| Hotline: 0983.970.780

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Ưu tiên nuôi tôm theo mô hình tuần hoàn, kinh tế xanh

Thứ Sáu 14/02/2025 , 16:21 (GMT+7)

Bạc Liêu Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh rằng, để ngành tôm nước lợ bứt phá và phát triển bền vững cần phải thay đổi tư duy và cách làm.

Sáng 14/2, tại TP Bạc Liêu, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị "Phát triển ngành tôm nước lợ năm 2025". Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Ngô Vũ Thăng đồng chủ trì hội nghị.

Cần thay đổi tư duy, cách làm trong nuôi tôm nước lợ

Thứ trưởng Bộ NN-PNT Phùng Đức Tiến ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của các địa phương trong việc vượt qua khó khăn để đạt được các mục tiêu sản xuất và xuất khẩu tôm nước lợ trong năm 2024. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên kết trong chuỗi sản xuất, nâng cao chất lượng tôm giống và đầu tư vào hạ tầng để phát triển ngành tôm bền vững.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trọng Linh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trọng Linh.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, năm 2024 là một năm khó khăn đối với ngành tôm trong và ngoài nước. Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản cho các tỉnh phía Bắc, nhất là đối với ngành nuôi trồng thủy sản. Nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, kết quả năm 2024 ngành nông nghiệp đạt thành tích cao. Ngành chăn nuôi tăng trưởng 6%, sản lượng thịt các loại đạt 6,24 triệu tấn, trứng 2,18 tỉ quả, sữa 1,2 triệu tấn. Đặc biệt là xuất khẩu thủy sản 9,6 triệu tấn, đạt 10,7 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Riêng ngành tôm có diện tích sản xuất 740.000ha, sản lượng gần 1,24 triệu tấn.

Tuy nhiên, hiện nay các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của ngành tôm thật sự chưa bứt phá. Chất lượng con giống mặc dù đã được quản lý trên 80% cơ sở những vẫn là bài toán khó, có cơ sở tôm giống bị nhiễm bệnh vẫn được xuất bán.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chỉ ra nhiều hạn chế của ngành nuôi tôm hiện nay.

Thứ nhất, điều kiện sản xuất tôm giống của nước ta hiện nay chưa phải là hiện đại, chưa đạt tiêu chuẩn như các nước trong khu vực và quốc tế. Do vậy tốc độ tăng trưởng còn hạn chế. Thứ hai, tỷ lệ nuôi sống thấp. Thứ ba, là tiêu tốn thức ăn. Chính vì vậy sức cạnh tranh so với các nước như Ấn Độ, Ecuador... của nước ta còn nhiều giới hạn.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT yêu cầu các đơn vị của Bộ cần bàn về cơ chế chính sách, kỹ thuật hiện nay cần gì, giải quyết khâu gì. Đồng thời nhấn mạnh, phương thức nuôi tôm hiện nay chủ yếu là ao đất, ao bạt, nuôi theo mô hình 2, 3 giai đoạn nhưng sắp tới đây phải ưu tiên nuôi theo mô hình tuần hoàn, chuyển đổi số và kinh tế  xanh. Phải truy xuất được nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, công khai minh bạch hết tất cả thông tin.

Cần 140-150 tỷ con tôm giống thả nuôi

Theo ông Ngô Thế Anh, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Cục Thủy sản), năm 2024 mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng với chỉ đạo quyết liệt của Bộ NN-PTNT, sự nỗ lực của các địa phương, hội, hiệp hội, cộng đồng ngư dân, kết quả sản xuất tôm nước lợ vượt kế hoạch đề ra.

Diện tích thả nuôi tôm đạt 749.800ha, trong đó tôm sú là 628.800ha, tôm thẻ chân trắng 121.000ha. Sản lượng tôm nước lợ thu hoạch đạt trên 1,29 triệu tấn, trong đó tôm thẻ chân trắng đóng góp gần 952.000 tấn, còn lại là tôm sú.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tham quan mô hình nuôi tôm tuần hoàn của Công ty Long Mạnh. Ảnh: Trung Chánh. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tham quan mô hình nuôi tôm tuần hoàn của Công ty Long Mạnh. Ảnh: Trung Chánh. 

