| Hotline: 0983.970.780

Cuộc giải thoát hên xui

Thứ Sáu 08/04/2011 , 10:22 (GMT+7)

Nếu như "mất mùa được giá" thì cũng an ủi người trồng điều ở Bình Phước phần nào. Đằng này oái oăm thay, người dân mất mùa lại mất cả luôn giá.

Một vườn điều vừa bị đốn hạ để thay thế bằng cây cao su

Nếu như "mất mùa được giá" thì cũng an ủi người trồng điều ở Bình Phước phần nào. Đằng này oái oăm thay, người dân mất mùa lại mất cả luôn giá. Vậy nên họ nôn nóng phá điều để ồ ạt trồng cao su - một mặt hàng "vàng trắng" mà sự thiếu bền vững trong phát triển đã được dự báo trước.

>> Đắng đót mùa điều

Ô ạt chặt điều

Dù đang là mùa điều nhưng anh Trần Văn Căn ở Tân An, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú dẫn chúng tôi mục sở thị vườn điều 2,5 ha của mình đã bị chặt hạ không thương tiếc để trồng cao su. Anh Căn cho biết: “Vườn điều của tôi trồng đã hơn chục năm nay. Cây điều không như cao su, nếu là vườn cao su giờ tôi bán cũng được vài trăm triệu tiền gỗ rồi, còn vườn điều thì biếu không cũng chẳng ai buồn đoái hoài. Do đó tôi phải tìm đến mấy chủ lò gạch ở Bình Dương để kêu cho không mà mãi họ mới xuống cưa vì đường xa và chi phí khai thác tốn kém, nhất là thời buổi xăng dầu tăng giá chóng mặt như bây giờ. Hiện để trồng cao su tôi phải thuê tiền cày đất là 700 ngàn/ha (tăng 100 ngàn/ha so với trước khi xăng dầu tăng giá). Nhiều người hàng xóm của tôi cũng nản lòng với cây điều lắm rồi nhưng không có điều kiện chuyển đổi qua trồng cao su nên đành phải chấp nhận".

Gia đình anh Căn từ Bến Tre về Đồng Phú trồng điều từ năm 1996. Thời mới lên lập nghiệp, đất đai mênh mông, không có sức mà khai phá. Điều là cây mà gia đình anh lựa chọn đầu tiên do không kén đất, ít chi phí chăm sóc. Cũng nhờ điều mà từ một gia đình với ba người con thiếu ăn, rách mặc mà nay anh có nhà lầu, tậu xe máy đắt tiền và đặc biệt có điều kiện tốt cho con cái học hành. Thế nhưng, do thời tiết và con buôn đã làm cây điều phụ lòng người, gia đình anh phải chia tay cây điều để đến với cao su.

Tôi hỏi: Anh trồng cao su, 6-7 năm sau mới cho thu hoạch, giả sử đến lúc đó do giống rởm không có mủ thì sao trong khi đầu tư tốn kém? Nghe vậy anh Căn cho biết: "Thì hên xui thôi chứ biết làm sao bởi ở vùng này ai trồng cao su mà chả thế". Nhưng điều đáng lo ngại là để trồng được cao su, gia đình anh Căn phải dốc toàn bộ tiền bạc và vay mượn thêm gần 20 triệu. Nhiều gia đình trồng diện tích lớn phải vay cả vài trăm triệu.

Theo anh Căn: “Do hiện nay phong trào trồng cao su dẫn tới tình trạng sốt giống cao su. Bản thân nhà tôi cũng không biết mua giống ở đâu bởi tìm đến Viện Nghiên cứu cao su thì không có, người ta mách đâu thì mình mua ở đó chứ không biết giống má thế nào. Cây giống cao su từ 7-8.000đ/cây hồi năm ngoái nay đã ngấp nghé 20.000đ/cây, mà mua cũng khó".

Ngược con đường đất đỏ nhỏ thó, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Chưởng, người đang phá 4,5 ha điều để trồng cao su. Gia đình ông Chưởng từ Đồng Tháp lên Bình Phước lập nghiệp từ cuối năm 1998 vừa mua vừa khai phá được 6 ha đất trồng điều. “Bao năm qua tôi để ý, nếu so sánh hiệu quả giữa cây điều và cao su thì cây cao su cao gấp mấy lần mà lại nhàn hơn, chỉ tốn chi phí lúc đầu. Năm nay việc điều thất mùa và con buôn “làm giá” như giọt nước tràn ly khiến tôi phá gần hết để trồng cao su. Tôi chỉ chừa lại vườn điều cao sản chờ xem tình hình giá cả thế nào rồi cũng có khi phá nốt”, ông Chưởng cho hay.

Cũng như anh Căn, ông Chưởng cho biết phải kêu mãi mấy lò gạch người ta mới chịu tới “thanh lý” và dọn cho mình vườn điều, không thì bây giờ làm sao xuống giống được. Nói về cây giống cao su, ông Chưởng hú họa: “Tôi mua thông qua một người giới thiệu ở huyện Chơn Thành chuyển về trồng. Nghe nói cơ sở giống đóng gần…Viện Nghiên cứu Cao su nên có nhiều loại giống tốt. Ở đây nhiều người mua giống ở đó lắm. Để đầu tư 4,5 ha cao su ngoài vốn của gia đình, tôi phải vay 130 triệu nữa mà còn chưa đủ”.

Chúng tôi ngược về Phước Long, Bình Long, Hớn Quảng… nhận thấy nơi đâu người dân cũng chuẩn bị đất để trồng cao su. Nhiều người dân cho biết thu xong vụ điều này sẽ thanh lý luôn để trồng cao su chứ trồng điều bây giờ không hiệu quả. Chính vì làn sóng trồng cao su đang diễn ra ồ ạt khiến ông Bùi Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, đã phải thốt lên: "Cao su là cây chủ lực của tỉnh Bình Phước do phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu. Hiện nay giá cao su đang lên tới đỉnh điểm dẫn đến tình trạng nhà nhà trồng cao su, người người trồng cao su. Tình trạng ồ ạt trồng cao su đang cho thấy có nhiều dấu hiệu của việc phát triển thiếu bền vững". 

Rủi ro trước mặt

Thực ra, không phải đến bây giờ khi điều bị thất mùa, cùng với chuyện thương lái ép giá mới khiến người dân chuyển sang trồng cao su. Vào năm 2008, diện tích điều của Bình Phước là 156.054 ha thì qua năm 2009 đã giảm tới 1.472 ha để trồng cao su. “Toàn bộ diện tích điều bị giảm đều chuyển qua trồng cao su và dự kiến trong năm 2011 này diện tích sẽ chuyển qua nhiều nhất”, một cán bộ ngành nông nghiệp ở Bình Phước cho biết.

Ông Phan Văn Đon, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Phước cũng thừa nhận rằng: “Việc phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh thời gian hiện nay là rất nhanh. Theo quy hoạch đến năm 2015 là 150.000 ha thì nay diện tích cao su ở Bình Phước đã lên tới 160.000 ha rồi. Như vậy, đến 2015 thì diện tích cao su có thể lên tới 200.000 ha do chuyển đổi diện tích rừng nghèo kiệt và diện tích điều sang. Điều đáng lo ngại nhất trong việc phát triển ồ ạt cao su là cây giống. Vấn đề giống là rất nan giải, những cơ sở lớn đã đăng ký thì sản xuất không đáp ứng đủ, còn cơ sở nhỏ bé không đảm bảo tiêu chuẩn thì tràn lan rất khó quản lý".

"Nông dân chúng tôi thấp cổ bé họng, dẫu nghi ngờ cánh con buôn làm giá nhưng cũng chịu thua biết làm thế nào bây giờ? Điều chín thu hoạch không lẽ bỏ xó thì lấy gì mà ăn? Tôi có nghe đến Hiệp hội Điều, Vinacas gì đó, thế nhưng người dân chúng tôi không có ai được vào trong Hiệp hội nên chả biết họ hoạt động thế nào, làm gì trong đó? Hiệp hội bảo vệ ai? Tôi là một trong những người thoát nghèo nhờ điều, mừng lắm. Nay phải chia tay với cây điều thì thật là rầu lòng, nhưng không chia tay không đặng", ông Nguyễn Văn Chưởng.

Cũng vẫn theo ông Đon: "Do đó, để chọn được giống tốt người dân cần chọn mua ở những cơ sở lớn, đáng tin cậy, có đăng ký với cơ quan chức năng. Có một thực tế là hiện nay việc chọn giống trồng cao su còn theo…phong trào. Người dân thấy ai trồng giống gì thì trồng theo mà không cần biết nó thế nào là rất nguy hiểm. Chính tình trạng ồ ạt phá điều trồng cao su đã khiến cho công tác quản lý giống cao su gặp rất nhiều khó khăn”.

Thạc sỹ Phan Thành Dũng, Phó Viện trưởng Nghiên cứu Cao su Việt Nam bày tỏ mối lo ngại về tình trạng sử dụng giống cao su một cách tuỳ tiện: “Hiện nay một số giống cao su không còn được khuyến cáo trồng đại trà như RRIV 4, PB 235, VM 515… nhưng nhiều người dân trồng mới không biết vẫn tiếp tục sử dụng. Nhiều Cty đầu tư trồng hàng trăm ha nhưng không tự sản xuất được cây giống, trong khi thị trường giống hiện nay đang khó kiểm soát được chất lượng thậm chí diễn ra bát nháo”.

Nhiều ngày lang thang, sẻ chia với nông dân vùng điều, chia tay với họ chúng tôi mang theo bao tâm sự buồn. Cái vòng luẩn quẩn, được mùa thì trồng, mất giá thì chặt dường như đang còn là tập quán canh tác của không chỉ ở nông dân Bình Phước. Nhưng đằng sau đó, có lẽ nông dân đang mong đợi ở những chính sách, quy hoạch và cơ chế giá cả rõ ràng để họ không còn vấp phải những mùa vụ lỡ hẹn. (Hết)

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Công an cảnh báo các chiêu lừa đảo dịp lễ 30/4

TP.HCM Dịp lễ 30/4 - 1/5 và mùa du lịch hè gia tăng các thủ đoạn lừa người dân mua các tour du lịch, máy bay giá rẻ trên mạng để chiếm đoạt tiền.

Bình luận mới nhất