| Hotline: 0983.970.780

Cù lao Bạch Đằng - Vùng đất của tiền nhân

Thứ Tư 06/12/2023 , 16:13 (GMT+7)

Có lẽ, từ mấy trăm năm trước, các bậc tiền nhân đã nhận ra vùng đất 'thiên thời, địa lợi' này, nên ưu ái chọn làm nơi định cư lâu dài. Quả là tài tình.

Còn tôi, sau 2 ngày rong ruổi, cảm nhận mảnh đất nhỏ này “hiền hòa, xinh đẹp và bình yên”. Đó là cù lao Bạch Đằng, xã Bạch Đằng, TP. Tân Uyên, Bình Dương - vùng đất rộng hơn 10km2 nằm giữa 2 dòng chảy của lưu vực con sông Đồng Nai. Vì thế, trước khi nhà nước xây cây cầu Bạch Đằng nối với đất liền vào năm 2010, muốn qua lại cù lao, phải đi bằng ghe, xuồng.

Ở đây, không chỉ lưu giữ những dấu ấn hàng trăm năm của người xưa, mà còn là một vùng quê đáng sống với không khí trong lành, dòng sông Đồng Nai bao đời bồi đắp phù sa cho đất đai màu mỡ, sản sinh trái bưởi đặc sản ngon nức tiếng. Từ hơn 10 năm trước, Bạch Đằng đã là xã nông thôn mới, và nay là xã đầu tiên trong cả nước được chọn thí điểm xây dựng “làng thông minh”.

Một góc cù lao Bạch Đằng. Ảnh: Phúc Lập.

Một góc cù lao Bạch Đằng. Ảnh: Phúc Lập.

Chuyện về một dòng họ

Từ TP. Tân Uyên tấp nập xe cộ, ồn ào, đầy khói bụi, băng qua cây cầu Bạch Đằng bắc qua sông Đồng Nai, sang bên kia là đến cù lao Bạch Đằng. Dù chỉ cách 1 cây cầu vài trăm mét, nhưng giữa đôi bờ sông Đồng Nai là 2 thế giới hoàn toàn trái ngược. Tôi dừng xe trước cánh cổng chào “Xã nông thôn mới Bạch Đằng…” để hít một hơi thật sâu, cảm giác khoan khoái bởi sự yên bình, và có lẽ không khí cũng trong lành? Bởi nơi đây không có nhà máy, công xưởng, lác đác vài chiếc xe gắn máy đang chạy.

Còn nhớ, những năm 2008 - 2009, tôi đã vài lần đến cù lao Bạch Đằng. Khi đó, chưa có cầu Bạch Đằng, con đường chính của cù lao còn là đường bê tông nhỏ. Nay đường được mở rộng có khi gấp 3 lần đường cũ, và sạch bong. Hai bên đường, những vườn trái cây sum xuê, rợp mát, thấp thoáng dưới tán những cây cổ thụ là những ngôi chùa, đình, miếu cổ kính.

Đường nông thôn mới ở cù lao Bạch Đằng. Ảnh: Phúc Lập.

Đường nông thôn mới ở cù lao Bạch Đằng. Ảnh: Phúc Lập.

Chợt nhớ, tôi từng vài lần đến nhà ông Dương Văn Minh, một lão nông ở ấp Điều Hòa, người khi đó gây ấn tượng bằng những kiến thức nông nghiệp, và những câu chuyện về vùng đất cù lao. Lần theo trí nhớ, tôi tìm đến nhà ông Minh.

Dù đã nhiều năm không quay lại đây, nhưng vừa đi vừa ngó nghiêng, tìm cảm giác “quen” trên con đường, cuối cùng, tôi cũng dừng lại trước một cánh cổng. Bên trong là một vườn bưởi có thể được coi là “cổ thụ” bởi cành tán mỗi cây vươn rộng, che cả một khoảnh đất. Những cây bưởi này khiến tôi chắc mình đã tìm đúng chỗ, bởi ông Minh là người có kiểu trồng và chăm cây bưởi “không giống ai”, nên vườn bưởi của ông cũng khá đặc biệt: mật độ trồng thưa, nhưng cây nào cũng to, đặc biệt là ông biết cách cho bưởi ra trái quanh năm, nhưng cây vẫn khoẻ.

