Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) lưu ý, ngộ độc rượu xảy ra khi một người uống quá nhiều rượu ethanol trong thời gian ngắn hoặc uống rượu kém chất lượng có chứa độc chất methanol (cồn công nghiệp).
Methanol thường được sử dụng trong đời sống để làm dung môi trong chất tẩy rửa sơn, nước rửa kính, mực in máy photo. Rượu methanol lên men từ nguyên liệu có chứa cellulose (gỗ). Methanol có trong rượu là một chất cực độc.
Lượng cồn trong máu quá nhiều khiến gan không kịp đào thải ra ngoài sẽ gây tổn thương tế bào gan, các bộ phận ở não ngừng hoạt động, kèm các biến chứng nguy hiểm như: nghẹt thở, động kinh, rối loạn tâm thần, hạ thân nhiệt, nhịp tim không đều, thậm chí tử vong.
Những triệu chứng của ngộ độc rượu gồm: da hơi xanh hoặc tím, đặc biệt ở vùng xung quanh môi và móng tay; lú lẫn, phản ứng chậm, không thể đi lại; khó khăn trong việc duy trì ý thức; hạ thân nhiệt; nói không rõ, nói ngọng; nôn mửa; thở chậm, thở không đều.
Trong tình trạng nghiêm trọng, người bệnh có thể co giật, hôn mê, nghẹt thở, tổn thương não và tử vong; đi tiểu tiện không kiểm soát; cơ thể có mùi rượu nồng; đau bụng, chướng bụng; tê yếu một bên tay, chân hoặc mặt.
Khi phát hiện ai đó có các triệu chứng như trên, người thân và người xung quanh cần gọi cấp cứu, kiểm tra tình trạng của nạn nhân, cố gắng giữ cho bệnh nhân tỉnh táo, đưa họ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời, tránh các biến chứng nặng xảy ra.
Nếu nạn nhân bất tỉnh hãy đặt họ nằm nghiêng, tránh khả năng nôn ói bị hít sặc. Nếu nạn nhân còn tỉnh, hãy cho họ uống nước. Dùng vải sạch hoặc chăn quấn quanh người để giữ ấm. Khai báo với nhân viên y tế các triệu chứng ban đầu và số lượng rượu nạn nhân đã uống.