Ông Phan chia sẻ kỹ thuật nuôi thỏ. |
Ông Phan (73 tuổi, xóm Tiền Phong, xã Thanh Ninh, huyện Phú Bình, Thái Nguyên) tâm sự: Trải qua nhiều lần thay đổi các mô hình kinh tế nông nghiệp, năm 2007 ông xuống thăm một trang trại nuôi thỏ ở Sơn Tây (Hà Nội) và mua về 10 con thỏ cái, 2 con thỏ đực để nuôi. Ông bảo lúc bấy giờ cả huyện chưa có hộ nào nuôi thỏ. Đây là mô hình rất mới nên ông không biết học hỏi từ ai. Do đó ông tự mày mò, tìm tòi kỹ thuật nuôi.
Hai năm đầu, do môi trường và cách chăm sóc phù hợp nên thỏ phát triển tương đối tốt. Đến năm thứ 3 thì thỏ bắt đầu xuất hiện bệnh tiêu chảy, tuy nhiên ông đã tìm cách khắc phục hiệu quả.
Đến nay sau 12 năm, mô hình thỏ của ông đã phát triển tốt và cho thu nhập ổn định. Hiện tại diện tích chuồng trại khoảng 350m2 nuôi khoảng 150 con thỏ mẹ và từ 400 – 500 con thỏ thịt. Ngoài ra, ông đang mở rộng quy mô chuồng trại lên tới 700m2 trong đó sử dụng hệ thống van nước và cho ăn tự động với dự tính nuôi thêm 400 thỏ cái và 300 thỏ thịt.
Ông Phan chia sẻ, nuôi thỏ nhàn hơn nuôi chim bồ câu, thời gian tiếp xúc với thỏ ít hơn nên giảm được đáng kể về nhân công mà sức khỏe lại đảm bảo. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc thỏ phải chú ý đến vấn đề vệ sinh chuồng trại, cung cấp nước thường xuyên và đặc biệt là phòng bệnh, bởi thỏ là loại động vật không thích hợp thuốc kháng sinh.
Do đó, chuồng trại phải cao ráo, sạch sẽ, ấm áp về mùa đông và mát mẻ về mùa hè. Thức ăn là loại cám chuyên biệt có đầy đủ chất dinh dưỡng gồm các thành phần chính là bột đỗ tương, bột ngô, gạo…
Hiện ông Phan vừa nuôi thỏ thương phẩm vừa kết hợp nuôi thỏ giống. Theo ông, hiện tại trên thị trường thỏ thịt có giá bán 85.000 đồng/kg và thỏ giống 120.000 đồng/kg. Chỉ với 2 nhân công là hai vợ chồng ông có thu nhập lên tới 300 triệu đồng/năm. |
Thông thường để nuôi đạt được 1kg thỏ thương phẩm sẽ tiêu tốn khoảng 3,5kg thức ăn. Đặc tính của con thỏ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết nên nếu thời tiết thay đổi đột ngột thỏ rất dễ bị bệnh cầu trùng, tiêu chảy... Nhiệt độ thích hợp để thỏ sinh trưởng và phát triển thông thường từ 30 – 32 độ C.
Để giảm tình trạng nắng nóng cho chuồng trại của thỏ trong mùa hè thay bằng việc sử dụng hệ thống quạt gió gây tốn kém và không ổn định nếu mất điện, ông Phan đã trồng dây leo xung quanh vừa tiết kiệm chi phí vừa giảm nhiệt độ nắng nóng trong mùa hè và tạo sự ấm áp vào mùa đông.
Ông còn nghĩ đến việc làm chuồng trại 2 tầng để tiết kiệm diện tích và tạo sự thoáng mát, đồng thời tiện lợi trong việc xử lý phân thỏ bằng công nghệ biogas.
Để một con thỏ đạt 2,5kg phải nuôi từ 90 - 100 ngày. Thông thường mỗi lứa thỏ mẹ sẽ đẻ từ 7 - 8 con. Trung bình 1 năm 1 con thỏ cái đẻ khoảng 40 con.
Ông Phan cho biết, để gây được 1 con thỏ cái chuẩn rất khó, tiêu chuẩn là phải tốt sữa và nuôi con khéo. Ban đầu khi mới nuôi sẽ tách riêng thỏ cái và thỏ đực, khi thỏ cái đạt khoảng 2,5kg thì bắt đầu lấy giống, khi đó sẽ đưa con cái đến chuồng con đực và thông thường 1 con thỏ đực sẽ được ghép với 5 con thỏ cái.