Ông Dương Văn Minh đang kể cho tôi nghe về vùng đất cù lao Bạch Đằng. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Dương Văn Minh đang kể cho tôi nghe về vùng đất cù lao Bạch Đằng. Ảnh: Phúc Lập.

“Chú Minh ơi?”, tôi đứng ngoài cổng, gọi với vào bên trong đến lần thứ 3 mới thấy một người đàn ông mặc quần short, cởi trần, mái tóc bạc gần hết, bước ra. Đứng bên trong cánh cổng nhìn tôi khá lâu, ông cất tiếng hỏi: “Chú tìm ai?”. Tôi cũng mất vài chục giây nhìn ông, bởi thời gian 14 năm có lẽ đã làm cả ông Minh và tôi đều trở nên xa lạ. “Có phải đây là nhà chú Dương Văn Minh không ạ?”, tôi hỏi. “Đúng rồi, tôi là Minh đây”, ông đáp và tiếp tục nhìn tôi bằng ánh mắt ngạc nhiên. Biết đã tìm đúng địa chỉ, và biết ông Minh rất dễ gần, hay tếu táo, nên tôi cười, nói tiếp: “Chú mở cổng cho cháu vào thăm lại vườn bưởi trước rồi giới thiệu lại sau”.

Sau khi yên vị, nghe tôi giới thiệu và kể lại từng gặp ông lúc nào, mất 1 lúc lâu ông Minh mới gật gù “à, tôi nhớ rồi”. Mặc dù vậy, nhìn nét mặt ông, tôi không chắc ông có nhớ thật không, hay chỉ không muốn làm khách thất vọng.

Ông Minh tại khu nhà thờ 'Cửu huyền thất tổ' của dòng họ Dương Văn ở cù lao Bạch Đằng. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Minh tại khu nhà thờ "Cửu huyền thất tổ" của dòng họ Dương Văn ở cù lao Bạch Đằng. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Minh họ Dương, một dòng tộc có thể coi là lớn nhất, gia thế bậc nhất ở cù lao này. Bởi toàn xã Bạch Đằng hiện có hơn 7.000 nhân khẩu, 1.526 hộ, với hàng chục họ khác nhau, thì họ Dương chiếm khoảng ¼ số hộ.

“Ở cù lao, có 2 dòng họ lớn là Đỗ và Dương, họ Dương từ miền Tây lên, còn họ Đỗ từ ngoài Bắc vào. Nghe các cụ kể lại thì họ Dương có mặt ở đây trước cả họ Đỗ, nhưng họ Dương đa số là thương hồ, buôn bán, nên họ chỉ lưu lại một thời gian chứ không ở luôn. Còn họ Đỗ từ ngoài Bắc di cư vào đây, bắt buộc phải ổn định nơi ăn chốn ở. Vì thế, họ định cư ở đây trước. Riêng dòng tộc họ Dương của chú, theo gia phả thì đã có mặt ở đây 7 đời rồi”, ông Minh nói rồi dẫn tôi ra sau vườn, nơi đặt khu “Cửu huyền thất tổ” dòng họ Dương ở cù lao Bạch Đằng. Trong đó, cụ tổ của ông Minh là Dương Văn Nhàn, có mặt ở đây từ những năm giữa thế kỷ 19.

“Vậy ngôi nhà cổ Dương Văn Hổ có nguồn gốc thế nào, có bà con với gia đình chú không?”, tôi hỏi. “Ngôi nhà đó không phải người dòng họ Dương Văn xây dựng đâu. Chủ nhân ban đầu là ông Trần Hữu Nhâm, cha vợ ông Dương Văn Hổ. Nhưng ngôi nhà đó là một minh chứng về việc dòng họ Dương Văn ở cù lao này thời xưa phát triển rất mạnh. Bởi vì ngày xưa, chuyện dựng vợ gả chồng thường là “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, và điều kiện đầu tiên là phải “môn đăng hộ đối”, nhất là với những gia đình gia thế, giàu có hay quan lại triều đình. Quay lại chuyện ngôi nhà cổ, ông Trần Hữu Nhâm là một thương hồ nổi tiếng, giàu có bậc nhất, và cũng hết mực thương con nên mới dựng căn nhà to như thế với mục đích tặng con gái làm của hồi môn. Đương nhiên, người đàn ông “xứng đôi vừa lứa” với con gái rượu của ông cũng phải có gia thế tương đương chứ”.