Năm 2025, phấn đấu duy trì diện tích nuôi tôm nước lợ 750.000ha, gồm tôm sú 630.000ha, tôm thẻ chân trắng 120.000ha. Nhu cầu tôm giống cho thả nuôi khoảng 140-150 tỷ con, riêng tôm thẻ chân trắng 100-110 tỷ con. Sản lượng tôm thu hoạch từ 1,3-1,4 triệu tấn, tôm thẻ chân trắng đóng góp trên 1 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu từ 4-4,3 tỷ USD.

Các chuyên gia dự báo, năm 2025 ngành tôm có thể vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Giá vật tư đầu vào tiếp tăng cao, biến đổi khí hậu gây thời tiết bất lợi cho nuôi tôm, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Cạnh tranh giữa các nước sản xuất tôm vẫn tiếp tục, giảm giá nguyên liệu có thể xảy ra ở một số thời điểm trong năm 2025.

Đại diện Cục Thú y cho biết, năm 2024 diện tích tôm nước lợ bị thiệt hại trên 21.700ha, chiếm khoảng 96% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Trong đó, thiệt hại do dịch bệnh là trên 4.200ha, còn lại là do thời tiết bất lợi. Thiệt hại xảy ra trên tôm chủ yếu ở loại hình nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, tôm - lúa với hơn 16.000ha, còn lại là nuôi thâm canh, bán thâm canh.

Để phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi, Cục Thú y đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh chủ động đối với các bệnh nguy hiểm trên tôm và có giải pháp xử lý triệt để. Tổ chức quan trắc và cảnh báo môi trường, giám sát dịch bệnh tại vùng nguồn nước cấp, trong ao nuôi, tập trung vào các vùng nuôi trọng điểm. Phát triển các vùng nuôi an toàn dịch bệnh. Xây dựng và đưa vào sử dụng App điện thoại di động “Thú y thủy sản” để tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền tới người nuôi về dịch bệnh động vật thủy sản.

Bạc Liêu sản xuất 38 tỷ post tôm sú giống và tôm chân trắng

Ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh Bạc Liêu có 137.000ha nuôi trồng thủy sản và là 1 trong 3 tỉnh thành có diện tích, sản lượng nuôi tôm đứng đầu cả nước. Năm 2024, Bạc Liêu đứng đầu cả nước trong sản xuất tôm giống chất lượng cao, chiếm hơn 50% vùng ĐBSCL và 22% cả nước.

Ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh.

Năm 2024, Bạc Liêu sản xuất được 38 tỷ post tôm sú giống và tôm chân trắng (tôm chân trắng 24 tỷ post, tôm sú 14 tỷ post) và 900 triệu con tôm càng xanh giống. Số lượng giống sản xuất cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu cho người nuôi tôm trong tỉnh và xuất bán ngoài tỉnh.

Trong đó, Tập đoàn Việt Úc được Bộ NN-PTNT cấp phép sản xuất tôm thẻ chân trắng giống bố, mẹ. Công ty Cổ phần Việt Úc Bạc Liêu được Cục Thú y cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất giống an toàn dịch bệnh. Có 20 công ty, cơ sở sản xuất giống được Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất giống an toàn dịch bệnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Ngô Vũ Thăng cũng nêu ra những khó khăn, tồn tại trong nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Cụ thể là kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất ngành tôm còn thiếu và chưa đồng bộ. Hệ thống giao thông các tuyến đường nội ô trên địa bàn tỉnh đều nhỏ, cầu đường chưa đồng bộ, chất lượng mặt đường kém, gây hạn chế trong quá trình lưu thông vận chuyển hàng hóa.

Xem thêm
Kiện toàn nhân sự Chính phủ, Quốc hội

Ngày 18/2/2025, theo chương trình, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và làm việc về công tác nhân sự.

Từ 1/3, ô tô điện không còn được miễn 100% lệ phí trước bạ

Bắt đầu từ ngày 1/3/2025, ô tô điện chạy pin đăng ký lần đầu tại Việt Nam sẽ không còn được hưởng mức lệ phí trước bạ 0% như trước.

Đầu tư gần 40.000 tỷ đồng mở rộng cao tốc TP. HCM - Mỹ Thuận

ĐBSCL Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 39.800 tỷ đồng, với chiều dài hơn 96km. Thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án từ năm 2024-2028.

Trà Sơn, tay em cầm nhật thực

Câu chuyện kinh tế trang trại, làm giàu nhờ trang trại từ vùng Trà Sơn, Can Lộc, minh chứng hùng hồn, không có gì tuyệt vời bằng làm giàu ngay chính trên quê hương mình.

Bình luận mới nhất