| Hotline: 0983.970.780

Phóng sự

Chàng trai 9x làm bừng sáng bản Mông Suối Giàng

Chàng trai 9x làm bừng sáng bản Mông Suối Giàng

Chàng trai 9x giúp người Mông ở Suối Giàng biết làm du lịch, biết rằng chỉ cần chiến thắng vài tật xấu, cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn rất nhiều.

 
Bài liên quan

“Tên là Sơn nên phải gắn với núi, không ở đồng bằng được. Đến Suối Giàng rồi thì thực sự mê mẩn, càng ở đây mới càng thấy cái giá trị của thời tiết ưu ái, của vô số tác dụng mà trà Suối Giàng mang lại”, Đặng Thái Sơn, chủ mô hình kinh doanh du lịch Không gian Văn hóa trà Suối Giàng, nói.

Chàng trai 9x nói quyết định lên Suối Giàng năm 2019 là định mệnh. Sinh ra và lớn lên ở Nghĩa Lộ, cách Suối Giàng chỉ chừng 15km, nhưng Sơn chưa từng biết nơi này đẹp đến vậy.

Một ngày bình thường ở Suối Giàng, người ta sẽ luôn có cảm giác trải qua 4 mùa: Cái se lạnh, đôi khi hơi rét buốt vào đêm; sáng sớm mây mù bao bọc, lên cao nhìn xuống thấy bản làng ẩn hiện; trưa đến lại là cái nắng không quá gắt, trời trong xanh; trước hoàng hôn, nắng vàng trải khắp.

“Bây giờ có du lịch, mọi thứ đẹp lên nhiều. Từ đường sá trở đi, nhưng ngày bọn em mới lên đây, chẳng có gì. Bảo sao khách du lịch đến đây chỉ tầm 15 phút là về, đủ chụp mấy cái ảnh. Có gì níu chân họ đâu”, Sơn nói.

Chuyến đi định mệnh giúp Sơn biết thêm một điều, ngoài cánh đồng Mường Lò, Nghĩa Lộ nổi tiếng tứ phương, Yên Bái còn có không gian văn hóa Mông đậm chất ở Suối Giàng, và cả những cây chè cổ thụ tuổi đời xấp xỉ 5 thế kỷ.

Trà trước, du lịch sau, là quyết định của Sơn sau vài ngày vừa vui vừa sợ với “cái lý người Mông” nơi này. “Ban đầu bọn em chỉ nghĩ sẽ mở một không gian bán trà, sau đó kết hợp làm du lịch. Mình vốn ít, nên phải dần từng bước. Bây giờ khách đến đông hơn, ở lâu hơn, nhìn thích lắm. Đôi khi ngồi một mình nhìn ra ngoài, nhớ về những ngày đầu tới đây, cảm xúc rất khó tả”.

Bài liên quan

Sự dè chừng của đa phần người Mông ở Suối Giàng với khách lạ, là khó khăn đầu tiên Sơn trải nghiệm. Hỏi gì nói nấy, cụt lủn. Mà lắm khi, hỏi 10 câu mới được một câu “Ừ”, điều đó khiến Sơn cùng cộng sự vừa nản vừa cáu.

Sau này, Sơn phát hiện ra là phải uống rượu. Không có chén rượu, người Mông không nói chuyện. Họ ngại ngần, e sợ. Thế là những bữa cơm với Sơn cùng cộng sự, trở thành bữa rượu nhiều hơn, có lúc chảy máu dạ dày. Cùng ăn, cùng uống, cùng ngủ trong một nhà sàn. “Ba cùng” khiến dân bản mở lòng hơn. Những người ngày nào chỉ “ừ”, giờ đây nhiệt tình dẫn Sơn đi khắp dãy núi. Nơi nào có thú, nơi nào có suối, và quan trọng nhất – kho báu của người Mông: Những cây chè cổ.

 
Bài liên quan

Ban đầu, dân bản nói có những cây hơn 400 năm tuổi. Sơn không tin. Chỉ sau này, khi được cùng các nhà khoa học nông nghiệp đi khảo sát, Sơn mới biết, kiến thức của mình là quá ít ỏi so với những người Mông đã gắn với nơi này từ thuở xa xưa.

Không chỉ giới khoa học Việt Nam, cây chè ở Suối Giàng còn khiến Viện sĩ Liên Xô ngỡ ngàng. Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái, viện sĩ K. M. Djemmukhatze thuộc Viện sinh hóa, Viện hàn lâm khoa học Liên Xô, khi đến Suối Giàng nghiên cứu vào những năm 60 của thế kỷ trước phải thốt lên: “Tôi đã đi qua 120 nước có chè trên thế giới, nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm như ở Suối Giàng, phải chăng đây là cội nguồn của cây chè? Chè ở đây độc đáo, trong bát nước chè xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của chè trên thế giới”.

Thừa hưởng khí hậu núi cao quanh năm mát mẻ, nhiều ngày có mây mù nên chè ở đây búp to, phủ một lớp lông tơ mịn như nhung, trắng như tuyết. Chè Shan Tuyết là loại cây mọc tự nhiên trên vùng núi cao, được nuôi dưỡng bằng sinh khí của đất, trời nên búp và lá chè rất to, có màu xanh đậm, trên mặt lá phủ một lớp lông tơ mỏng trắng như tuyết. Vì vậy mà chè có tên Shan Tuyết (chè được ngậm tuyết trên núi cao).

Một năm chè Shan Tuyết được thu hoạch thành 3 vụ, trong đó vụ cuối thường vào khoảng tháng 8 đến tháng 9 âm lịch. Khi đến mùa thu hoạch, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh cô gái Mông trong chiếc váy xòe bắt mắt trèo lên những cây chè cổ thụ hái búp xanh non. Chè Shan Tuyết càng già càng quý, càng nhiều tuyết trắng thì tính dược liệu càng mạnh. Bởi vậy những đôi bàn tay thoăn thoắt ngắt từng búp nõn nhưng vẫn nhẹ nhàng để không làm mất lớp tuyết trắng phủ bên trên.

 

Xã Suối Giàng bây giờ rất khác thời trước Covid-19. Đường trải nhựa rộng rãi, đủ chỗ cho xe du lịch cỡ trung. Xe cá nhân thoải mái tránh nhau. Qua nhiều con dốc quanh co, các homestay ở Suối Giàng dần hiện lên, đó là các bản Giàng A, Giàng B, Pang Cán và Bản Mới. Hàng trăm hộ dân đang quản lý nhiều homestay. Suối Giàng là xã vùng cao của huyện Văn Chấn với 98% là dân tộc Mông, có truyền thống lâu đời về tình đoàn kết, gắn bó, mến khách.

Họ là những người đang giữ cả phần hồn và thân của quần thể 400 gốc chè cổ thụ trên 100 năm tuổi. Quần thể 400 cây chè cổ thụ này được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam vào năm 2016.

Xưa, cây chè mang lại cho họ thức uống. Nay, nó mang lại giá trị kinh tế nhiều hơn thế. Trà Shan Tuyết bây giờ được chế biến nhiều loại: hồng trà, lục trà, matcha trà, bạch trà... Thậm chí kem đánh răng từ trà, xà bông chiết xuất từ tinh chất trà.

Sự tinh tế, khéo léo của người Mông ở Suối Giàng thể hiện trên những rặng hoa ven đường. Không quá nhiều, đủ điểm xuyết, tạo điểm nhấn cho cả một vùng du lịch. “Em chỉ nói về ý tưởng, tự dân bản làm được hết. Họ khéo tay vô cùng. Em vẫn nghĩ, sau này các bạn nhỏ ở đây sẽ thành kiến trúc sư, nhà thiết kế tên tuổi. Người ta chỉ biết khèn Mông là nhiều, chứ mấy ai biết sự tinh tế của đồng bào Mông. Chỉ là họ ít thể hiện ra thôi”, Sơn nói.

Chàng trai Nghĩa Lộ bây giờ hay được dân các bản gọi đùa là Giàng A Sơn, theo họ phổ biến của người Mông. Cùng với các homestay, điểm nhấn ở Suối Giàng còn có Ngôi làng hạnh phúc, Lớp học sẻ chia. Sơn kỳ vọng những mô hình này sẽ mang văn hóa Mông, mang trà Shan Tuyết vươn tầm châu lục, không chỉ dừng trong lãnh thổ Việt Nam. Đó là tương lai, có lẽ chẳng xa. Hiện tại, “chỉ số hạnh phúc” mà tỉnh Yên Bái đang thực hiện từ năm 2022, có thể thấy rõ tại Suối Giàng.

Từ khi biết làm du lịch, người Mông nơi này chăm chút nhà cửa sạch bong. Không chỉ homestay, các nhà riêng của đồng bào cũng được đầu tư xây WC riêng, ốp đá. Không phải thứ gạch men hay đá cầu kỳ, mà từ những viên đá trên núi, trong suối. Nghệ thuật đến từ cuộc sống, đến từ óc quan sát và đôi tay tinh tế của những thanh niên Mông năm nào còn chỉ mải mê ăn nhậu. Có thể nói không ngoa rằng, chính Sơn cùng một số người khác, đã góp phần thắp sáng bản Mông ở Suối Giàng.