Đình thần Bình Hưng, ở ấp Bình Hưng, một trong 6 ngôi đình có tuổi đời trên dưới 200 năm ở Bạch Đằng. Ảnh: Phúc Lập.

Đình thần Bình Hưng, ở ấp Bình Hưng, một trong 6 ngôi đình có tuổi đời trên dưới 200 năm ở Bạch Đằng. Ảnh: Phúc Lập.

Còn đó dấu tích người xưa

Rời nhà ông Minh, tôi tìm đến ngôi nhà cổ Đỗ Cao Thứa, nằm sâu trong một con ngõ nhỏ, trải bê tông sạch sẽ và yên tĩnh. Tiếp tôi trong ngôi nhà cổ là một chàng trai trẻ. Anh giới thiệu tên Đặng Văn Trị, 30 tuổi, là cháu ngoại đời thứ 7 của ông Đỗ Cao Thứa, hiện là bác sĩ ở TP. HCM.

Căn nhà cổ không khắc ngày cất nóc trên kèo mái, nhưng theo lời anh Trị, tính đến nay, ngôi nhà cũng 200 năm tuổi. Người xây dựng ngôi nhà là ông nội của ông Đỗ Cao Thứa.

“Theo cha mẹ tính toán thì em là đời thứ 7 hay 8 gì rồi. Hồi xưa em đã nghe ông bà kể, quá trình xây dựng căn nhà này không chỉ tốn kém mà còn rất vất vả. Trong đó, chỉ riêng công đoạn làm nền móng đã mất nhiều tháng trời cùng hàng trăm nhân công. Vì chỗ làm nhà thấp, trũng, đất lại mềm, nên phải vào trong bờ dùng xe bò đi lấy đất, chở  từng xe đến bến, chuyển lên ghe qua sông, từ bến ghe cù lao lại xúc đất lên từng xe bò chở về. Nhưng xe bò cũng không vào tận nơi được nên phải chuyển tiếp 1 lần nữa bằng cách dùng sức người gánh từng gánh đất vào đổ nền. Tất cả mọi thứ vật liệu, từ đất đổ nền, ngói lợp, gạch lát đến đá ong làm tường bao sân, gỗ… đều phải vận chuyển thủ công như thế”, anh Trị nói.

Nhà cổ Đỗ Cao Thứa ở cù lao Bạch Đằng có tuổi đời gần 200 năm. Ảnh: Phúc Lập.

Nhà cổ Đỗ Cao Thứa ở cù lao Bạch Đằng có tuổi đời gần 200 năm. Ảnh: Phúc Lập.

Ngôi nhà cổ Đỗ Cao Thứa có tổng diện tích 500m2, kiến trúc chữ Đinh. Nền nhà cao hơn mặt đất 0,8m lót gạch tàu, mái lợp ngói âm dương 3 lớp. Bên trong ngôi nhà, về kết cấu chịu lực là hệ thống tổng cộng có 36 cây cột lớn được làm bằng gỗ quý, thuộc hàng “đệ nhất danh mộc” như lim, sến, gụ. Các thân cột đều có chung đặc điểm kiến trúc là ở hai đầu cột thu nhỏ, bụng phình to ra tạo dáng bề thế và vững chắc. Trên các đầu kèo đều có trang trí hoa văn với những đường nét được chạm trổ công phu và tinh xảo.

Ngoài ra còn có những bao lơn, hoành phi, liễn, đại tự, khánh thờ, được trang trí hoa văn cách điệu long, lân, quy, phụng, cùng nhiều loại hoa, lá, chim thú. Tất cả toát nên một lối kiến trúc văn hóa nghệ thuật độc đáo qua đôi bàn tay nghệ nhân thủ công chạm khắc tài hoa của người xưa, mang đậm phong cách Nam bộ.

Ngôi nhà còn 'nguyên bản' từ gần 200 năm đến nay. Ảnh: Văn Trị.

Ngôi nhà còn "nguyên bản" từ gần 200 năm đến nay. Ảnh: Văn Trị.

Ngôi nhà cổ thứ 2 ở cù lao Bạch Đằng tôi tìm đến là nhà cổ Dương Văn Hổ, cách đó chừng 3 cây số, nằm bên bờ sông Đồng Nai, giữa khu vườn đầy cây trái. Ngôi nhà hiện do 2 anh em ruột và là cháu nội ông Dương Văn Hổ là Dương Hồng Điệp, 57 tuổi, và Dương Tấn Hòa, 55 tuổi, cùng sinh sống, trông coi.

