| Hotline: 0983.970.780

Cuộc sống 'lên hương' nhờ nuôi lợn Hương, Táp Ná

Thứ Tư 06/07/2022 , 09:51 (GMT+7)

Tỉnh Cao Bằng hỗ trợ người dân duy trì, mở rộng chăn nuôi các giống lợn bản địa đặc sản là Táp Ná, lợn Hương giúp đời sống bà con ngày một lên hương.

Lợn đen Táp Ná phàm ăn và chống chịu bệnh tật rất tốt. Ảnh: Công Hải.

Lợn đen Táp Ná phàm ăn và chống chịu bệnh tật rất tốt. Ảnh: Công Hải.

Thu nhập 30 - 60 triệu đồng/năm từ nuôi lợn Táp Ná

Lợn Táp Ná có nhiều điểm đặc trưng như lông và da đều đen, ngoại trừ 6 điểm trắng ở giữa trán, 4 cẳng chân và chóp đuôi. Đầu to vừa phải, tai hơi rủ cúp xuống, bụng to nhưng không bị sệ và võng xuống. Chân to, cao, chắc khỏe, lưng tương đối thẳng, mặt thẳng và không bị nhăn nheo.

Giống lợn này có tầm vóc nhỏ, khối lượng thấp và tốc độ lớn chậm, thường phải nuôi gần một năm mới có thể giết thịt, nhưng thịt heo có mùi vị rất thơm ngon.

Lợn Táp Ná nuôi thả rông, chọn lọc tự nhiên nên hầu như không mất công chăm sóc, phàm ăn, chống chịu bệnh tật rất tốt. Tỷ lệ mắc bệnh chết của heo nái và đực giống, heo con từ sơ sinh đến cai sữa cũng như heo trong giai đoạn nuôi vỗ béo chỉ 3 - 4%.

Tuy nhiên, do từ xưa đến nay người chăn nuôi theo tập quán thả rông là chủ yếu, thức ăn cho lợn chưa đảm bảo đủ dinh dưỡng. Vì vậy, trải qua nhiều thế hệ, lợn Táp Ná ở Cao Bằng có xu hướng bị thoái hóa giống (do giao phối cận huyết) và giảm năng suất. 

Lợn Táp Ná là một giống lợn bản địa của huyện Thông Nông cũ, nay là huyện Hà Quảng (Cao Bằng). Lợn Táp Ná có chất lượng thịt thơm ngon so với nhiều loại lợn khác, mang lại giá trị kinh tế cao nhiều hộ chăn nuôi. Lợn Táp Ná được nuôi nhiều nhất tại xã Thanh Long và nuôi rải rác tại một số xã lân cận của huyện Hà Quảng.

Lợn đen Táp Ná ở Cao Bằng hiện nay bị thoái hóa, lai tạp. Ảnh: Công Hải.

Lợn đen Táp Ná ở Cao Bằng hiện nay bị thoái hóa, lai tạp. Ảnh: Công Hải.

Riêng xã Thanh Long có 680 hộ dân, đa số các hộ nuôi lợn trong xã đều có nuôi giống lợn Táp Ná bản địa. Tổng đàn lợn của xã hiện nay có khoảng hơn 3.000 con, trong đó trên 70% là lợn Táp Ná. Tập trung nhiều ở các xóm: Táp Ná, Thanh Sơn, Gằng Thượng, Tẩn Phung, Thanh Chung, Lũng Lạn… Từ nuôi lợn Táp Ná, nhiều hộ dân cho thu nhập trung bình từ 30 - 60 triệu đồng/năm.

Những năm gần đây, ngoài các hộ kinh doanh tự phát, nhiều nhóm sở thích chăn nuôi lợn Táp Ná tại xã Thanh Long đã hình thành và được hỗ trợ kinh phí, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi của Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh.

Toàn xã có 16 nhóm sở thích nuôi lợn Táp Ná, mỗi nhóm có trung bình từ 10 - 12 thành viên. Mỗi nhóm sẽ được Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh hỗ trợ 70 - 80 triệu đồng để cho các thành viên xoay vòng vay vốn để đầu tư con giống.

Bà Đặng Mùi Mụi, xóm Táp Ná, xã Thanh Long, huyện Hà Quảng nhiều năm qua chỉ chuyên nuôi giống lợn đen Táp Ná. Trong chuồng gia đình bà Mụi luôn duy trì 2 - 3 con lợn nái Táp Ná, đàn lợn thịt duy trì 15 - 20 con/lứa.

Bà Mụi tâm sự: So với lợn trắng, lợn Táp Ná phát triển chậm hơn nhiều nhưng dễ nuôi, phù hợp với điều kiện khắc nghiệt ở vùng cao, có thể nhốt trong chuồng hoặc thả rông xung quanh vườn nhà. Thức ăn chủ yếu để chăn là rau, cỏ rừng, chuối, bã rượu. Có thể nấu thêm ngô để cho ăn từ 1 - 2 bữa/ngày. Mỗi năm, gia đình tôi thu nhập 60 - 80 triệu đồng từ nuôi lợn Táp Ná.

Bà Đặng Mùi Mụi, xóm Táp Ná, xã Thanh Long, huyện Hà Quảng duy trì nuôi khoảng 20 con lợn Táp Ná/lứa. Ảnh: Công Hải.

Bà Đặng Mùi Mụi, xóm Táp Ná, xã Thanh Long, huyện Hà Quảng duy trì nuôi khoảng 20 con lợn Táp Ná/lứa. Ảnh: Công Hải.

Ông Lê Thao Giang, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hà Quảng thông tin: Lợn đen bản địa, trong đó có lợn đen Táp Ná là giống lợn có sức đề kháng tốt, không kén thức ăn, dễ nuôi, dễ thích nghi với nhiều điều kiện sống. Với truyền thống phát triển chăn nuôi lợn đen có từ lâu đời, người dân địa phương đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý trong chọn giống, nuôi dưỡng, chăm sóc phát triển đàn lợn.

Nhiều năm qua, huyện Hà Quảng đã phối hợp với nhiều cơ quan, ban ngành lựa chọn, hỗ trợ người dân nhân giống lợn đen bản địa phát triển chăn nuôi quy mô lớn, bảo đảm lợn đen trở thành hàng hóa chủ lực đặc sản của địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập và từng bước giảm nghèo, tiến tới làm giàu.

Lợn Hương là giống lợn đặc sản, có hương vị thịt thơm ngon hàng đầu ở Cao Bằng. Ảnh: Công Hải.

Lợn Hương là giống lợn đặc sản, có hương vị thịt thơm ngon hàng đầu ở Cao Bằng. Ảnh: Công Hải.

Hỗ trợ nhân rộng giống lợn quý thịt mỡ ăn không ngấy

Cùng với lợn đen Táp Ná, lợn Hương cũng là giống lợn đặc sản quý hiếm ở Cao Bằng. Tuy nhiên, số lượng người nuôi ngày càng ít, nguồn cung cấp con giống cũng khan hiếm nên giống lợn này đang bị mai một dần so với các giống lợn đen đặc sản bản địa ở Cao Bằng.

Bà Đặng Hằng, tổ 5, phường Hòa Chung chia sẻ: Năm 2020, bà được Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp Cao Bằng hỗ trợ 3 con lợn Hương nái. Trong quá trình chăn nuôi, gia đình bà cũng đã được cán bộ của Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp Cao Bằng trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật về kỹ thuật phối giống, phối trộn các loại thức ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng cho lợn nái và nuôi con theo từng giai đoạn.

So với lợn trắng, bà Hằng cho biết, giống lợn Hương chăm sóc khó hơn, tỷ lệ đẻ con, trọng lượng cũng không bằng. Song, giá trị trên thị trường lại cao hơn nhiều do chất lượng thịt thơm ngon, đặc biệt ăn thịt mỡ không ngấy.

Lợn Hương, lợn đen Táp Ná là hai giống lợn bản địa đặc sản, được Bộ NN-PTNT công nhận là giống lợn địa phương của tỉnh Cao Bằng. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi các giống lợn bản địa đặc sản này vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là con giống hiện nay bị lai tạp, không có cơ sở cung cấp con giống chuẩn.

Nhằm lưu giữ nguồn gen quý của lợn Hương, lợn Táp Ná, những năm qua đã có nhiều đề tài, dự án để bảo tồn và phát triển nguồn gen hai giống lợn này ở Cao Bằng.

Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp Cao Bằng đã triển khai thực hiện mô hình “Chăn nuôi lợn sinh sản giống lợn Hương, lợn Táp Ná” thuộc Dự án "Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn Hương, lợn Táp Ná để nâng cao sinh kế cho đồng bào dân tộc miền Núi". Mô hình được triển khai thực hiện từ năm 2020 - 2022.

Tham gia dự án, người dân, hợp tác xã được hỗ trợ 70% con giống, vật tư. Hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, thức ăn cho lợn nái có chửa, lợn thịt từ 46 ngày tuổi đến xuất chuồng, hỗ trợ vacxin, hóa chất sát trùng…

Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp Cao Bằng bàn giao lợn Hương, Táp Ná cho người dân. Ảnh: Công Hải.

Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp Cao Bằng bàn giao lợn Hương, Táp Ná cho người dân. Ảnh: Công Hải.

Ông Đàm Đức Phúc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp Cao Bằng cho biết: Dự án "Xây dựng mô hình chăn nuôi Lợn Hương, Lợn Táp Ná để nâng cao sinh kế cho đồng bào dân tộc miền Núi" giai đoạn 2020 - 2022 với mục tiêu xây dựng mô hình chăn nuôi lợn sinh sản và lợn thịt giống lợn Hương, Táp Ná để nâng cao sinh kế cho đồng bào dân tộc miền núi. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi giống lợn bản địa đặc sản của Cao Bằng, bảo tồn, duy trì, phát triển nguồn gen quý lợn bản địa.

Việc nhân rộng và phát triển mô hình lợn bản địa đặc sản đã làm thay đổi nhận thức của người dân về việc chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học để nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập. Đồng thời cũng là cơ sở để tiến tới xây dựng thương hiệu lợn Hương, lợn Táp Ná Cao Bằng, trở thành hàng hóa chủ lực đặc sản của địa phương.

Cứ dịp sát Tết Nguyên đán, cùng với các đặc sản khác các loại lợn đen bản địa như lợn Hương, Táp Ná của Cao Bằng rất đắt hàng do được khách hàng ở các tỉnh, thành phố trong cả nước đặt mua nhiều để ăn tết, biếu bạn bè, người thân.

Hỗ trợ 200 lợn Táp Ná, 300 lợn Hương giống

Ông Đàm Đức Phúc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp Cao Bằng cho biết, đến nay, Dự án "Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn Hương, lợn Táp Ná để nâng cao sinh kế cho đồng bào dân tộc miền Núi đã hỗ trợ hơn 200 con lợn Táp Ná, gần 300 con lợn Hương cho huyện Hà Quảng, huyện Hòa An và thành phố Cao Bằng. Đàn lợn Hương, Táp Ná hiện sinh sản tốt, số con cai sữa/nái/năm là 12 con. Đàn lợn sinh sản năm 2020 đang đẻ lứa thứ 4, đàn lợn sinh sản năm 2021 đang đẻ lứa thứ nhất.

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.