| Hotline: 0983.970.780

Cuộc đua giống cỏ: Khởi động

Thứ Ba 04/08/2015 , 06:15 (GMT+7)

Nhiều DN giống cây trồng đang rốt ráo chạy đua vào lĩnh vực giống cỏ và các loại cây cho thức ăn gia súc.

LTS: NNVN vừa đăng loạt bài về phát triển cây thức ăn chăn nuôi, trong đó có đề cập việc nhập nội và gieo trồng các giống cỏ. Hiện nay, tiến bộ về giống cỏ đã có những bước nhảy vọt, đặc biệt trên thế giới xuất hiện nhiều giống cỏ mới, cho năng suất chất lượng rất cao đang được nhập nội vào VN. Xin cung cấp thêm thông tin về những đơn vị NK và những giống cỏ mới.

Trước nhu cầu cấp bách về thức ăn cho gia súc, đặc biệt cho bò sữa, bò thịt trong bối cảnh chăn nuôi đại gia súc có những tín hiệu tăng trưởng ấn tượng, nhiều DN giống cây trồng đang rốt ráo chạy đua vào lĩnh vực giống cỏ và các loại cây cho thức ăn gia súc.

Hạt cỏ "nóng" dần

Chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt là đàn bò những năm qua mặc dù tốc độ tăng trưởng chưa cao, nhưng lại chắc và đều.

Tính chung 5 năm qua, đàn bò thịt Việt Nam từ 3,9 triệu con năm 2011 tăng lên 5,2 triệu con năm 2013 và đạt trên 5,3 triệu con (tính tới giữa năm 2015), tốc độ tăng đàn bình quân đạt xấp xỉ 3%/năm.

Đàn bò sữa tiếp tục tăng trưởng đột phá từ 186 nghìn con năm 2011 lên xấp xỉ 254 nghìn con tính tới giữa năm 2015 (6 tháng đầu năm 2015, đàn bò sữa tăng tới 26% so với cùng kỳ năm 2014).

Theo Cục Chăn nuôi, hiện cả nước có tổng cộng gần 10 triệu gia súc ăn cỏ, tuy nhiên việc đáp ứng nhu cầu thức ăn chất lượng cao lại gần như bỏ ngỏ.

Đến năm 2015, cả nước mới chỉ có khoảng 57 nghìn ha cỏ và các loại cây thức ăn được trồng thâm canh đạt chất lượng cao, đáp ứng được chưa đầy 15% tổng nhu cầu thức ăn cho gia súc, còn lại đa số đều là thức ăn tận dụng.

Việc nghiên cứu chọn tạo và NK các giống cỏ và cây thức ăn chất lượng cao cho gia súc vẫn là mảng rất mới mẻ và chưa thấm vào đâu so với nhu cầu.

Ngoại trừ các vùng trồng nguyên liệu tập trung của các Cty bò sữa lớn như TH True Milk và Vinamilk đã NK các giống cỏ lai và cao lương chất lượng cao (theo diện dự án của các tỉnh).

Còn lại, các vùng nuôi bò thịt, thậm chí ngay cả các vùng nguyên liệu bò sữa nông hộ vệ tinh của nhiều Cty sữa khác, đa phần nông dân vẫn đang trồng các giống cỏ họ hòa thảo như cỏ voi, cỏ VA06, cỏ Ruzi, Ghine monbasa, Mulato… có năng suất thấp, hàm lượng nhiều yếu tố dinh dưỡng thua kém so với các giống cỏ lai hoặc cao lượng nhập nội.

Theo Cục Trồng trọt, hiện cả nước mới chỉ có vỏn vẹn 2 giống cỏ lai F1 nhập khẩu được công nhận giống cỏ cho phép SX kinh doanh là Sweet Jumbo và Superdan.

Ông Phạm Quang Dương, GĐ Chi nhánh Hà Nội - Cty CP Giống cây trồng miền Nam (SSC) cho biết, đây là hai giống cỏ lai F1 (cỏ lai cao lương) đã được Tập đoàn Advanta chuyển nhượng quyền phân phối cho SSC.

Với ưu thế chất lượng cao, sinh trưởng khỏe, cho năng suất từ 50 - 60 tấn/lần cắt, tương đương 300 - 350 tấn/chu kỳ (mỗi lần gieo thu hoạch 5 - 6 lần cắt), chỉ sau 3 - 4 năm thâm nhập vào thị trường Việt Nam, Sweet Jumbo và Superdan đang từng bước đánh bật các giống cỏ họ hòa thảo truyền thống do VN chọn tạo như VA06, cỏ voi, cỏ sả...

Tại miền Nam, cả hai giống cỏ này đang dần mở rộng diện tích tại các vùng nuôi bò sữa lớn ở TP.HCM, Đồng Nai… Trong khi đó tại các tỉnh phía Bắc, giống Sweet Jumbo hiện đã chen chân vào các vùng bò sữa, bò thịt lớn tại các vùng ngoại thành Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Nam…

Theo ông Dương, hiện mỗi năm SSC tung ra thị trường từ 100 - 200 tấn giống hạt cỏ, cá biệt có năm Cty này bán hết vèo tới gần 300 tấn giống hạt cỏ với giá từ 220 - 250 nghìn đồng/kg nhưng vẫn liên tục “cháy hàng”.

