Dịch Covid-19 lần thứ tư khiến tình hình lao động việc làm quý III/2021 có chiều hướng xấu, đặc biệt khu vực phía Nam. Số người có việc làm giảm sâu so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng lên mức cao nhất chưa từng thấy.
Số liệu của Tổng cục Thống kê, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong 9 tháng năm 2021 là hơn 1,3 triệu người, tăng 126,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 4,02%, cao hơn 1,64 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) TP Cần Thơ cho biết, thời gian qua, Trung tâm phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội; tích cực liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố; thúc đẩy hiệu quả hoạt động của lĩnh vực phụ, chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ và Cục Việc làm (thuộc Bộ LĐ-TB&XH).
“Trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, Trung tâm tổ chức truyền thông trực tuyến giới thiệu đầy đủ thông tin cụ thể về phương thức chi hỗ trợ đến người lao động (NLĐ). Đồng thời, Trung tâm cũng tăng cường truyền thông trực tuyến trên Cổng thông tin việc làm Cần Thơ, zalo, facebook, từ đó cung cấp thông tin về cơ hội học nghề, việc làm mới cần tuyển dụng đối với lao động hưởng BHTN trên địa bàn”, ông Toàn cho biết.
Từ giữa tháng 7/2021, Trung tâm đã tổ chức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả đối với NLĐ thực hiện thủ tục hưởng BHTN bằng nhiều hình thức như qua bưu điện, fax, thư điện tử… đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận tiện nhất cho doanh nghiệp (DN) và NLD tiếp cận dịch vụ nhanh chóng, không mất nhiều chi phí và tiết kiệm được thời gian đi lại, TTDVVL TP Cần Thơ đầu tư kinh phí cũng như nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ việc làm, thực hiện các thủ tục hưởng BHTN cho NLĐ đúng đối tượng, đảm bảo thời gian.
Có thể nói, TTDVVL TP Cần Thơ là một trong những đơn vị ứng dụng linh hoạt nhiều hình thức để tiếp cận, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho hầu hết NLĐ tại địa phương và trong khu vực.
Trung tâm luôn đóng vai trò là cầu nối hỗ trợ tích cực cho DN và NLĐ trong việc thường xuyên tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm như ngày gặp gỡ nhà tuyển dụng hàng ngày, phiên giao dịch việc làm dành cho người thất nghiệp hàng tháng, ngày hội việc làm cho học sinh, sinh viên, điểm tư vấn nghề nghiệp việc làm quận, huyện... Qua đó, đưa thông tin việc làm, kết nối việc làm lan tỏa ra các quận, huyện xa với phương châm “mang cơ hội việc làm tiếp cận cho NLĐ.
Tiếp nối thành công phiên giao dịch việc làm đợt 1, ngày 26/11, TTDVVL TP Cần Thơ phối hợp TTDVVL 12 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, TP.HCM, tỉnh Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức “Phiên Giao dịch việc làm trực tuyến khu vực đồng bằng sông Cửu Long - miền đông Nam Bộ” lần thứ hai năm 2021.
Tại Phiên Giao dịch việc làm trực tuyến này có sự tham gia của 130 đơn vị tuyển dụng (trực tiếp và trực tuyến), với hơn 35.000 chỗ việc làm trống cần tuyển với các ngành nghề như trưởng nhóm kinh doanh, nhân viên kỹ thuật, nhân viên sản xuất, nhân viên bảo trì - vận hành, kỹ sư thủy sản, trưởng nhóm phòng thí nghiệm, lao động phổ thông… Riêng TP.HCM có 10 DN tham gia, cần tuyển hơn 5.000 lao động, tỉnh Bình Dương có 6 DN cần tuyển 4.800 lao động, TP Cần Thơ 7 DN tham gia cần tuyển hơn 1.200 lao động…
Qua đó, nhà tuyển dụng tiếp cận được nguồn nhân lực có nhiều kinh nghiệm, từ đó tuyển dụng được nhân lực phù hợp với nhu cầu. Đồng thời, tạo điều kiện cho NLĐ có nhu cầu tìm việc có cơ hội tiếp xúc trực tiếp, gặp gỡ, trao đổi với nhà tuyển dụng và nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động dịp Tết Nguyên đán 2022.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục cập nhật, truyền thông về những quy định về BHTN đến người lao động bằng nhiều hình thức đa dạng. Tăng cường các buổi livestream trên mạng xã hội, cung cấp thông tin về học nghề, cơ hội nghề nghiệp, việc làm đến NLĐ thất nghiệp để họ sớm quay trở lại thị trường lao động.