| Hotline: 0983.970.780

Cuộc gặp gỡ đẫm nước mắt của cựu binh và thân nhân liệt sỹ Gạc Ma sau 30 năm

Thứ Tư 14/03/2018 , 14:02 (GMT+7)

Những cái bắt tay, những cái ôm vội vã của cựu binh và giọt nước mắt của thân nhân các liệt sỹ trong cuộc gặp gỡ tại Hà Tĩnh ngày 13/3/2018 vẫn vẹn nguyên cảm xúc của 30 năm trước. 

Ngày mà họ nhận hung tin 64 đồng đội anh dũng hi sinh để bảo vệ lá cờ của Tổ quốc.
 

Tri ân

Bãi biển Thiên Cầm - huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) những ngày giữa tháng 3 tĩnh lặng đến lạ kỳ. Nơi đây vốn tấp nập du khách đến nghỉ dưỡng bất kể đông hay hè. Nhưng hôm nay, ngày hơn chục cựu binh và thân nhân liệt sỹ hi sinh trong trận hải chiến Gạc Ma (thuộc cụm đảo Sinh Tồn - quần đảo Trường Sa) tổ chức lễ tưởng nhớ các liệt sỹ dường như sóng biển cũng dành “một phút mặc niệm” các anh.

16-12-50_1
16-12-50_2
Cựu binh và thân nhân liệt sỹ trong trận chiến Gạc Ma ôn lại những kỷ niệm 30 năm về trước

Cựu binh Võ Văn Doàn (52 tuổi), tiểu đội 9, Đại đội 9, Tiểu đoàn 887, Trung đoàn 83 Hải quân vượt hơn 250 cây số từ mảnh đất Quảng Trị ra Hà Tĩnh để ôn lại kỷ niệm 30 năm về trước. Anh nói rằng, ký ức về trận chiến Gạc Ma trong anh chưa bao giờ phai mờ, đau thương vô kể nhưng tự hào cũng vô kể. Trận chiến này chưa được ghi lại trong một trang sách nào của lịch sử nhưng tinh thần yêu dân tộc của các chiến sỹ rất xứng đáng để được Đảng, Chính phủ và thế hệ hậu bối nhắc nhớ, khắc cốt ghi tâm.

Tháng 3/1987 anh Doàn nhập ngũ, được phân công vào huấn huyện tại Lữ đoàn 126, đóng quân tại Sơn Trà - Đà Nẵng. Sau khi khóa huấn luyện kết thúc, anh được biên chế về Tiểu đoàn 887. Ngày 12/3/1988 nhận lệnh cấp trên anh theo tàu HQ 604 đi làm nhiệm vụ bảo vệ đảo Gạc Ma. Vốn là lính công binh, thực hiện nhiệm vụ vận chuyển vật liệu từ tàu lên đảo, cắm cờ khẳng định chủ quyền nên khi xảy ra đụng độ, anh và các đồng đội chỉ biết sử dụng cuốc, xẻng, thậm chí tay không để chống trả đội quân quá hùng mạnh từ phía Trung Quốc.

“Dù biết yếu thế nhưng tôi và các đồng đội vẫn một lòng kiên định dựng “vòng tròn bất tử” bảo vệ cờ, giữ đảo. Giây phút Trung Quốc chĩa nòng súng vào đồng đội cũng là lúc lá cờ đỏ nhuốm đầy máu và nước biển mặn. Tôi may mắn lặn sâu xuống biển giữ được tính mạng”, cựu binh Võ Văn Doàn nhớ lại.

16-12-50_3
Ký ức đau thương trong trận hải chiến Gạc Ma chưa bao giờ phai mờ trong anh Võ Văn Doàn

Trở về từ cõi chết, những ngày tháng sống trong hòa bình càng hạnh phúc bên vòng tay người thân bao nhiêu anh càng nhớ và thương đồng đội mình bấy nhiêu. Ngày giỗ (14/3) đồng đội những năm trước anh chỉ biết thắp hương tại gia đình mình để tưởng nhớ, còn năm nay - chẵn 30 năm, các đồng đội họp bàn, quyết định tổ chức một cuộc gặp gỡ tại Hà Tĩnh để ôn lại kỷ niệm thời gian chiến đấu trên đảo Gạc Ma.

Anh Doàn bảo: “Gặp lại đồng đội xúc động vô cùng, đứa nào cũng tay bắt mặt mừng tâm sự về cuộc sống hiện tại và ôn lại nỗi đau, mất mát về những đồng đội đã ngã xuống để từ đó nhắc nhở bản thân phải luôn nỗ lực sống thật tốt, yêu quê hương dân tộc hơn”.

Là người đăng cai tổ chức cuộc gặp gỡ tại Hà Tĩnh, Trung sỹ, Tiểu đội trưởng thuộc phòng tham mưu lữ đoàn 146 Lê Hữu Thảo chia sẻ: Năm nay chẵn 30 năm, nếu so với đời người thì cũng đã gần phân nửa cuộc đời. Đây lại là sự kiện lịch sử không nhỏ nên nếu lãng quên thì thật có lỗi với những đồng đội đã hi sinh.

“Tôi là Trưởng ban liên lạc cựu binh Gạc Ma, là sợi dây kết nối các gia đình cựu binh và thân nhân liệt sỹ với nhau. Việc tôi đứng ra tổ chức đám giỗ ngày hôm nay là việc làm nhân văn cần phải có để tô thắm tình đồng đội, để tri ân những gia đình có người thân hi sinh và an ủi vong linh các anh hùng, liệt sỹ. Chúng tôi nói với nhau, bây giờ dù không còn mang quân phục nữa nhưng tình đồng đội, đồng chí vẫn mãi mãi bền chặt; đoàn kết, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống đời thường” cựu binh Thảo tự hào nói.
 

Nối nghiệp cha anh

Lặng mình nhìn xa xăm ra biển lớn, chị Trần Thị Liễu (SN 1960), vợ liệt sỹ Nguyễn Mậu Phong, trú tại xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) mắt rơm rớm lệ kể: Từ ngày chồng hi sinh, gánh nặng đè lên vai chị tăng lên bội phần. Chị vừa là mẹ vừa là cha, cảnh mẹ góa con côi lắm nỗi thiệt thòi.

16-12-50_4
Chị Liễu vẫn luôn tự hào về sự hi sinh anh dũng của chồng

Liệt sỹ Nguyễn Mậu Phong từng chiến đấu khắp các mặt trận từ Nam ra Bắc, sang tận nước bạn Campuchia. Hai anh chị ở cùng làng nên quen biết nhau từ nhỏ. Chiến tranh ngăn cách, tình yêu chớm nở qua những lá thư viết vội. Ngày anh trở về Việt Nam một đám cưới ấm cúng được tổ chức và sau đó lần lượt 2 cậu con trai kháu khỉnh chào đời. Đứa lớn biết mặt cha nhưng cậu út Nguyễn Tiến Xuân thiếu hẳn hơi ấm người đàn ông là trụ cột gia đình. “Ngày Xuân được 1,5 tháng tuổi, anh Phong viết thư bảo Tết sẽ về thăm con nhưng sau đó báo lại phải đi Gạc Ma làm nhiệm vụ 3 tháng, chậm nhất 6 tháng sẽ về. Anh ấy đi và không bao giờ trở về nữa”, khóe mắt chị Liễu rơm rớm lệ.

Ngày nhận tin anh Phong mất tích ruột gan chị thắt lại. Chị tự nói với bản thân “anh đang mất tích là đang còn hi vọng”, bàn thờ chị không lập, ngày ngày ba mẹ con ngóng ra cửa chờ một phép màu. 2 năm sau bầu trời như sụp xuống khi đơn vị gửi giấy báo tử thông báo anh Phong hi sinh trong trận chiến Gạc Ma. Kể từ đó đến nay, chị nén nỗi đau, ngày ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời, làm đủ thứ nghề để nuôi con ăn học thành người.

“Hạnh phúc lớn nhất của tôi bây giờ là hai đứa con lớn lên ngoan ngoãn. Đứa lớn trước cũng đi nghĩa vụ quân sự sau ra quân vào làm kinh tế tại miền Nam, còn Nguyễn Tiến Xuân đang là bộ đội Hải quân”, chị Liễu kể. Đồng thời cho biết, từ nhỏ Xuân đã tự hào về cha rất nhiều, cháu cũng ao ước được làm bộ đội Hải quân từ đó. Có những giai đoạn, cơm không có ăn, áo không có mặc chị đã nghĩ đến việc cho con nghỉ học nhưng Xuân nói: “Con muốn làm bộ đội Hải quân để được ra biển tưởng nhớ đến cha”, kể từ đó chị không ngăn cản mơ ước của Xuân nữa.

16-12-50_5
Phút mặc niệm đồng đội của cựu binh và thân nhân liệt sỹ đã hi sinh trên đảo Gạc Ma

Góa phụ Trần Thị Liễu gửi lời cảm ơn đến Đảng, Chính phủ đã xây dựng đài tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma tại Khánh Hòa, thỏa tâm nguyện của các cựu binh và thân nhân 64 liệt sỹ. Chị nói: “Tuy đài tưởng niệm không xương, không người nhưng đó là ngôi mộ tập thể, là nơi để chúng tôi thắp nén hương tưởng nhớ. Tôi thấm lòng khi linh hồn chồng tôi và các anh đã về với đất mẹ”.

Thiên Cầm về đêm se lạnh, từng đợt sóng vỗ nhẹ vào bờ cát cuốn theo những chiếc hoa đăng mà những cựu binh và thân nhân liệt sỹ thả xuống. Những chiếc đèn hoa đăng mang theo lời khấn nguyện, cầu cho linh hồn các liệt sỹ siêu thoát, phù hộ cho quốc thái dân an.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.