Họ trở về với nụ cười rạng rỡ hứa hẹn một cái Tết ấm no, đủ đầy.
“Kỹ nghệ” săn moi
Tháng 12, mùa moi biển lại về, ngư dân vùng ven biển Thanh Hóa như vợ chồng anh Lê Duy Công, xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương lại tất bật vào vụ.
Chiếc bè mảng ra khơi khi trời vừa ló rạng. |
Sau nhiều lần hẹn, cuối cùng tôi cũng sắp xếp được một chuyến ra khơi cùng anh Công. Biển Tiên Trang những ngày cuối năm bình yên đến lạ, nắng hanh nhẹ pha chút gió đông. Hành trình săn moi của ngư dân vùng biển này thường bắt đầu khi mặt trời vừa ló rạng và kết thúc khi hoàng hôn buông xuống.
Nhổ neo, quay máy dầu giúp chồng, vợ anh Công đẩy chiếc bè hướng ra biển thuần thục, nhanh lẹ như một người đàn ông lực điền. Công việc này đối với phụ nữ vùng biển chẳng có gì lạ, tựa hồ như phụ nữ vùng trung du bao đời nay quen với tay cuốc, tay cày. Chiếc bè mảng nổ xình xịch, nhả khói đen kịt rồi lướt nhẹ trên sóng tiến về phía mặt trời mọc.
Người vợ đứng trên bờ dõi theo chiếc bè mang theo niềm hi vọng. Những con sóng vỗ mạnh vào thân bè tung bọt trắng xóa. Vị mặn mòi của biển, mùi tanh của moi còn sót lại từ những chuyến “săn” trước sục vào mũi của tôi, một người vốn chẳng quen với hương vị ấy.
Sau 30 phút chạy liên tục, cuối cùng chiếc bè cũng đưa chúng tôi ra đến “ngư trường”. Vừa bước ra khỏi khoang, trong hừng đông, tôi ngỡ ngàng bởi trước mắt là hàng trăm chiếc bè đang “dàn trận săn moi”, hối hả, nhộn nhịp.
“Sao, không quen vị biển à? “Săn” moi chỉ đi độ ba hải lý chứ nếu vươn khơi hàng chục hải lý chắc cậu không chịu nổi sóng. Hôm nay có vẻ nhiều moi đấy, chuẩn bị “sung ống” tác nghiệp đi nhé!", anh Công nói lớn rồi phát tiếng cười hào sảng của một ngư dân can trường trước sóng nước.
“Thuyền trưởng” Công hướng thẳng phía mặt trời mọc. |
Không giống như những chiếc tàu khai thác cá ngoài khơi xa, những chiếc bè mảng đi đánh moi chỉ được trang bị ngư lưới cụ thô sơ. Thả chiếc túi lưới nhỏ xuống biển, anh Công nói: “Mình không có máy dò hiện đại nên phải thả cái túi này xuống, chạy một đoạn để dò moi. Sau khi kéo cái túi lên, nếu có moi trong đó thì thả túi lưới”.
Sau gần 5 phút dò tìm anh Công quyết định thả túi lưới để “săn moi”. Để đánh bắt moi, ngư dân thường sử dụng một túi lưới dày, dài, rộng, thả xuống đáy rồi nổ máy chạy liên tục khoảng 3 tiếng đồng hồ. Khi chiếc phao trên mặt nước bắt đầu chìm xuống dưới là lúc moi vào túi lưới. Khi phao chìm hẳn, tùy kinh nghiệm của từng ngư dân, họ sẽ kéo lên đúng lúc túi lưới đầy moi nhưng không dính đáy.
Anh Công cho biết, “săn” moi thường diễn ra vào thời điểm từ tháng 10 hàng năm đến tháng 2 năm sau. Là nghề thời vụ nhưng “săn” moi cũng có nhiều thú vị, có cả đắng cay, niềm vui lẫn nỗi buồn. Tranh thủ lúc bè chạy kéo túi lưới, anh Công kể về tình yêu của mình đối với biển: “Những ngư dân nhiều vốn liếng thì họ đóng tàu thuyền công suất lớn vươn khơi còn chúng tôi không có điều kiện nên chỉ dùng bè mảng để mưu sinh.
Thực tế, việc “săn” moi chỉ làm theo thời vụ, không có thu nhập quanh năm nhưng làm nghề nào yêu nghề đó. Tự bao đời nay, chiếc thuyền mảng đã gắn với tuổi thơ, gắn với cuộc sống thường ngày, hình ảnh những chiếc thuyền mảng như ăn sâu vào máu thịt chúng tôi rồi”.
Tranh thủ rít một hơi thuốc dài, anh Công tâm sự tiếp: “Vất vả là thế nhưng nếu chỉ một ngày không nhìn thấy biển, không vươn khơi là ngứa ngáy khó chịu trong người. Tình yêu đối với biển cũng chẳng khác gì người dân vùng thượng yêu cây đa, bến nước, sân đình quen thuộc.
