| Hotline: 0983.970.780

Đã đến lúc hoạt động khuyến nông phải đổi mới

Thứ Bảy 31/10/2020 , 09:05 (GMT+7)

Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: Hoạt động khuyến nông nhà nước phải song hành với khuyến nông doanh nghiệp, giúp nông dân chuyển từ chuỗi sản xuất sang chuỗi giá trị.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT tại buổi làm việc với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ngày 30/10. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT tại buổi làm việc với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ngày 30/10. Ảnh: Minh Phúc.

Khát vọng đổi mới chính mình

Ngày 30/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan có buổi làm việc với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia để nghe tổng quan về hoạt động khuyến nông và định hướng trong giai đoạn tới.

Ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Thời gian qua, Trung tâm đã đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật khuyến nông với các hình thức phong phú, đa dạng.

Qua đó phổ biến, thông tin kịp thời, các chủ trương, chính sách, định hướng và chỉ đạo sản xuất của Bộ, ngành kết hợp với phổ biến tiến bộ kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Ông Lê Quốc Thanh cũng nhận thấy, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị tham gia thực hiện công tác khuyến nông. Do đó, Trung tâm đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác công - tư với một số đơn vị như: CDC, GCP, UN Woment, Tập đoàn Quế Lâm... để thu hút nguồn lực triển khai các nhiệm vụ khuyến nông, giảm gánh nặng lên ngân sách nhà nước.

Ông Lê Quốc Thanh cho rằng, cần phải đổi mới hoạt động khuyến nông.

Ông Lê Quốc Thanh cho rằng, cần phải đổi mới hoạt động khuyến nông.

Mỗi cán bộ khuyến nông sẽ trở thành nhà tư vấn thiết kế giỏi, và người thi công chính là nông dân. Ví dụ, doanh nghiệp cà phê muốn sản xuất nguyên liệu xuất khẩu sang thị trường EU thì khuyến nông sẽ tham gia vào công tác tư vấn kỹ thuật và xây dựng vùng nguyên liệu để sản phẩm đạt tiêu chuẩn của nước nhập khẩu, còn người trồng cà phê sẽ thực hiện theo các hướng dẫn của khuyến nông.

Điển hình như năm 2020, Trung tâm được chuyển giao chủ trì triển khai dự án Hợp tác công tư PPP nhằm hỗ trợ 80.000 nông dân bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid – 19 và hạn mặn tại 5 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và 2 tỉnh Đông Nam bộ.

Bên cạnh thành tựu đạt được, người đứng đầu Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, hệ thống khuyến nông đã hình thành được 28 năm, nhưng vẫn phải đổi mới theo hướng xã hội hóa hoạt động khuyến nông và khuyến nông dịch vụ.

Các hình thức đào tạo, tập huấn khuyến nông cũng cần phải đổi mới theo hướng trực quan sinh động, ứng dụng công nghệ 4.0, hình ảnh hóa tài liệu tuyên truyền, tập huấn để nông dân dễ hình dung và ứng dụng được ngay, giống như tỉnh Đồng Tháp ứng dụng hệ thống Mobile App để dự tính, dự báo sâu bệnh...

Đẩy mạnh hợp tác công tư, chuyển đổi số

Thứ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, rất ấn tượng với khát vọng đổi mới hoạt động khuyến nông của ông Lê Quốc Thanh. Và suy cho cùng thì đổi mới sáng tạo là “làm tốt cái chưa tốt, làm có cái chưa có”.

Ông lấy dẫn chứng, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2016 nhận định: “Khuyến nông ở Việt Nam từ trước đến nay vẫn triển khai từ trên xuống và trọng cung”. Cán bộ khuyến nông của nhà nước chủ yếu đảm nhận tổ chức các mô hình trình diễn; giúp nông dân đối phó với sâu bệnh và dịch hại bùng phát.

Trong khi đó, Chính phủ đã nhận thức được nhu cầu và giá trị của xã hội hóa dịch vụ tư vấn, khuyến khích sự tham gia của các trường học, các doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức phi chính phủ trong việc tư vấn cho nông dân và khuyến khích khuyến nông tư nhân.

Do đó, ông Hoan cho rằng, khuyến nông nhà nước cần phải song hành với khuyến nông của doanh nghiệp. Đây là mối quan hệ cộng sinh, qua đó bổ trợ những khiếm khuyết cho nhau”. Cách làm này ngày càng quan trọng vì các doanh nghiệp cần có các hệ thống theo dõi nguồn gốc sản phẩm và nông sản thô hiệu quả.

Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần thay đổi động lực làm việc của cán bộ khuyến nông.

Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần thay đổi động lực làm việc của cán bộ khuyến nông.

Còn doanh nghiệp sẽ “đặt đầu bài” cụ thể để tạo ra nông sản đáp ứng các tiêu chuẩn khác nhau của thị trường. Ví dụ, cùng một quả xoài nhưng xuất đi Trung Quốc thì phải đóng gói ra sao, chất lượng thế nào; xuất đi Nhật Bản, Hoa Kỳ, hay EU phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì. Trên thực tế, không có bất cứ một quy trình kỹ thuật nào đáp ứng được tất cả nhu cầu của thị trường.

Dịch vụ khuyến nông nhà nước cũng cần giảm vai trò nhà cung cấp dịch vụ tư vấn, nâng cao vai trò của môi giới, huy động và cấp nguồn lực cho những dịch vụ các bên khác thực hiện. Muốn làm được điều đó thì “phải chấp nhận những thay đổi về cơ cấu và văn hóa cả bên trong và bên ngoài tổ chức. Đặc biệt, phải hình thành những bộ kỹ năng mới, thay đổi động lực làm việc của cán bộ khuyến nông bằng các tiêu chí đo lường kết quả công việc.

Ông Hoan cũng định nghĩa: “Khuyến nông là khuyến khích nông dân làm nông nghiệp”. Do đó, không nên lấy tư duy sản xuất, coi sản lượng là mục tiêu phấn đấu. Phải hỗ trợ nông dân để họ làm ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Hướng dẫn nông dân chuyển từ chuỗi liên kết sang chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng, đó mới là thứ nông dân cần.

Việc tổ chức các hội chợ khuyến nông cũng vậy. Không nên tổ chức các hội chợ chỉ để trưng bày các sản phẩm. Ông Lê Minh Hoan lấy ví dụ, ở Trung Quốc có hội chợ về sen. Họ không chỉ trưng bày sản phẩm mà trưng bày cả máy móc để trồng sen, thiết bị để lấy tâm sen, bảo quản sen, chế biến sen và quy trình để tạo ra các sản phẩm từ sen.

Họ hiểu rằng việc tăng năng suất và chất lượng kết hợp với chế biến sâu sẽ tạo gia giá trị gia tăng cao. Như vậy, hoạt động của khuyến nông phải mở biên rất rộng và coi trọng tính hiệu quả.

Để làm được điều đó, Thứ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng chiến lược tổng thể công tác khuyến nông trong giai đoạn tới với tầm nhìn dài hạn. Trong đó, tập trung vào chiến lược hợp tác công tư; chuyển đổi số để định hình con đường phát triển phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.