Tối 6/9, tại TP.HCM đã diễn ra Lễ trao giải thưởng World Travel Awards (WTA) khu vực châu Á và châu Đại Dương lần thứ 30. Buổi lễ trang trọng có sự tham gia của hàng trăm thương hiệu du lịch, lữ hành tầm cỡ châu lục và các cơ quan thông tấn báo chí trong nước, quốc tế. Du lịch Việt Nam vinh dự được gọi tên ở 45 hạng mục giải thưởng hàng đầu châu Á 2023. Trong đó, có Vườn quốc gia Cúc Phương lần thứ 5 liên tiếp nhận giải thưởng cao quý này.
Với diện tích hơn 22.400ha nằm trên địa bàn của 14 xã, 4 huyện thuộc 3 tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa, Vườn quốc gia Cúc Phương có địa hình chủ yếu là núi đá vôi với độ chênh cao trung bình so với mặt biển từ 400 - 450m.
Vườn quốc gia Cúc Phương có hệ giá trị đa dạng sinh học vô cùng quý giá, là một trong những nơi có tính đa dạng sinh học cao của Việt Nam với nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ của Việt Nam.
Tính đến nay đã ghi nhận 2.427 loài, thuộc 931 chi, 231 họ thực vật, trong đó, 430 loài cây thuốc, 229 loài cây ăn được, 240 loài cây có thể sử dụng làm thuốc nhuộm, 137 loài cho tanin... 57 loài được ghi trong “Sách đỏ Việt Nam” năm 2007 và “Sách đỏ IUCN” 2020.
Cùng với sự đa dạng và phong phú về khu hệ động, thực vật, Cúc Phương còn là một bảo tàng thiên nhiên tuyệt mỹ, lưu giữ nhiều dấu tích của sự sống từ thời tiền sử cho đến ngày nay. Đó là các hóa thạch, các hài cốt, các công cụ… trong các hang động, đây chính là những tài liệu quan trọng ghi lại cuộc sống của muôn loài, ghi lại sự biến đổi thăng trầm của lịch sử phát triển địa chất qua các thời kỳ.
Nhờ chú trọng công tác bảo vệ rừng, bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm, do đó công tác tuần tra, kiểm soát được xác định là nhiệm vụ thường xuyên và là nhiệm vụ hàng đầu của lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Cúc Phương.
Giải thưởng WTA ra đời vào năm 1993, được tổ chức thường niên để vinh danh những điểm đến nổi bật, những nhà cung cấp dịch vụ du lịch chất lượng, bao gồm nhiều hạng mục như hàng không, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, công ty lữ hành, điểm đến du lịch... Đây là giải thưởng uy tín hàng đầu trong ngành du lịch trên toàn cầu, được ví như như giải Oscar của ngành du lịch thế giới.
Trong công tác chỉ đạo, đặc biệt chú trọng việc ngăn chặn các hiện tượng săn bắt, chặt xẻ, buôn bán trái phép động, thực vật rừng, đốt nương làm rẫy, lấn chiếm đất rừng trái phép; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm. Các trạm kiểm lâm Vườn quốc gia Cúc Phương được tập huấn kỹ năng sử dụng phần mềm quản lý (SMART) trong theo dõi diễn biến và hiện trạng tài nguyên động thực vật rừng trên các tuyến tuần tra.
Đây là tài liệu khoa học quan trọng góp phần theo dõi và đánh giá diễn biến tài nguyên rừng cho cả ngắn hạn và dài hạn. Vườn quốc gia Cúc Phương là đơn vị đầu tiên trong các Vườn quốc gia thực hiện Chương trình giám sát đa dạng sinh học sử dụng phần mềm SMART trong quản lý bảo vệ rừng.
Bên cạnh công tác bảo vệ rừng, nghiên cứu khoa học luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Vườn quốc gia Cúc Phương. Trong những năm qua, Vườn đã thu thập, điều tra, thống kê thêm được 16 loài, nâng tổng số loài đã được nhận biết từ 2.411 loài (năm 2015) lên 2.427 loài (năm 2020).
Trong đó, đã phát hiện thêm 3 loài thực vật mới cho khoa học. Nhằm gìn giữ và bảo tồn các nguồn gen quý, từ năm 1985, Vườn quốc gia Cúc Phương đã xây dựng vườn thực vật với diện tích 167ha. Đến nay đã trồng và sưu tập được 811 loài. Trong đó có cây gỗ 295, nhập nội 5, ráy 25, cây ăn quả 20, tre trúc 15, cau dừa15, cây thuốc 296, lan 140 và tuế 15 loài.
Vườn thực vật Cúc Phương được đánh giá là vườn thực vật được xây dựng một cách bài bản đầu tiên trong hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam.
Đến thời điểm hiện tại, Vườn quốc gia Cúc Phương đã điều tra, thống kê thêm được 8 loài động vật có xương sống, nâng tổng số loài đã được nhận biết từ 661 (năm 2015) loài lên 669 loài (năm 2020). Bên cạnh việc điều tra, thống kê, thu thập mẫu, số liệu ngoài thực địa Vườn quốc gia Cúc Phương đã xây dựng Bảo tàng Cúc phương và sưu tập nguồn mẫu vật lưu trữ trong bảo tàng. Hiện nay Bảo tàng Cúc Phương là bảo tàng duy nhất trong các hệ thống vườn quốc gia được nằm trong mạng lưới bảo tàng khoa học của ngành Lâm nghiệp.
Hiện nay, Vườn quốc gia Cúc Phương đang triển khai 3 chương trình bảo tồn, đó là bảo tồn các loài linh trưởng nguy cấp, quý hiếm của Việt Nam; bảo tồn thú ăn thịt nhỏ và tê tê; bảo tồn các loài rùa nước ngọt và bảo tồn một số loài động vật hoang dã khác (hươu, nai, các loài trong họ trĩ, các loài khỉ…). Hiện Vườn quốc gia Cúc Phương đang cứu hộ, bảo tồn 64 loài với 2.700 cá thể động vật hoang dã.
Theo ông Đỗ Hồng Hải, Phó giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương, một trong những nền tảng làm nên những thành tựu trong công tác giáo dục thiên nhiên của Cúc Phương là thông qua các sản phẩm du lịch sinh thái, xây dựng một “hệ sinh thái” du lịch với nhiều chương trình, sản phẩm như “Tour Về Nhà - tham gia tái thả động vật sau cứu hộ”, Trồng cây "Thêm xanh cho cánh rừng già" tham gia Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ, “Hành trình hồi sinh" - tham gia quy trình cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã… xây dựng chương trình Giáo dục trải nghiệm thiên nhiên dành cho học sinh phổ thông các cấp, trại hè “Lớn lên cùng đại ngàn”… đã tạo nên thương hiệu du lịch sinh thái Vườn quốc gia Cúc Phương.
“Năm 2022, số lượng khách tham quan Vườn quốc gia Cúc Phương là gần 100.000 lượt, trong đó, khách nội địa là hơn 95.000 lượt, còn lại là khách nước ngoài. Sáu tháng đầu năm 2023 đã có 69.000 lượt khách tham quan Vườn quốc gia Cúc Phương, trong đó khách Việt Nam là gần 64.000 lượt khách, còn lại là khách nước ngoài”, ông Hải nói.
“Tiếp tục nhận được giải thưởng World Travel Awards, chúng tôi rất hạnh phúc. Để đạt được những thành quả đáng tự hào này là công sức của cả tập thể cán bộ, công nhân viên vườn. Đây là sự động viên rất lớn để chúng tôi tiếp tục nỗ lực, duy trì và phát triển toàn diện cho Cúc Phương, xứng đáng với danh hiệu là vườn quốc gia hàng đầu châu lục, trở thành điểm đến hàng đầu của các nhà khoa học, du khách trong nước, quốc tế”, ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương chia sẻ.