Theo lời kể của ông Điệp, ngôi nhà khởi công năm 1911 và hoàn thành năm 1914, người dựng nhà là ông Trần Hữu Nhâm, cha vợ ông Dương Văn Hổ. Ngôi nhà làm hoàn toàn bằng các loại gỗ quý như gõ đỏ, lim, gụ, căm xe… và gạch, ngói, không có sắt thép. “Để thực hiện ngôi nhà, ông cố ngoại phải ra tận các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên - Huế, lựa chọn những người thợ giỏi về làm. Nhóm thợ này được nuôi ăn ở tại đây suốt 4 năm làm nhà, nhiều người mang cả vợ con theo cũng được nuôi ăn ở như thợ”, ông Điệp nói.

Còn đây là ngôi nhà cổ Dương Văn Hổ. Ảnh: Phúc Lập.

Còn đây là ngôi nhà cổ Dương Văn Hổ. Ảnh: Phúc Lập.

Ngôi nhà có 50 cây cột gỗ, chia làm 5 hàng, sắp xếp theo lối xuyên tâm các cặp vì kèo, đòn tay... Phía trên mái, các đoạn kèo, xà được đấu nối với cột bằng lối ghép mộng, không dùng đinh. Theo ông Điệp, quy trình làm nhà là toàn bộ khung gỗ được lắp ghép 2 lần, lần đầu ghép thô, sau khi các mối ghép đã khớp đến mức một sợi tóc không lọt, lại được tháo ra để chạm trổ phía ngoài, xong ghép lại lần thứ 2, lúc này mới hoàn tất.

Và độc đáo nhất trong ngôi nhà cổ này chính là hàng trăm bức chạm khắc trên gỗ. Trong đó, trên thân 4 thanh vì kèo của ngôi nhà chính chạm khắc 4 loại cây, hoa, tượng trưng cho 4 mùa là tùng, cúc, trúc, mai. Ngoài ra, các bộ phận gỗ, từ vách nhà cho đến bao lơn, bậu cửa, đều được chạm khắc tinh xảo hình các loại hoa, lá, cỏ cây và hàng chục loại côn trùng, từ châu chấu, chuồn chuồn, bướm đến các loại chim muông.

Ông Điệp cho biết, những hình chạm khắc này chính là đời sống hằng ngày của người nông dân. “Gần như con gì cũng có. Chỉ duy nhất rồng, phượng là không. Theo tôi biết thì chỉ quan lại triều đình mới được dùng màu vàng, nhà chạm trổ hay đúc tượng rồng, phượng. Còn người dân thường không được phép”, ông Điệp nói.

Điểm độc đáo của ngôi nhà này là toàn bộ các chi tiết gỗ đều được chạm khắc hình hoa, cỏ, chim muông, thú. Ảnh: Phúc Lập.

Điểm độc đáo của ngôi nhà này là toàn bộ các chi tiết gỗ đều được chạm khắc hình hoa, cỏ, chim muông, thú. Ảnh: Phúc Lập.

Nông dân “cổ cồn trắng, cổ cồn nâu”

Cù lao Bạch Đằng nay đã được đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, tất cả các tuyến đường đều đã trải nhựa sạch bong, hai bên đường là những vườn cây trái xanh tươi. Đây là vùng đất hiếm hoi của tỉnh Bình Dương không phát triển công nghiệp, không nhà máy, không có nước thải công nghiệp, và không bị ô nhiễm môi trường.

Nhờ có dòng sông Đồng Nai bao quanh mà cù lao nhỏ này có khí hậu mát mẻ, ôn hòa, đất đai màu mỡ nhờ được bồi đắp phù sa hàng năm, tạo thành một bức tranh tổng thể xanh mướt mắt, những vườn cây trái nổi tiếng thơm ngon, trong đó có trái bưởi nức tiếng bao đời.

Lão nông dân 'cổ cồn trắng' Dương Văn Minh nói về vườn bưởi canh tác khác người của mình từ hơn 20 năm trước. Ảnh: Phúc Lập.