Khi trước, có một vòng luẩn quẩn cứ mãi khiến bản làng tăm tối. Tảo hôn, đông con. Chồng thì rượu nhiều, mình vợ làm không xuể nuôi con. Con cái bỏ học, đi làm sớm. Ở quê thì tảo hôn, xa nhà đi làm thì lương thấp do không trình độ. Cái bi kịch ấy cứ lặp đi lặp lại, vùi lấp hiện tại lẫn tương lai.

Nói về rượu chè quá độ, nhiều cộng sự của Sơn từng thốt lên: “Tình cảm anh em dăm ba năm, không bằng một lần say rượu”. Vốn dĩ, người Mông hiếu khách, nhưng sự biến tướng từ chén rượu lại làm xấu hình ảnh của họ đi nhiều. Rượu nhiều, không còn ai sửa sang nhà cửa. Bọ chét bám đầy chăn, chiếu. Sơn bảo điều ám ảnh nhất là hồi 2019, đến gặp dân bản, bước vào nhà đã nghe tiếng bọ chét nhảy lách tách bám đầy chân.

Sau trận rượu “nhấc người”, suốt cả tối Sơn không ngủ được. Bọ chét đốt khắp người. Sơn và bạn bè bây giờ vẫn đùa nhau rằng đám bọ ấy hút cả máu lẫn cồn, nên đêm mấy anh em tỉnh sớm. Đi WC cũng là nỗi ám ảnh, khi chủ nhà đưa cho mỗi người một cái cuốc. “Ra xa ngoài kia, lấy cuốc đào hố rồi tự làm thế nào cho sạch”, chủ nhà nói.

Mãi sau này, khi thuyết phục được vài hộ dân làm mẫu, với nhà cửa sạch sẽ, chăn gối sáng màu, WC riêng biệt, thì mọi thứ mới dần thay đổi. Người Mông nhận thấy họ có thể làm du lịch từ chính mảnh vườn, ngôi nhà và những cây chè của mình. Nhà nào sạch, đông khách. Nhà bẩn, không ai tới.

Dần dà, Suối Giàng giờ đây đẹp không kém nhiều khu du lịch đẳng cấp. Nét đáng yêu cũng hiển hiện ở Suối Giàng với nhiều trẻ em từ Lớp học sẻ chia, giờ đây có thể nói vanh vách bằng tiếng Anh với du khách về lược sử bản làng, lược sử những cây chè cổ thụ. Nếu khó hơn nữa, đã có các anh, chị trong bản. Tất cả, đều ý thức về quê hương, về kho báu trà Shan Tuyết.

 

Nếu chỉ dừng ở ẩm thực, nghỉ dưỡng, Suối Giàng có lẽ đã không thu hút khách quốc tế nhiều như bây giờ. Câu lạc bộ Du lịch Suối Giàng, do Sơn làm chủ nhiệm, chủ động nghĩ ra cách làm ấn tượng: Đi tìm mật thư người Mông.

Du khách sẽ được đưa tới nhà dân bản, “ba cùng” như Sơn thời trước. Họ sẽ cùng đi hái trà, chế biến. Rồi từ đó, họ sẽ nhận được một tảng đá - mật thư người Mông. Trên đó có thể là một câu hỏi: Người Mông kiêng điều gì nhất; Tết của người Mông đến sớm hay muộn hơn Tết âm lịch. Trả lời được câu hỏi, du khách sẽ được dân bản địa đưa tới điểm nhận mật thư tiếp theo, có thể là một cây chè cổ, hoặc một nhà khác. Dần dần, khi thu thập đủ 10 bức mật thư, du khách đã có cái nhìn khái quát về văn hóa, cuộc sống các thôn bản Suối Giàng.

Mật thư người Mông cũng có thể đến trong một tối cùng nhau thưởng thức ẩm thực. Hoặc có thể, nó sẽ ẩn ngay trong một buổi uống trà tại Không gian văn hóa trà Suối Giàng.

Bếp lửa, mái nhà, nông cụ, hay khẩu súng kíp 80 năm, đều nguyên bản Suối Giàng. Vẫn là những viên đá trên suối, vẫn là những cành cây, chiếc lá nơi này, những người Mông bản địa cùng Sơn dựng lên một không gian rất riêng, rất Mông. Không gian ấy dành cho sự tĩnh lặng, dành cho những sự tâm tình, không xô bồ, không tiếng dô dô từ những cổ họng khản đặc vì rượu chè quá độ. “Đôi lúc em thích ngồi một mình, nhìn về phía nào cũng thấy lịch sử, thấy cái hoang sơ, tráng lệ của núi và người nơi đây”, Sơn tự tổng kết về không gian của mình.

