Thái được khá nhiều quan chức của tỉnh Đào Sơn biết tới, với tư cách là nhà phong thủy, nhà tâm linh, pháp sư. Trong số những quan chức ấy, người nể và phục, cũng là người thân với Thái nhất là Nguyễn Trọng Khải, Giám đốc Sở Tài chính. 45 tuổi, có học vị thạc sỹ, Khải là Giám đốc trẻ nhất, và cũng là người có tham vọng nhất trong các Giám đốc Sở của tỉnh. Khải coi Thái như “đại ca”.
Biết Phó chủ tịch tỉnh phụ trách kinh tế Bùi Mạnh Thi sắp nghỉ hưu, Khải nhăm nhe nhẩy lên thế chỗ. Người được Khải cởi mở ý đồ của mình, và người vấn kế đầu tiên chính là Thái. Trong căn phòng riêng trong tòa biệt thự của mình ở thành phố Đào Sơn, hai người đối ẩm. Được Khải hỏi ý kiến, Thái trầm ngâm một lúc rồi mới mở lời:
- Chú hẳn biết Đỗ Thanh Quỳnh, con trai ông Luyến chứ?
- Tất nhiên.
- Cứ theo dõi bước đi của Quỳnh trên quan lộ thì biết được ý đồ của bố nó. Từ trưởng một phòng bên Sở Kế hoạch, được nhắc lên Phó giám đốc. Từ Phó giám đốc sang làm trưởng một Ban. Nếu dăm tháng nữa lão Thi về hưu, thì lão Luyến chỉ đạo nhắc thằng Quỳnh vào thế chỗ là cái chắc.
Năm nay ông Luyến 58 tuổi. Thằng Quỳnh sẽ yên vị chức Phó Chủ tịch tỉnh dưới cái bóng của bố nó hai năm. Khi ông Luyến về hưu, Chủ tịch tỉnh lên thế chỗ, thì thằng Quỳnh sẽ ngồi vào cái ghế Chủ tịch bỏ trống ấy. Đấy, ý đồ của bố con nhà nó là thế. Nếu sai, cứ đem đầu tôi ra mà chặt.
- Nếu vậy thì hỏng rồi. Em đọ làm sao được với ông Luyến.
- Người tính không bằng trời tính. Từ bao năm nay, lão Luyến làm nhiều việc tàn ác. Việc mới nhất gần đây, là để che giấu việc thằng Luyện, con út, lấy của lão hơn hai trăm ngàn “đô”, ở phòng làm việc, bị công an phát hiện, khỏi bị đi tù, lão đã chỉ đạo Công an tỉnh phải đổ cái tội lấy tiền ấy lên đầu một nông dân vô tội, bắt anh ta phải chịu 18 năm tù.
Vì tàn ác như thế nên âm đức tổn hao quá nhiều rồi. Gia đình đâm ra lục đục, thằng con út thì phá gia chi tử. Vợ ngang nhiên đi với bồ trẻ, lão ta cũng đi với gái trẻ, tiếng đồn lan ra, trong tỉnh không ít người biết những chuyện đó. Trong Thường vụ, ông ta cũng mất lòng khá nhiều người. Nếu biết khai thác những điểm yếu đó của lão, thì cơ hội không phải là đã hết.
- Anh nói phải. Việc giới thiệu chức danh Phó Chủ tịch tỉnh, phải qua Thường vụ, bằng hình thức bỏ phiếu kín. Ông Luyến cũng chỉ được một phiếu như mọi người khác thôi. Em sẽ mở một chiến dịch vận động. Chỉ cần quá bán số người giới thiệu em, là thắng.
- Nhưng chú có biết trong 13 Thường vụ hiện nay, thì quan trọng nhất là ai không?
- Theo anh, thì quan trọng nhất là ai?
- Trần Thanh, Giám đốc Công an tỉnh. Mọi việc bất nhân thất đức như vụ trộm tiền vừa qua, lão Luyến đều chỉ đạo Trần Thanh làm, nên Thanh nắm đến chân tơ kẽ tóc từ tâm địa đến việc làm của Luyến. Cũng vì vậy mà Luyến rất sợ Thanh.
Mà không chỉ Luyến, nhiều Thường vụ khác cũng sợ nó. Vì là công an, nên nó nắm hành tung của các ông trong lòng bàn tay mình. Thằng Thanh này có đặc điểm là rất tham. Vậy thì chú biết phải làm gì rồi. Nắm được nó, chỉ cần trong cuộc ấy, nó nói tốt cho chú mấy câu là nhiều anh khác ngả theo ngay.