Lão nông dân "cổ cồn trắng" Dương Văn Minh nói về vườn bưởi canh tác khác người của mình từ hơn 20 năm trước. Ảnh: Phúc Lập.

“Theo lời các cụ kể thì ngày xưa, hầu hết các phú hộ ở vùng đất này đều giàu nhờ buôn bán 2 chiều, họ mang những sản vật từ miền Tây lên, bán hết lại mua những hàng hóa mà miền Tây ít hoặc hiếm về bán lại. Chứ chỉ làm thuần nông thì không giàu, “phi thương bất phú” mà. Nhưng bây giờ, người nông dân có thể làm giàu ngay tại chỗ mà không cần phải ngược xuôi thương hồ. Ví dụ như giữ môi trường thật sạch, biến vùng quê này thành nơi không có ô nhiễm, trong lành nhất Việt Nam chẳng hạn, xem người ta có ùn ùn kéo đến không. Rồi mình bán bưởi, bán các loại trái cây có sẵn trong vườn, bán các sản phẩm chế biến từ bưởi. Như ở đây, tôi bán tinh dầu bưởi thôi đã dư sống rồi”, ông Minh lập luận.

Từng gặp ông Minh cách đây 14 năm, lúc đó, vườn bưởi của ông đã 8-9 tuổi. Khi đó, điều khiến tôi nể phục là cái cách ông chăm sóc bưởi, không giống ai. Thời đó, ít ai trồng bưởi mà biết cách bón phân gì, trừ sâu bệnh thế nào để không hại cây, ảnh hưởng sức khoẻ người trồng và chất lượng trái. Đó chính là canh tác sạch. Đến nay, ông vẫn duy trì cách canh tác đó, dù không làm hồ sơ công nhận hữu cơ. “Chú làm vậy là vì trách nhiệm chứ không phải vì tiền, chú không thiếu thốn. Chú muốn mọi người cùng làm theo nên bất cứ ai cần tư vấn, chú sẵn lòng đến tận nơi, làm miễn phí”, ông Minh cười.

Và sản phẩm tinh dầu chiết xuất từ vỏ bưởi do chính tay ông Minh làm, chai nhỏ xíu trên tay ông có giá 300 ngàn đồng. Ảnh: Phúc Lập.

Và sản phẩm tinh dầu chiết xuất từ vỏ bưởi do chính tay ông Minh làm, chai nhỏ xíu trên tay ông có giá 300 ngàn đồng. Ảnh: Phúc Lập.

Ông vốn là một cử nhân chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp, có kiến thức về kỹ thuật trồng, chăm sóc, hiểu biết về thổ nhưỡng, thời tiết, giống cây trồng… từng nhiều năm đi khảo sát, lập đề án cho những dự án nông nghiệp cấp tỉnh thời còn làm chuyên viên kinh tế ở Đồng Nai. Đó là lý do vườn bưởi của ông đẹp nhất cù lao Bạch Đằng.

“Chú tự nhận mình là nông dân "cổ cồn trắng", tức người nắm kỹ lý thuyết, nói hay, nói nhiều, còn làm thì không bằng nói nhưng cũng tạm được. Còn nông dân "cổ cồn nâu" là những người chú tư vấn cho họ về kỹ thuật canh tác, quy trình cho cây ra trái trái vụ quanh năm chẳng hạn”, ông Minh cười.

Không chỉ giỏi chăm cây bưởi, ông Minh còn làm nhiều sản phẩm từ trái bưởi như rượu, mứt, sinh tố bưởi. Ông cũng là người duy nhất ở Bạch Đằng có dây chuyền chiết xuất tinh dầu từ vỏ bưởi.

Một nông dân khác, dù không phải “cổ cồn trắng” như ông Minh, nhưng rất tâm đắc với công cuộc bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống và làm kinh tế theo hướng bền vững, đó là ông Dương Văn Hoàng, 66 tuổi, ở ấp Bình Hưng.

Ông Dương Văn Hoàng, một nông dân có những tư tưởng giống ông Minh, mong muốn gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống cha ông để lại, và canh tác sạch, phát triển bền vững. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Dương Văn Hoàng, một nông dân có những tư tưởng giống ông Minh, mong muốn gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống cha ông để lại, và canh tác sạch, phát triển bền vững. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Hoàng tâm sự: “Trước năm 2010, khi chưa có cây cầu Bạch Đằng, ở cù lao cả ngày không nghe tiếng xe máy chạy. Cuộc sống rất bình yên. Đến khi có cầu, kinh tế khá dần lên, người ta bắt đầu thay ghe xuồng bằng xe máy, ô tô. Giờ cuộc sống không khác gì đất liền. Điều chúng tôi mừng nhất là ở đây không có khu công nghiệp, nhà máy, nên không bị cuốn vào vòng ô nhiễm khói bụi, nước thải”.