Khung cảnh kỳ vĩ, hoang sơ ở Suối Giàng. Ảnh: Thái Sơn.

Khung cảnh kỳ vĩ, hoang sơ ở Suối Giàng. Ảnh: Thái Sơn.

 

Theo UBND xã Suối Giàng, quần thể cây chè Shan tuyết cổ thụ mọc tự nhiên ở độ cao từ 1.000 -1.400 m so với mặt nước biển, quanh năm được bao bọc bởi mây mù. Những cây chè cổ thụ này được các nhà khoa học xác định đây là thủy tổ của cây chè trên thế giới, cây chè Shan tuyết hợp với khí hậu, đất đai và nguồn nước ở Suối Giàng nên rất xanh tốt, đồng bào Mông không bao giờ phải bón phân hay phun thuốc trừ sâu. Bởi vậy chè cổ thụ rất được thị trường ưa chuộng, vì ngoài chất lượng tuyệt hảo thì chè Shan còn là chè sạch tuyệt đối.

Hiện cả xã Suối Giàng có trên 500 ha chè Shan trong đó có quần thể 400 cây chè Shan trên 100 năm tuổi đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam. Sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt 600 tấn. Sản phẩm chè Suối Giàng đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền, và là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.  

Bên cạnh những giá trị lịch sử, văn hóa, cây chè Suối Giàng còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, người dân Suối Giàng sống với nghề hái chè và sản xuất chè từ đời này qua đời khác. Mỗi nhà đều có từ vài trăm gốc chè, mỗi gia đình đều có người làm nghề chè. Vì vậy, chè không chỉ là niềm tự hào mà còn là nguồn thu nhập chính của người dân Suối Giàng.

Chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng xưa nay được xem là một trong những thức uống thơm ngon bậc nhất so với các sản phẩm chè shan tuyết trên cả nước. Trong những năm qua để cây chè Shan tuyết được giữ vững và trở thành thương hiệu, UBND xã cùng với đồng bào Mông nơi đây đã quảng bá thương hiệu chè bằng cách kết hợp giữa văn hóa chè, văn hóa bản địa và phát triển du lịch. Bởi vậy, thương hiệu chè Suối Giàng ngày càng được vươn xa trong và ngoài nước, giúp đồng bào Mông làm giàu trên vùng tài nguyên vô giá này.

 

Người Mông ở Suối Giàng trân trọng cây chè, coi đó là phần hồn cốt của mảnh đất này. Mỗi năm, họ đều tổ chức lễ cúng long trọng. Chủ lễ cúng là già làng, nghệ nhân Giàng Nhà Lử. Ông là người cao niên, đức độ, có uy tín trong bản, thông hiểu phong tục tập quán của người Mông.

Lời cúng bày tỏ với trời đất, thần linh, thần chè tỏ lòng thành tâm: Cầu thần trời, thần đất, thần chè phù hộ, che chở cho vạn vật, cầu cho mưa thuận gió hoà, cuộc sống của người dân ấm no, hạnh phúc, cầu cho quê hương, đất nước thái bình – thịnh vượng.

Cụ Giàng Nhà Lử bảo khi xưa, mới đến định cư, nơi đây chỉ có vài nóc nhà, cuộc sống đói rét, lầm than, tăm tối, người Mông chỉ biết cặm cụi làm ăn: trồng ngô, trồng lúa và săn bắt. Nhờ trời, nhờ ơn Đảng và Chính phủ, người Mông có cây chè quý, có được nguồn thu đáng kể, có công ăn việc làm, xoá được cái đói, giảm được cái nghèo, đời sống có nhiều tiến bộ.

Hàng trăm năm qua, cây chè của tự nhiên đã đi vào đời sống và trở thành biểu tượng văn hoá của vùng núi tươi đẹp, hùng vĩ này. Chè trên đồi, chè trong vườn, chè mọc thành rừng, cây chè đi vào đời sống tâm hồn con người, gần gũi và thân thuộc, gắn bó như máu thịt với đồng bào. Trồng chè, thưởng thức chè đã trở thành nhu cầu, thành văn hoá.

Thưởng thức chè Suối Giàng, du khách và bạn bè bốn phương sẽ cảm nhận được sự kết tinh của đạo lý làm người: Quý trọng nhau, tin tưởng nhau, yêu thương nhau thì uống cùng nhau, không phân biệt thành phần, lứa tuổi, dân tộc, gặp nhau mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, mùa đông đều cùng nhau thưởng thức, uống chè Suối Giàng là cảm nhận cái cao rộng của đất trời, là sự giao hoà giữa con người với thiên nhiên để xích lại gần nhau hơn. 

Văn Việt - Hoàng Anh - Thanh Tiến
Xem thêm

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm