"Với việc giành được đa số phiếu bầu trong cuộc bầu cử hôm 5/7, ông Pezeshkian đã trở thành tân Tổng thống của Iran", Bộ Nội vụ Iran tuyên bố.
Với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là khoảng 50%, ông Pezeshkian, người có quan điểm ôn hòa duy nhất trong trong 4 ứng cử viên, đã giành chiến thắng sít sao trước cựu Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Saeed Jalili, người ủng hộ nhiệt thành việc tăng cường quan hệ với Nga và Trung Quốc.
Cuộc bầu cử vòng hai hôm 5/7 diễn ra sau cuộc bỏ phiếu vòng đầu ngày 28/6 với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp kỷ lục. Hơn 60% cử tri Iran bỏ phiếu trắng trong cuộc bầu cử để tìm người kế nhiệm cố Tổng thống Ebrahim Raisi, sau khi ông qua đời trong một vụ tai nạn trực thăng.
Các video trên mạng xã hội cho thấy những người ủng hộ ông Pezeshkian đã đổ ra đường để ăn mừng trên khắp đất nước, trong những người lái xe bấm còi để thể hiện sự ủng hộ ông. Ở thành phố Urmia, quê nhà của ông Pezeshkian, người dân đang phát kẹo cho những người ăn mừng trên đường phố.
Mặc dù cuộc bầu cử Tổng thống được cho là sẽ có ít tác động đến các chính sách của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, song Tổng thống sẽ người có vai trò quan trọng trong việc lựa chọn người kế nhiệm Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, 85 tuổi, người quyết định mọi vấn đề quan trọng của đất nước.
Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đã giảm mạnh trong 4 năm qua, điều mà các nhà phê bình nhận định rằng sự ủng hộ đối với chế độ hiện nay của Iran đã giảm sút do những bức xúc ngày càng tăng của người dân về vấn đề khó khăn kinh tế và hạn chế các quyền tự do chính trị và xã hội.
Chỉ có 48% cử tri tham gia cuộc bầu cử năm 2021 đưa ông Raisi lên nắm quyền và tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 41% trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 3/2024.
Cuộc bầu cử Tổng thống Iran diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Trung Đông do cuộc chiến giữa Israel với các đồng minh Iran, Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Lebanon, cũng như các lệnh trừng phạt ngày một nhiều của phương Tây đối với Iran về chương trình làm giàu uranium của nước này.
Tân Tổng thống Iran được cho là sẽ không đưa ra bất kỳ thay đổi chính sách lớn nào về chương trình hạt nhân hay thay đổi chính sách hỗ trợ cho các nhóm vũ trang trên khắp Trung Đông, nhưng ông có quyền điều hành chính phủ hàng ngày và có thể ảnh hưởng đến chính sách đối nội và đối ngoại của Iran.
Giới phân tích cho rằng chiến thắng của ông Pezeshkian có thể thúc đẩy một chính sách đối ngoại thực dụng, giảm bớt căng thẳng trong các cuộc đàm phán hiện vốn đang bế tắc với các cường quốc nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Tuy nhiên, nhiều cử tri hoài nghi về khả năng ông Pezeshkian thực hiện lời hứa khi tranh cử, khi cựu Bộ trưởng Y tế đã công khai tuyên bố rằng ông không có ý định đối đầu với giới cầm quyền của Iran.
"Tôi đã không bỏ phiếu vòng đầu tiên nhưng hôm nay tôi đã bỏ phiếu cho ông Pezeshkian. Tôi biết ông Pezeshkian sẽ là một tổng thống yếu kém nhưng ông ấy vẫn là một lựa chọn tốt hơn một ứng viên có đường lối cứng rắn", Afarin, 37 tuổi, một cử tri ở thành phố Isfahan, cho biết.
Cả hai ứng cử viên đều tuyên bố sẽ hồi sinh nền kinh tế đang suy thoái của Iran, vốn do sự quản lý yếu kém, tham nhũng chính phủ và các lệnh trừng phạt được áp đặt trở lại kể từ năm 2018 sau khi Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.