| Hotline: 0983.970.780

Cứu hộ cặp gấu ngựa tại Bình Dương

Thứ Sáu 28/07/2023 , 18:00 (GMT+7)

Cặp gấu ngựa, một đực, một cái tại Bình Dương vừa được Tổ chức Động vật Châu Á tiếp nhận và cứu hộ thành công sáng 28/7.

Bác sĩ thú y khám sức khỏe cho cá thể gấu ngựa được cứu hộ tại Bình Dương. Ảnh: AAF.

Bác sĩ thú y khám sức khỏe cho cá thể gấu ngựa được cứu hộ tại Bình Dương. Ảnh: AAF.

Hai cá thể gấu, một đực, một cái này được chủ nuôi tự nguyện chuyển giao với nguyện vọng đưa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam và không yêu cầu một khoản bồi thường nào.

Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm Bình Dương, hai gấu ngựa đã được hộ gia đình trên nuôi khoảng 15 - 20 năm, có gắn chip đăng ký trong một căn bếp mái tôn, chuồng tách nhau bằng 1 bức tường.

Hai cá thể gấu được đặt tên là Bonnie and Clyde, lấy ý tưởng từ một bộ phim hình sự công chiếu năm 1967 và đoạt được 2 giải Oscar danh giá. Bonnie là gấu ngựa cái, nặng khoảng 150kg, còn Clyde là gấu ngựa đực gầy hơn, nặng khoảng 120kg.

Một trong 2 con gấu ngựa được chủ nuôi bàn giao tại thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ảnh: AAF.

Một trong 2 con gấu ngựa được chủ nuôi bàn giao tại thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ảnh: AAF.

Để cứu hộ được 2 gấu, các bác sỹ thú y bắt buộc phải gây mê và khám sức khỏe lâm sàng cho gấu tại nơi cứu hộ. Trước khi gây mê, chủ nuôi được gửi hướng dẫn không cho gấu ăn trong 24 giờ để đáp ứng với thuốc gây mê.

Các chuyên gia dùng những đồ ăn mà gấu yêu thích như mật ong, sữa đặc, mứt, quả khô để dụ gấu, nhằm giúp gấu bình tĩnh và giảm bớt căng thẳng. Trong lúc này, bác sỹ thú y sẽ tính toán cân nặng và tình trạng sức khỏe của gấu để tính lượng thuốc mê phù hợp.

Chia sẻ về tình trạng sức khỏe của gấu, Bác sỹ thú y cao cấp Shaun Thomson của Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam cho biết: “Gấu Bonnie rất hiền lành và ngoan ngoãn nhưng có nhiều vấn đề về sức khỏe, gấu có dấu hiệu bất thường ở túi mật, nhiều khả năng vẫn phải cắt túi mật, chân phải sau của gấu Bonnie bị cụt, còn bàn chân trái sau bị tổn thương, răng rất bẩn.

Còn Clyde bị vỡ một răng nanh, vì trẻ hơn Bonnie nên tình trạng sức khỏe tốt hơn. Bàn chân, túi mật ít bị tổn thương. Có lẽ do Clyde nằm nền xi măng nhiều nên bụng và ngực gấu bị trụi lông. Hy vọng khi về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, lông gấu sẽ mọc trở lại”.

Sau khi Chi cục Kiểm lâm Bình Dương hoàn thiện thủ tục vận chuyển đặc biệt cho gấu. Hai gấu cùng đoàn cứu hộ sẽ bắt đầu chuyến hành trình hơn 1.700km đường bộ và dự kiến về đến Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam trong ngày 1/8.

2 cá thể gấu ngựa được cứu hộ tại tỉnh Bình Dương sẽ trải qua hành trình 1.700 km để về Trung tâm cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: AAF.

2 cá thể gấu ngựa được cứu hộ tại tỉnh Bình Dương sẽ trải qua hành trình 1.700 km để về Trung tâm cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: AAF.

TS Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam chia sẻ: Nhờ sự vận động và tuyên truyền hiệu quả, Tổ chức Động vật Châu Á và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương đã vận động cứu hộ được 48 cá thể gấu từ trước tới nay. Đây là chuyến cứu hộ thứ 5 trong năm 2023 của Tổ chức Động vật Châu Á, đưa tổng số gấu cứu hộ được lên con số 264.

Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm Bình Dương, toàn tỉnh hiện còn 27 cá thể gấu nuôi nhốt và các cơ quan chức năng vẫn triển khai vận động, kiểm tra định kỳ thường xuyên tới các cơ sở nuôi gấu.

Tổ chức Động vật Châu Á được thành lập bởi TS. Jill Robinson MBE từ năm 1998, bắt đầu cứu hộ gấu tại Việt Nam từ năm 2006. Tới nay, Tổ chức đã cứu hộ và chăm sóc 264 cá thể gấu ngựa và gấu chó tại Việt Nam.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm