CP Thương mại Quốc tế Đại Hoàng Minh dự thầu và trúng thầu với giá 18.567.320.332 đồng, số tiền tiết kiệm sau đấu thầu gần 202 triệu đồng, tương đương tỉ lệ tiết kiệm gần 1,1%.
Tài liệu bạn đọc cung cấp cho thấy, Công ty Tuấn Ân Hà Nội đã tham gia 35 gói thầu, trong đó trúng 32 gói, trượt 1 gói, 1 gói chưa có kết quả, hủy thầu 1 gói. Tổng giá trị trúng thầu khoảng 120 tỉ đồng.