Việc thả lưới trên những chiếc bè mảng chủ yếu thủ công. |
Và, nếu không yêu biển, yêu nghề thì chẳng mấy chốc mà bỏ. Dù có ngày kiếm tiền triệu nhưng cũng có ngày trở về tay không lại lắm rủi ro. Có người đã từng bỏ nghề vì vất vả nhưng chỉ được ít lâu lại “nhớ nghề... ”.
Tình người giữa mênh mông sóng nước
Anh Công kể, những ngày gió mùa, moi biển sinh sống cách xa bờ, nhưng đến khi lặng gió, nồm trời, thì moi biển vào sát vào bờ sinh sống cách đất liền chừng 2-3 hải lý. “Ngư trường” gần bờ nên mỗi chuyến “săn” moi thường chỉ kéo dài chỉ từ 2 - 3 tiếng đồng hồ. Mỗi ngày, những chiếc bè mảng đi đánh moi có thể đi từ 3- 4 chuyến.
Nếu gặp, bè mảng có thể đánh được khoảng 3- 4 tạ moi tươi/ngày. Moi sau khi đánh bắt về sẽ được thương lái thu mua tại bờ với giá từ 9 - 10.000 đồng/kg. Các tư thương sau khi thu mua moi sẽ phơi khô tại chỗ rồi xuất ra các thị trường trong và ngoài huyện.
Chỉ tính riêng xã Tiên Trang đã có tới gần 100 chiếc bè mảng quanh năm hoạt động nghề đánh bắt. Không chỉ riêng Tiên Trang, ngày cuối năm, những chiếc bè mảng của ngư dân vùng biển các huyện Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Tĩnh Gia cũng hối hả vào vụ moi biển. Vào mùa moi biển, trung bình mỗi hộ dân thu nhập nhờ nghề đánh moi dao động từ 2 -3 triệu đồng.
Thành quả sau gần 3 giờ “săn” moi. |
Trời về trưa, cái nắng giữa biển khơi bắt đầu vàng rực cũng là lúc tôi và anh Công dần thấm mệt. Tắt chiếc máy nổ, anh Công sửa soạn cho một bữa cơm tạm trên khoang bè. Trên chiếc bè mảng lênh đênh giữa biển khơi chỉ có 2 con người, nhỏ bé giữa bao la vũ trụ. Giữa cơn đói, tôi và anh Công “chén” ngon lành 1 nồi cơm cùng đĩa cá kho thơm nức.
Nhìn về phía chiếc phao phía xa đã dần chìm, anh Công quyết định thu lưới. Một tay quay máy, tay ghì phao, anh Công thoăn thoắt kéo mẻ moi tươi lên chiếc bè mảng: “Chắc cũng được cả tạ moi đấy. Như này là thành công, mỗi ngày chỉ cần làm được 2-3 chuyến là ổn rồi!”, anh Công phấn chấn.
Chiếc bè lại nổ máy xình xịch, nhả khói đen hướng về phía đất liền. Khi chiếc bè vừa chạy được non nửa hải lý, “thuyền trưởng” Công mắt hướng về phía xa rồi giảm ga, gọi lớn: “Lại sạt đáy rồi à?”.
Đó là chiếc bè của ông Thủy, người hàng xóm của anh Công. Sáng nay, ông Thủy cũng ra khơi “săn” moi. Chiếc túi lưới kéo được nhiều moi, chìm tận đáy biển, mắc đầy sình lầy, động cơ của chiếc máy trên bè không thể kéo nổi. Anh Công điều khiển chiếc bè của mình tiếp cận chiếc bè ông Thủy rồi dùng một đoạn dây thừng dài kéo lưới lên. Những sự cố như thế này xẩy ra như cơm bữa, những lúc như vậy các bè bạn lại hỗ trợ lẫn nhau để thu lưới.
“Có những hôm đang chạy, máy hỏng, lưới rách lại phải nhờ bè bạn ứng cứu. Giữa biển khơi mênh mông sóng nước, nếu tàu máy bị hỏng cũng chẳng khác gì chạy xe máy ở những cung đường miền núi hết xăng. Ngư dân luôn lấy sự đoàn kết là trên hết, anh em quý mến nhau, thương nhau còn hơn cả ruột thịt, có thế mới sống được với nghề”, anh Công tâm sự.
“Săn” moi theo thời vụ có thể cho mỗi gia đình ngư dân thu nhập 2-3 triệu đồng/ngày. |
Sau 20 phút giải nguy cho đồng đội, chiếc bè của chúng tôi thẳng lái trở về đất liền với đầy ắp moi tươi. Ở đó có những người mẹ, người vợ chờ con, chờ chồng sau mỗi chuyến ra khơi. Bến cá Tiên Trang ngày cuối năm nhộn nhịp, xôn xao. Những chiếc bè cập bến sau hành trình vất vả, ngư dân vội vã đưa moi tươi vào bờ, xa xa các thương lái tay cân, tay đếm rộn rã những tiếng hò reo.