Mặc dù vài năm gần đây, Cty không chú trọng nhiều tới mảng hạt giống cỏ, tuy nhiên lượng khách hàng là nông dân tại các vùng chăn nuôi bò sữa, bò thịt tự tìm tới đặt hàng ngày càng tăng chóng mặt.

“Thị trường giống hạt cỏ thương mại hiện nay gần như chỉ có SSC, còn lại các DN cũng chỉ đang khảo nghiệm nên dư địa còn vô cùng lớn!

Tuy nhiên cái khó là hiện SSC lại không chủ động được nguồn giống, mà phải phụ thuộc vào nguồn hạt lai F1 do Tập đoàn Advanta tại Úc cung ứng nên sản lượng hàng năm thường không ổn định, họ đồng ý cho phép phân phối bao nhiêu thì mình chịu bấy nhiêu”, ông Dương tiết lộ.

DN hối hả vào cuộc

Thị trường cây thức ăn cho gia súc năm 2015 bắt đầu nóng lên sau sự kiện Cty SOL Holdings (Nhật Bản) phối hợp với một số DN tại VN ra mắt và khởi động đưa cây siêu cao lương vào thị trường VN, trong đó có mục tiêu phục vụ cho các Cty bò sữa lớn như Vinamilk, TH True Milk.

Bên cạnh đó, từ đầu năm 2015 đến nay, nhiều DN cũng đang rốt ráo tham gia vào lĩnh vực này bằng việc NK và khảo nghiệm hàng loạt giống cỏ lai và cao lương có năng suất, chất lượng cao cho gia súc, đặc biệt là tại các tỉnh phía Bắc.

Sau vụ chuyển nhượng bản quyền hai giống cỏ lai Sweet Jumbo và Superdan cho SSC, hơn một năm trở lại đây, nhắm thấy dư địa thị trường cây thức ăn cho gia súc, Cty Advanta VN đã tiếp tục NK về Việt Nam hàng loạt giống cỏ lai và cao lương mới để khảo nghiệm.

Ngay sau khi thành lập Khoa Cây thức ăn chăn nuôi, Viện Nghiên cứu Ngô cũng đã bắt tay với Vietseed và một số đơn vị như Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì (Viện Chăn nuôi) và Sở NN-PTNT các tỉnh có đàn bò sữa, bò thịt lớn tại phía Bắc để nghiên cứu chọn tạo cây thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu Ngô cũng đã lên kế hoạch chọn tạo giống ngô có hàm lượng dinh dưỡng, năng suất đáp ứng nhu cầu thức ăn cho gia súc, với hướng nghiên cứu đưa gen tăng dày thêm lá và mềm thân ngô vào các giống triển vọng.

Ông Lê Phi Cường, đại diện Cty Advanta VN tại phía Bắc tiết lộ, Cty này đã NK tổng cộng trên 10 giống cỏ lai và cao lương về khảo nghiệm tại Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang…

Đây là các giống có tiềm năng năng suất, chống chịu và chất lượng cao được Advanta tuyển chọn tại Úc. Qua khảo nghiệm từ cuối năm 2014 đến nay, đã có từ 4 - 5 giống thể hiện được khả năng thích nghi, sinh trưởng rất khả quan.

Theo ông Cường, mục tiêu trước mắt của Advanta vẫn sẽ là đưa các giống cỏ lai, cao lương dần thế chân các giống cỏ truyền thống tại Việt Nam như cỏ voi, VA06 tại các vựa bò sữa, bò thịt lớn ở phía Bắc như Hà Nam, Tuyên Quang, Hà Giang, Hà Nội…

Tại phía Bắc, một tên tuổi khác còn khá mới mẻ trong ngành giống cây trồng là Cty TNHH Hạt giống Việt (VietSeed) từ đầu năm 2015 đến nay cũng đang hối hả lên kế hoạch thâm nhập vào thị trường cây thức ăn chăn nuôi.

Ông Đỗ Thanh Tùng, GĐ VietSeed không ngần ngại tiết lộ, vừa qua, Cty hoàn thành thủ tục NK 6 giống cỏ lai, cao lương và cỏ lai cao lương từ Mỹ về trồng khảo nghiệm tại Hòa Bình, Hà Nội, Sơn La, Hà Nam…

Tuy mới chỉ gieo đầu tháng 7/2015 nhưng một số giống sinh trưởng, phát triển rất mạnh không thua trồng tại Mỹ. Vị này tiết lộ, 6 giống cỏ lai và cao lương lai đều được Cty NK từ vùng Hereford (Texas, Mỹ), nơi được mệnh danh là “Beef capital of the world” (Thủ đô bò của thế giới).

“Đây đều là các giống cỏ lai và cao lương lai được người chăn nuôi vùng Hereford SX, với năng suất chất lượng đã được đánh giá vào dạng bậc nhất trong thức ăn xanh - thô cho bò.

Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tương đối tương đồng, nếu khảo nghiệm thành công thì sẽ là những giống cỏ mới rất triển vọng tại VN”, ông Tùng cho biết.

Cũng theo ông Tùng, với chiến lược từng bước chủ động nguyên liệu cho bò sữa trong nước, Cty sữa TH True Milk cũng đang có thiện chí sẵn sàng phối hợp với các DN để khảo nghiệm, chọn tạo các giống cỏ, cao lương nhập nội đáp ứng được yêu cầu, trong đó đã đặt hàng cho Vietseed.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.