Tổng cục Phòng, chống thiên tai là đơn vị tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tuyên truyền. |
Từ mạng xã hội Facebook...
Chỉ sau hơn 1 năm kể từ khi hoạt động, Fanpage “Thông tin phòng chống thiên tai” của Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã có hơn 23.000 người theo dõi.
Đây là một trong những kênh truyền thông hữu hiệu, nhằm lan tỏa thông tin về dự báo thời tiết; các văn bản, ý kiến chỉ đạo; văn bản pháp luật... về hoạt động phòng, chống thiên tai.
Một bài viết cập nhật tình hình diễn biến thời tiết trên Fanpage Thông tin phòng chống thiên tai đạt lượng tương tác cao. |
Các bài viết đăng tải trên Fanpage này có tính tương tác rất cao, đặc biệt, không ít video, bài viết đạt hàng ngàn lượt ghi nhận trạng thái cảm xúc và chia sẻ, bình luận.
Thông qua đó, người dân cả nước, đặc biệt là cư dân vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai có thể chia sẻ tình hình thực tế tại nơi mình sống ngay tức thì bằng smartphone, máy tính có kết nối internet.
Không bị bó hẹp bởi tính khuôn mẫu của một văn bản hành chính, thông điệp trong các bài viết được chuyển tải một cách đa dạng và phong phú, từ hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ. Do đó, các thành viên của Fanpage Thông tin phòng chống thiên tai, dễ dàng tiếp cận và bày tỏ ý kiến, quan điểm.
Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cho rằng hiện nay, trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, chúng ta phải cần rất nhiều công cụ để truyền tải được thông tin đến các cấp chính quyền, đến cộng đồng một cách nhanh nhất. Trong đó, mạng xã hội Facebook là một trong những công cụ được đánh giá là hữu hiệu.
"Đối với các cơ quan trung ương, việc triển khai ứng dụng này rất mạnh mẽ và tích cực. Tuy nhiên, đối với các địa phương thì còn chưa thực sự quan tâm đúng mức. Chúng tôi đang hướng dẫn, đôn đốc để các địa phương tích cực sử dụng công nghệ trong công tác phòng chống thiên tai, trong đó có mạng xã hội Facebook", ông Hoài nói.
Để cung cấp thông tin chính thống cho các cơ quan thông tấn, báo chí, Tổng cục Phòng, chống thiên tai còn lập ra nhóm Báo chí, truyền thông trên mạng xã hội. Qua đó, cập nhật thông tin đầy đủ, kịp thời đến các phóng viên chuyên trách.
Những vấn đề chuyên môn cũng được thảo luận sôi nổi trong nhóm, giúp các cơ quan báo chí phản ánh đúng bản chất vấn đề và định hướng dư luận.
Đến Bản tin Thiên tai...
Để người dân, cán bộ chính quyền các cấp và các đơn vị liên quan kịp thời nắm bắt thông tin về phòng, chống thiên tai; các văn bản quy phạm pháp luật... Những năm qua, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã chủ trì xây dựng nội dung bản tin thiên tai.
Bản tin Thiên tai được Tổng cục Phòng, chống thiên tai xây dựng nội dung, phục vụ công tác phòng, chống thiên tai. |
Bản tin được xuất bản định kỳ hàng tuần, qua đó cập nhật các hoạt động của lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thông tin dự tính, dự báo và những kinh nghiệm hay để cùng nhau học tập, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động chuyên môn.
Bên cạnh đó, Website của Tổng cục Phòng, chống thiên tai (địa chỉ http://phongchongthientai.vn/ cũng cung cấp rất nhiều kiến thức hay về lĩnh vực. Ví dụ như kinh nghiệm phòng, chống sạt lở khu vực đồng bằng sông Cửu Long; Mô hình trông trẻ và đưa đón học sinh mùa lũ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; Tài liệu hướng dẫn phòng tránh giông, sét; những điều không nên làm khi bão đổ bộ…
Đây là những thông tin rất hữu ích, có khả năng ứng dụng cao để người dân áp dụng khi đối mặt với thiên tai cận kề, qua đó góp phần bảo đảm tài sản, tính mạng, giảm nhẹ rủi ro.
Website của Tổng cục Phòng chống thiên tai còn liên kết với rất nhiều trang thông tin điện tử của các cơ quan liên quan như Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn, Bộ NN-PTNT, Viện Vật lý địa cầu, Hội Chữ Thập đỏ Quốc gia... và hàng loạt các trung tâm dự báo trên thế giới.
Qua đó, chúng ta có thể xem ảnh mây vệ tinh hàng ngày, dự báo bão của Hải quân Hoa Kỳ, Hồng Kông, Nhật Bản,…
Cách truyền thông sáng tạo, đa dạng của Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã được lãnh đạo Bộ NN-PTNT đánh giá cao, và đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT nghiên cứu, học tập.