Ngồi dậy trên giường một lúc rồi bước ra ngoài, thượng tọa thong thả dạo một vòng quanh chùa. Hôm nay là cuối tháng. Tân nguyệt như cung, tàn nguyệt như cung. Thượng huyền cung, hạ huyền cung. Đúng thật. Mặt trăng hạ huyền đã xế, trông như một cây cung treo lơ lửng trên ngọn tre.
Từ khi về trụ trì ở Cổ Thanh tự, đã nhiều đêm thượng tọa mất ngủ như thế này. Cổ Thanh tự và đình Hét ngay sau nó là một ngôi chùa, ngôi đình có lịch sử lâu đời, đình gắn với sự tích của Ngô Đồng tướng quân.
Truyền rằng ngài là tướng của Hai Bà Trưng. Trong một trận đánh nhau với giặc, không may ngài bị giặc chém đứt cổ. Ngài dùng tay giữ chặt đầu trên cổ, phi ngựa một mạch qua không biết bao nhiêu là đường đất. Đến ngã ba sông Đào hợp lưu với sông Sinh, thấy một hàng nước nép mình dưới một cây đa to, ngài dừng ngựa, hỏi bà hàng nước:
- Người ta, khi đầu đã lìa khỏi cổ, thì có còn sống được không?
- Bẩm ngài, không thể sống được ạ.
Nghe vậy, ngài bèn ngã ra đất, và hóa luôn tại đó. Con ngựa cũng chết theo, nằm gục bên ngài. Chỉ trong chốc lát, mối đùn thành mộ, phủ kín cả người lẫn ngựa. Dân làng lập một ngôi đền, lúc đầu là tường đất, lợp tranh, thờ ngài ngay tại chỗ ngài hóa.
Chỗ mép sông Sinh trước cửa đền có cây ngô đồng cổ thụ, hai ba người nối vòng tay ôm không giáp. Nhân một trận bão, cây ngô đồng bị đổ xuống sông và cứ quanh quẩn ở đó không chịu trôi đi.
Thấy vậy, dân làng hè nhau ra kéo cây vào bờ. Nhưng bao nhiêu người kéo, mà cây vẫn trơ trơ không chuyển. Chỉ đến khi dân làng mời một pháp sư đến, biện lễ ở đền, khấn rằng nếu ngài cho kéo được cây ngô đồng lên bờ, thì dân làng sẽ dùng cây đó tạc tượng thờ ngài, thì sau đó cây mới chuyển.
Thời Trần, khi dẫn quân qua vùng này phá giặc Nguyên, đức Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã vào đền, thắp hương cầu ngài âm phù. Quả nhiên trận đó, quân Trần đại thắng.
Khi đất nước đã sạch bóng giặc Nguyên, nghe Quốc công Tiết chế tâu lại, vua Trần Nhân Tông đã ban cho ngài hiệu là “Ngô Đồng Linh ứng Đại Vương, thượng đẳng phúc thần”, lệnh cho dân làng thờ ngài làm Thành hoàng, và ban cho 20 mẫu ruộng làm hương hỏa cúng tế. Hội đền mở vào ngày mùng 3 tháng 3 hằng năm, là ngày truyền rằng ngài hóa.
Đến thời Lê Trung Hưng, một vị vương phi của chúa Trịnh quê ở vùng này, đã xuất tiền trùng tu, nâng cấp, thành một tổ hợp kiến trúc “tiền Phật, hậu Thần”, chùa thờ Phật phía trước, đình thờ đức Ngô Đồng đại vương phía sau.
Từ đó, khách thập phương đến nườm nượp. Từ triều Trần trở đi, các triều đại có khá nhiều sắc phong cho ngài, nhưng tiếc rằng đã mất hết, chỉ còn giữ được hai đạo, một của vua Thành Thái, một của vua Khải Định triều Nguyễn.
Thời 9 năm kháng chiến chống Pháp, giặc đóng quân trong chùa, trong đình. Trước lúc rút đi, chúng đã giật mìn phá đổ cả hai. Đình chỉ còn một tòa hậu cung, lâu dần thành dột nát, xập xệ, tượng của ngài cũng mất.
Còn chùa bị phá sập hoàn toàn. Hòa bình lập lại, những kết cấu bằng gỗ cũng như gạch ngói của ngôi đình, ngôi chùa đổ nát được HTX nông nghiệp lấy làm việc khác.
Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, dân làng đã góp công, góp của sửa lại hậu cung của ngôi đình, nhưng kinh phí hạn hẹp, nên chỉ đủ tiền giặm lại ngói cho khỏi dột, đồng thời xây một ngôi chùa trên nền ngôi chùa cũ, có diện tích vỏn vẹn 20 m2 và một ngôi nhà nhỏ bên cạnh làm nơi ở của trụ trì.
Có chùa thì phải có sư. Theo nguyện vọng của dân làng, Tỉnh hội Phật giáo cử thượng tọa Thích Thiện Tâm về trụ trì ở Cổ Thanh tự.
Từ ngày về nhận chùa, lúc nào thượng tọa cũng đau đáu một nỗi niềm: Làm sao phục hưng được chùa, được đình với quy mô như cũ. Đình có hậu cung, thượng điện, bái đình, giải vũ. Chùa có 3 tòa, có nhà tổ. Đất thì may còn, chưa bị lấy giao cho dân ở…
Nhưng muốn làm được công việc ấy, thì phải có nguồn kinh phí rất lớn. Dù đã thành lập ban khánh tiết nhưng dân trong xã nghèo, chia đóng góp theo khẩu thì không được, mà vận động thì sự đóng góp không đáng bao nhiêu.
Làng không có đại gia, nên nguồn tài trợ không có. Qua hai đợt vận động, số tiền quyên góp mới được hơn 7 chục triệu đồng. Số tiền ấy, so với số tiền cần có để phục hưng chùa, đình, chỉ là một hạt muối giữa bể.
Có một vị khách ghé thăm chùa. Đó là một người đàn ông tuổi trạc năm mươi, rất đạo mạo, chững chạc, mà ăn mặc thì chải chuốt. Sau khi dạo một vòng quanh chùa vãn cảnh. Nhấm nháp chén trà do thượng tọa mời, vị khách lên tiếng:
- Bạch thầy. Xem nền cũ của chùa, của đình, tôi hình dung ra kiến trúc của nó trước kia. Có thể nói khó có ngôi chùa, ngôi đình nào trong tỉnh sánh được. Về vị trí, thì đây chính là nơi sơn linh, thủy tụ. Chỉ tiếc là cho đến nay, nó vẫn chưa được phục hưng.
- Vâng, quả như lời ông nói. Phục hưng lại chùa, đình với quy mô cũ, thậm chí hơn thế, là tâm nguyện của tôi. Chỉ hiềm dân ở đây nghèo, nên số tiền quyên góp được không đáng bao nhiêu. Tôi cũng đang có ý định lên thủ đô, hoặc đến các thành phố lớn khác vận động giới đại gia, may ra mà được Phật, được Thánh độ trì…
- Bạch thầy. Đại gia, tiếng vậy, họ giàu thì giàu thật. Nhưng những đồng tiền mà họ có được, đều là từ mồ hôi nước mắt, từ sự lao tâm khổ tứ. Nên họ chi ly, cân nhắc rất kỹ trước khi bỏ đồng tiền ra. Vì vậy vận động được họ không dễ. Nếu muốn vận động quyên góp những số tiền lớn, thầy nên chuyển hướng sang giới khác. Giới đó mới giàu hơn đại gia, và số tiền họ có được dễ dàng hơn đại gia rất nhiều.
- Giới nào?
- Quan chức.
- ! ! !
- Phải. Quan chức. Và thầy không phải lên thủ đô hay đến thành phố nào lớn cả. Hãy vận động quan chức ở ngay tỉnh này.
- Nhưng tỉnh ta là một tỉnh nghèo. Thì quan chức làm sao giàu được.
Vị khách bật cười:
- Bạch thầy. Xin thầy tha lỗi. Chứ thầy ngây thơ lắm. Tỉnh càng nghèo thì quan chức càng giàu. Sự giàu có của họ không minh bạch, vì vậy họ rất chăm công đức cho việc dựng đình xây chùa, tô tượng đúc chuông, miễn là ta biết tìm đúng người, và phải có cách.
- Ông nói vậy, hẳn là ông có mối quan hệ với nhiều quan chức? Và đã biết cách?
- Tôi xin nói thẳng. Tôi có thể tác động để một số quan chức công đức cho chùa, cho đình. Nhưng số tiền đó, thầy phải trích lại cho tôi 20%. (Còn nữa)