- Vâng, em hiểu.
- Con người ta, khỏe mạnh được là do cân bằng âm dương. Đường quan lộ cũng vậy. Có dương trợ rồi thì lại càng phải cần âm phù. Được cả âm phù, dương trợ, thì nó mới hanh thông được.
- Cái này thì phải nhờ đến anh. Anh chỉ bảo cho em đi. Làm thế nào để được âm phù.
- Làm chùa, tô tượng, đúc chuông. Trong ba việc ấy, thế gian nên làm.
- Việc ấy thì dễ. Trong tỉnh này có không ít chùa to. Anh chỉ cho em chỗ nào, để em cúng tiến vào đó.
- Không được. Những chùa to đó, đều đã có cơ ngơi đàng hoàng rồi, nên dù chú có cúng tiến vào đó, thì cũng không có ý nghĩa lắm. Phải chọn một cổ tự nào linh thiêng, có lịch sử lâu đời, nhưng hiện đang hoang tàn, xuất tiền trùng tu lại theo quy mô cũ, thậm chí là to hơn quy mô cũ, thì việc làm đó mới có ý nghĩa.
- Trong tỉnh ta có ngôi chùa nào như vậy không anh?
- Được rồi. Mấy hôm nữa tôi dẫn chú đi.
Mấy hôm sau, Cổ Thanh tự được đón hai vị khách. Một người là Thái còn người kia là Khải. Do Thái không giới thiệu Khải là ai, làm chức vụ gì, nên thượng tọa cũng không tiện hỏi. Trong lúc ngồi chơi, người khách lạ hỏi khá kỹ về lịch sử ngôi chùa và sự tích ngôi đền. Tiếp theo, hai người đi dạo quanh chùa, xem xét tỉ mỉ nền móng chùa, móng đình. Xem xong, Thái kéo Khải ra một chỗ, hỏi:
- Chú xem kỹ địa thế ngôi chùa, ngôi đình này chưa? Chú thấy nó thế nào?
- Thú thật với anh. Em rất có cảm tình với phong cảnh nơi đây, còn địa thế thì em không hiểu lắm.
- Chú có để ý cái mạch núi nó trườn từ dải Đào Sơn xuống phía sông Đào, phía xa xa, về bên tay phải của chùa không. Rồi cũng một mạch núi nữa, cũng trườn từ dải Đào Sơn về phía sông Sinh không? Có chỗ nào kỳ lạ như thế không. Chùa Cổ Thanh nằm giữa, bên phải và bên trái là hai mạch núi song song. Đó chính là đôi tay ngai.
Phía trước chùa, chú có nhìn thấy cái gò đất tự nhiên, gần bờ sông không? Đó chính là ấn đường. Rồi còn ngọn đồi thấp phía sau chùa nữa, không phải là hậu chẩm, thì là gì nữa. Hai con sông Đào và sông Sinh hợp lưu ở đây, tạo thành một vực xoáy trước chùa. Đó là thủy tụ. Có khu đất nào mà lại hội tụ đủ cả tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, tiền án, hậu chẩm, thủy tụ như thế không? Đây chính là nơi đất thiêng.
Đức Ngô Đồng đại vương, đức Phật ngự ở đây đã ngàn năm có lẻ. Nhìn móng chùa, móng đình còn lại, thì chú biết quy mô ngày trước của nó. Đức Ngô Đồng đại vương đã từng âm phù cho Đức thánh Trần đại thắng cả giặc Nguyên. Thì cái đường công danh bé tí của chú, sao ngài lại không âm phù được, nếu chú biết xuất tiền phục dựng lại ngôi chùa, ngôi đình này trở lại với quy mô cũ.
- Em sẽ cúng tiến cho chùa, cho đền 2 tỷ đồng. Được không anh?
- Đã làm, thì phải làm cho đến nơi đến chốn. Mình làm không hết, để dở dang ra, thằng khác nó xen vào, thì cái phúc của mình bị chia sẻ, không trọn vẹn. Việc này nên bàn với thượng tọa và ban khánh tiết, xem làm hết độ bao nhiêu, thì mình cúng tiến bấy nhiêu. Vậy là công mình cả. Nhưng trước khi cúng tiến, phải nói với thượng tọa làm một khóa lễ, cầu cho đường quan lộc của chú nó hanh thông cái đã.
- Nhất trí hoàn toàn với anh. (còn nữa)