| Hotline: 0983.970.780

Đã có kết luận cuối cùng về nguyên nhân ngao chết trắng bãi ở Thanh Hóa

Thứ Hai 15/04/2019 , 11:11 (GMT+7)

Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I vừa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân ngao chết tại Thanh Hóa.

Ngày 2/4/2019, Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc đến vùng có ngao nuôi chết thuộc xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Tại đây đoàn công tác đã khảo sát và thu 9 mẫu mẫu nước, 9 mẫu đất và 21 mẫu ngao.

Kiểm tra mật độ ngao nuôi ở những bãi ngao đã được các bãi nuôi thu dọn xác ngao 2 lần cho thấy, ngao giống cỡ 1000 – 2000 con/kg là 2.500 – 3.575 con/m2, ngao thương phẩm cỡ 200 con/kg là 1.250 con/m2. Riêng bãi ngao giống chưa dọn xác ngao có mật độ 5.250con/m2. Trong khi đó, mật độ thả giống phù hợp là 500 con/m2 với cỡ 400-500 con/kg hoặc 400-450con/m2 với cỡ 300-400con/kg và 250-300con/m2 với cỡ 300con/kg.

 
Mật độ nuôi quá dày

Chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn (từ ngày 15/3-2/4/2019 từ 6 – 11oC)  kết hợp với thời gian phơi bãi vào ban đêm và kéo dài 8h/ngày đã làm ngao nuôi bị sốc nhiệt, yếu và giảm sức đề kháng

Kết quả đo và phân tích các chỉ tiêu nhiệt độ, PH, độ mặn, độ kiềm, N-NH4+, NH3, N-NO2-, P-PO43-, H2S và COD trong 9 mẫu nước thu tại vùng nuôi ngao xã Hải Lộc huyện Hậu Lộc cho thấy, hàm lượng H2S trong mẫu nước thu tại bãi nuôi hộ ông Nguyễn Văn An và Nguyễn Văn Tự cao hơn ngưỡng từ 1,3 – 3 lần,  giá trị H2S đạt cao do mẫu thu tại bãi ngao chưa thu dọn xác ngao do sự phân hủy của thịt ngao chết. Trong khi đó, giá trị H2S ở bãi ngao của các hộ còn lại có giá trị nằm trong giới hạn cho phép do xác ngao chết đã được thu dọn 2 lần. Tất cả các chỉ tiêu còn lại đều nằm trong giới hạn cho phép đối với môi trường nuôi thủy sản nước mặn lợ và Quy chuẩn Việt Nam QCVN 10-MT: 2015/BTNMT.

Kết quả phân tích tảo độc hại trong các mẫu thu đã không ghi nhận sự có mặt của các loài  tảo độc hại.

Mật độ phù du trong 9 mẫu thu được rất thấp, dao động từ 73 – 325 tb/l, thể hiện môi trường nghèo dinh dưỡng, không đủ thức ăn cho ngao phát triển, ngao sinh trưởng chậm, gầy yếu, giảm sức đề kháng. Mặt khác, giải phẫu mẫu ngao thu được cho thấy 100% mẫu ngao gầy, giảm sức đề kháng khi gặp môi trường bất lợi. 9 mẫu trầm tích thu tại vùng nuôi ngao xã Hải Lộc gồm các chỉ tiêu PH, tổng cacbon hữu hiệu, tổng Nitơ hữu hiệu và tổng phốt pho hữu hiệu đều có giá trị thấp, không ảnh hưởng đến môi trường nuôi ngao.

Các thông số kim loại nặng trong nước như Zn, Pb, Cr, Cd, Hg và Ni trong 5 mẫu nước thu từ vùng nuôi ngao xã Hải Lộc đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép. Kết quả phân tích HerpesvirusPerkinsus bằng phương pháp PCR từ 21 mẫu ngao thu tại các vùng nuôi ngao xã Hải Lộc đều cho kết quả âm tính. Mật độ vi khuẩn Vibrio tổng số trong nước thu tại 9 điểm trong bãi nuôi ngao xã Hải Lộc chỉ có 1 mẫu 1,2x103 CFU/ml, cao hơn ngưỡng cảnh báo (103 CFU/ml). Các mẫu còn lại đều có mật độ Vibrio tổng số thấp hơn giới hạn cảnh báo. Do vậy, vi khuẩn Vibrio tổng số trong nước không phải là nguyên nhân gây ngao chết.

Mật độ Vibrio tổng số trong 9 mẫu bùn thu được đều có giá trị cao hơn giới hạn cảnh báo (103 CFU/ml) từ 1,1 – 3,4 lần do hiện tượng phân hủy xác ngao chết trong bùn là nguồn sinh dưỡng cho vi khuẩn phát triển, là tác nhân cơ hội làm ngao yếu, giảm sức đề kháng trong điều kiện môi trường không thuận lợi.

Kết quả phân tích tác nhân gây bệnh do vi khuẩn trên 21 mẫu ngao đã xác định được 3 loài vi khuẩn thuộc giống Vibrio (2 loài) và giống Aeromonas (1 loài) gồm: Vibrio. parahaemolyticus (4/21 mẫu); V. vulnificus (1/21 mẫu) và A.hydrophila (1/21 mẫu) với tỷ lệ nhiễm thấp, lần lượt là 19,0%; 4,8% và 4,8%.

Như vậy, vi khuẩn không phải là tác nhân gây bệnh ở ngao mà chỉ là tác nhân cơ hội khi ngao yếu, giảm sức đề kháng.

Từ những kết quả trên, Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc kết luận, các yếu tố nhiệt độ, PH, độ mặn, độ kiềm, N-NH4+, NH3, N-NO2-, P-PO43-, H2S, COD, tảo độc hại, Vibrio tổng số, Zn, Pb, Cr, Cd, Hg và Ni trong nước; các thông số pH, tổng cacbon hữu hiệu, tổng Nitơ hữu hiệu và tổng phốt pho hữu hiệu trong trầm tích; vi rút Herpes, ký sinh trùng Perkinsus và vi khuẩn không phải là nguyên nhân gây chết ngao.

Cạnh tranh thức ăn khiến ngao gầy, sức đề kháng giảm, gặp thời tiết bất lợi gây chết

Mật độ nuôi dầy dẫn đến cạnh tranh thức ăn và nơi trú ẩn, điều kiện môi trường biến động đột ngột (xuất hiện váng đỏ), nhiệt độ chênh lệch ngày đêm cao (6-11oC) là nguyên nhân chính và thời gian phơi bãi về đêm lúc nhiệt độ giảm thấp, môi trường nghèo dinh dưỡng, ngao gầy, giảm sức đề kháng là nguyên nhân gây ngao chết ở xã Hải Lộc.

Xem thêm
Nuôi ba ba, gặp mưa bão lịch sử vẫn lãi khá

HẢI DƯƠNG Mỗi năm thị xã Kinh Môn (Hải Dương) này cung ứng ra thị trường khoảng 60 tấn ba ba thịt, doanh thu ước đạt 21 - 24 tỷ đồng.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.