Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau cho biết, trong số hơn 1.900 ha diện tích cua nuôi của hơn 500 hộ dân trên địa bàn bị thiệu hại, huyện Đầm Dơi là địa phương bị thiệt hại nhiều nhất khi có trên 1.224 ha, thuộc 280 hộ nuôi, mức độ thiệt hại ghi nhận là từ 5 - 30%.
Theo kết quả phân tích mẫu từ Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam sông Hậu cho thấy, tất cả các mẫu cua đều ghi nhận vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus hiện diện trong tất cả các gan tụy cua, có dấu hiệu bệnh lý.
Trong số đó, có 4/10 con xuất hiện ký sinh Zothamium spp, đồng thời cũng có sự hiện diện của giáp xác chân đều, ký sinh trùng bám, trùng loa kèn phát triển.
Còn theo nhận định của Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu, thông qua kết quả nhận diện sơ bộ cho thấy môi trường ao nuôi xấu, ô nhiễm nền đáy ao.
Tại thời điểm khảo sát thời tiết đang trong thời gian nắng nóng 25 - 34 độ C, độ mặn cao 3 5- 40 ‰ làm biến đổi môi trường nước, tạo điều kiện chất hữu cơ nền đáy phát triển, vi khuẩn có hại phát triển, khí độc nền đáy tăng cao làm ảnh hưởng đến sức khoẻ cua nuôi.
Theo dự báo, thời gian tới tình hình thời tiết vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đến môi trường có biến động lớn; trong đó, tình trạng nắng nóng kéo dài làm nhiệt độ và độ mặn tăng cao có những nơi thiếu nước cấp, tạo điều kiện cho mầm bệnh do ký sinh trùng giáp xác chân đều ký sinh trong xoang thân cua và vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus phát triển xâm nhập vào mô cơ, gan, tim của cua và các chủng vi khuẩn gây bệnh làm cua chết.
Trong khi đó, cua được người dân tỉnh Cà Mau thả nuôi quanh năm trong vuông tôm, không ngắt vụ, ít cải tạo nên mầm bệnh tích tụ trong môi trường nuôi, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển nhanh, gây thiệt hại cho tôm cua nuôi.
Đặc biệt, vùng U Minh, Thới Bình, thành phố Cà Mau đang thiếu nguồn nước cấp, độ mặn, nhiệt độ tăng cao ảnh hướng lớn đến môi trường nuôi tôm, cua tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển gây bệnh trên tôm cua.
Vì vậy, Chi cục Chăn nuôi và Thú y lưu ý người dân nuôi tôm, cua theo dõi tình hình diễn biến của thời tiết, dịch bệnh để phối hợp với các cơ quan chuyên môn kịp thời hướng dẫn xử lý, khắc phục giảm thiệt hại thấp nhất. Bởi, hiện nay chưa có biện pháp điều trị hiệu quả với bệnh ký sinh trùng giáp xác chân đều ký sinh trong xoang thân và chủng vi khuẩn gây bệnh trên cua, cũng như chưa có chính sách hỗ trợ đối với bệnh này.