Vợ chồng ông Hoàng có 5 sào bưởi đường lá cam hơn 20 năm tuổi vẫn đang cho trái. “Trước tôi có 4 mẫu, mà chia cho các con hết rồi, giờ còn 5 sào để vợ chồng dưỡng già. Vườn bưởi tôi chăm cho lên tự nhiên chứ không dùng phân bón, thuốc hoá học, nên ít trái. Đặc điểm của bưởi canh tác tự nhiên trong vườn nhà tôi là khi lột vỏ, cảm giác không nhiều nước, nếu lột khéo sẽ không ướt tay, nhưng khi ăn sẽ thấy múi bưởi rất mềm, thơm, ngọt thanh và có chút the giống như dính chất dầu của vỏ. Sống ở đây hơn nửa đời người, tôi thấy bưởi chất lượng như vầy không nhiều. Cũng vì thế mà tôi không tác động tăng trái bằng cách tăng dinh dưỡng cho cây, hay cải tạo đất, vì sợ bưởi hết ngon”, ông Hoàng nói.

Cù lao Bạch Đằng là xã đầu tiên trong cả nước được chọn thí điểm xây dựng làng thông minh'. Trong ảnh là đường giao thông ban đêm ở Bạch Đằng. Ảnh: Phúc Lập.

Cù lao Bạch Đằng là xã đầu tiên trong cả nước được chọn thí điểm xây dựng làng thông minh". Trong ảnh là đường giao thông ban đêm ở Bạch Đằng. Ảnh: Phúc Lập.

Ngoài vườn bưởi cho trái chất lượng cao, vợ ông Hoàng là bà Phan Kim Vàng còn là người đầu tiên ở cù lao Bạch Đằng ủ rượu từ bưởi. “Làm rượu bưởi không có lời mà vất vả lắm, công đoạn gọt vỏ, tách múi đã mất bao nhiêu thời gian. Chưa kể lúc trộn, ướp tỷ lệ đường, rượu, men phải chuẩn, nếu không là hư ngay. Hồi xưa lúc tôi mới bắt đầu làm, cũng hư hoài chứ đâu phải thành công ngay. Cũng có khi không hư nhưng rượu không ngon. Sau nhiều lần rút kinh nghiệm mới được như vầy. Đến khi làm vất quá, định không làm nữa thì người ta lại hỏi mua hoài, thế là lại lọ mọ làm”, bà Vàng cười.

“Chúng tôi luôn nỗ lực gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của cù lao, như những di tích đình chùa, nhà cổ. Toàn xã có 6 ấp thì có đến 6 ngôi đình, 5 ngôi chùa, một tịnh xá và 2 nhà cổ có tuổi đời trên dưới 200 năm. Đồng thời, phấn đấu xây dựng một nền kinh tế sạch, bền vững. Ví dụ ở đây có trái bưởi đặc sản, bao đời nay là niềm tự hào của người dân cù lao, phải nâng giá trị lên nhiều lần bằng cách nhân rộng mô hình canh tác sạch, tiến tới đạt chuẩn hữu cơ, đồng thời, chế biến sâu các sản phẩm từ bưởi như tinh dầu, mứt, rượu...”, bà Võ Thị Bảo Xuyên, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, cho biết.

Xem thêm
Việt - Pháp cùng nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu trong nông nghiệp

Đại sứ Pháp tại Việt Nam chia sẻ về việc tăng cường hợp tác song phương và đa phương nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Kế hoạch hành động Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp

Bộ trưởng Bộ NN-PTNN vừa ban hành quyết định về việc ban hành kế hoạch hành động thực hiện Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030.

Kon Tum điều tra vụ tai nạn lao động khiến 5 người tử vong

Ngày 31/12, UBND tỉnh Kon Tum đã có chỉ đạo điều tra, xử lý vụ tai nạn lao động tại dự án Thủy điện Đăk Mi 1 (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum).