| Hotline: 0983.970.780

Cuộc khủng hoảng nước ở châu Á & ý kiến chuyên gia hàng đầu

Thứ Ba 04/08/2020 , 09:23 (GMT+7)

Khủng hoảng nước sẽ ngày một nghiêm trọng hơn là dự báo của giáo sư Brahma Chellaney, chuyên gia phân tích chiến lược, nguyên cố vấn Hội đồng An ninh quốc gia Ấn Độ.

Nước- nguồn cơn của xung đột

Theo giáo sư Brahma Chellaney, khi các cuộc chiến tranh giành giật lãnh thổ giữa các quốc gia đang lùi dần vào quá khứ thì thế giới hiện đại lại đang lâm vào một cuộc chiến mới mang tên năng lượng. Trong đó khủng hoảng nước chính là nguyên nhân của các cuộc xung đột, nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hiện tại không có nơi nào vấn đề này khốc liệt hơn ở châu Á.

Giáo sư Brahma Chellaney. Ảnh: Forbes

Giáo sư Brahma Chellaney. Ảnh: Forbes

Giáo sư Brahma Chellaney người Ấn Độ là chuyên gia nổi tiếng về các xu thế địa chính trị quốc tế. Ông đã giành nhiều giải thưởng và thành tựu tại các cơ quan nghiên cứu danh tiếng thế giới như Đại học Harvard, Johns Hopkins, Đại học Quốc gia Australia, Học viện Robert Bosch và Viện Brookings. Nhắc đến ông là người ta nhớ tới tác giả của những cuốn sách như: Nước: Chiến trường mới của châu Á; Châu Á chết chóc; Nước- Hòa bình và Chiến tranh; và Đối mặt cuộc khủng hoảng nước toàn cầu...

“Căng thẳng về nguồn nước ngọt sẽ trở thành cuộc khủng hoảng của châu Á trong thế kỷ 21, gây ra những trở ngại cho sự tăng trưởng kinh tế và xung đột giữa các quốc gia có chung nguồn tài nguyên nước. Vấn đề này cũng sẽ làm trầm trọng thêm các tranh chấp lãnh thổ trong quá khứ chưa được giải quyết và gây ra thêm những khó khăn mới cho người nghèo”, ông Chellaney chia sẻ với tờ The Strategist.

Nguyên nhân do châu Á là khu vực có nhiều sông hồ lớn nhưng với tỷ lệ dân số đông đúc nhất thế giới cùng với các hoạt động kinh tế và nông nghiệp vẫn đang tiếp tục bùng nổ khiến cho nguồn nước tại lục địa này càng trở nên khan hiếm, tính theo bình quân đầu người.

Hiện ở nhiều quốc gia châu Á, vấn đề tranh chấp nguồn nước đã vượt qua phạm vi lãnh thổ do các nước đều cùng sở hữu trong khi loại tài nguyên này ngày càng khan hiếm sẽ khiến căng thẳng ngày một tăng lên. Theo ông Chellaney, xung đột tiềm ẩn sẽ vẫn chủ yếu xoay quanh vị thế vô song toàn cầu của Trung Quốc khi nước này có nhiều sông ngòi ở vị trí đầu nguồn chảy xuyên biên giới đến nhiều quốc gia nhất, từ Ấn Độ và Việt Nam đến Nga và Kazakhstan…

Trong cuốn sách nổi tiếng “Nước: Chiến trường mới của châu Á”, tác giả Bramah Chellaney đã một lần nữa khẳng định vị trí quan trọng của vấn đề nguồn nước ở châu Á khi nó liên quan mật thiết đến hòa bình và an ninh. Không chỉ phác thảo khái quát bản đồ hiện trạng nguồn nước trên khắp châu Á, vị chuyên gia này còn nêu bật ý nghĩa an ninh của các tranh chấp lãnh thổ liên quan đến tài nguyên nước cũng như đề xuất các chiến lược để tránh xung đột và chia sẻ công bằng hơn nguồn tài nguyên nước ở châu lục này.

Khủng hoảng nước ngày một căng thẳng

Nông dân Campuchia cấy lúa. Ảnh: ASPI

Nông dân Campuchia cấy lúa. Ảnh: ASPI

Cuộc khủng hoảng nước ở châu Á đang tiếp tục xấu đi khi hiện nơi đây trở thành lục địa khô hạn nhất thế giới. Trong nhiều năm vừa qua, châu Á liên tục phải đối mặt với những đợt hạn hán nghiêm trọng làm tê liệt nhiều vùng rộng lớn, kéo dài từ miền Nam Việt Nam đến miền Trung Ấn Độ.

Vấn đề này đã tiếp tục làm trầm trọng thêm các căng thẳng chính trị, chủ yếu liên quan đến chính sách xây dựng hồ đập của Trung Quốc tác động đến môi trường và dòng chảy đến hàng chục quốc gia ở phía hạ lưu. Đặc biệt là vấn đề đập thủy điện Trung Quốc đã trở thành tâm điểm chỉ trích của cộng đồng quốc tế khi được cho xây dựng lên để giữ nước phục vụ cho mục đích của quốc gia này, gây ra thiếu nước ở hạ nguồn.

Theo ông Chellaney, vấn đề hạn hán hiện nay ở Đông Nam Á và Nam Á đã bước vào giai đoạn tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Một trong số các khu vực phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam (một vựa lúa của châu Á), 27 tỉnh ở miền trung Thái Lan, cùng với nhiều khu vực ở Campuchia, Myanmar và Ấn Độ. Điều đáng báo động là khu vực này hiện là nơi sinh sống của hơn một phần tư dân số ở các quốc gia kể trên.

Ước tính, thiệt hại liên quan đến hạn hán ở một số quốc gia sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới bao gồm Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ sẽ tiếp tục đe dọa gây ra những méo mó cho thị trường lương thực thế giới. Thiệt hại do hạn hán gây ra cho hoạt động sản xuất lúa gạo là đặc biệt quan trọng ở Thái Lan và Việt Nam, hai quốc gia chiếm một nửa tổng nguồn cung xuất khẩu gạo toàn cầu và gần ba phần tư tăng trưởng xuất khẩu ​​trong vòng 10 năm vừa qua. Thống kê đã có khoảng 230.000 ha đất trồng lúa đã bị bỏ hoang hóa ở đồng bằng sông Cửu Long do thiếu nước tưới và xâm nhập mặn từ Biển Đông.

Hạn hán có thể không đánh sập đổ ngay lập tức các tòa nhà giống như bão lũ, nhưng loại hình thiên tai này lại gây ra những tổn thất và chi phí không hề nhỏ cho xã hội. Bằng chứng là trong những năm vừa qua, đã có hàng triệu người dân châu Á bị mất sinh kế hoặc di dời chỗ ở do đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.

Ngoài ra khô hạn ở châu Á cũng gây ra những thách thức cho môi trường, như suy thoái hệ sinh thái, cạn kiệt nguồn nước ngầm, ô nhiễm nguồn nước, El Niño và ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu đang khiến cho hạn hán ngày càng trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn.

Thậm chí theo các nghiên cứu, ngay cả khi không xảy ra hạn hán thì châu Á cũng sẽ phải đối mặt với những căng thẳng về nguồn nước khá gay gắt khi lượng nước ngọt có sẵn bình quân đầu người hàng năm ở khu vực này chỉ là 2.816 mét khối, thấp hơn mức trung bình toàn cầu là 6.079 mét khối.

Thách thức ngày một gia tăng khi xu thế thay đổi nhu cầu và chế độ ăn uống của người dân châu Á, đặc biệt là lượng tiêu thụ thịt cao hơn trong khi việc sản xuất, chăn nuôi công nghiệp mật độ cao vốn nổi tiếng là tiêu tốn nhiều nước.

Kết quả nghiên cứu khác cho thấy, châu Á chiếm tới 72% tổng diện tích đất canh tác phải tưới tiêu của thế giới, hiện đang ở trong một tình thế tiến thoái lưỡng nan khác là bài toán an ninh lương thực để đáp ứng nhu cầu gia tăng dân số. Chính vì vậy đã đến lúc phải thay đổi cách tiếp cận vấn đề theo hướng hợp tác dựa trên các thỏa thuận chia sẻ nguồn nước, dữ liệu thủy văn và các cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia.

Một đoạn sông Mekong ở hạ nguồn giữa biên giới Thái Lan và Lào cạn trơ đáy trong mùa khô năm 2019. Ảnh: International River

Một đoạn sông Mekong ở hạ nguồn giữa biên giới Thái Lan và Lào cạn trơ đáy trong mùa khô năm 2019. Ảnh: International River

Một báo cáo gần đây của MIT cho biết, căng thẳng về nước ở châu Á sẽ có thể trở nên khan hiếm vào năm 2050 khiến cho việc tranh chấp nguồn nước giữa các quốc gia hoặc thậm chí là giữa các địa phương trong cùng một nước ngày càng thường xuyên do sự phát triển nhanh chóng của các dự án đập thủy điện, ảnh hưởng đến dòng chảy ở hạ lưu. Và vấn đề tranh chấp, xung đột nguồn nước trên sông Mekong thời gian qua là một ví dụ khi theo nghiên cứu của Liên Hợp quốc cho thấy, lưu lượng dòng chảy từ thượng nguồn Trung Quốc xuống các nước ở hạ lưu gần đây đã ở  “mức thấp nhất trong vòng gần100 năm”.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.