| Hotline: 0983.970.780

Đà Nẵng, một năm nhiều thành tựu

Thứ Tư 24/12/2014 , 10:21 (GMT+7)

Tổng vốn đầu tư 636 tỷ đồng, trong đó đóng góp của nhân dân 137 tỷ đồng, công cuộc xây dựng NTM ở Đà Nẵng tiếp tục giành thành tựu nổi bật.

Đến nay, trong số 11 xã của huyện Hòa Vang, địa phương duy nhất ở Đà Nẵng xây dựng NTM, 2 xã Hòa Tiến, Hòa Châu (hoàn thành năm 2013) tiếp tục giữ vững và phát huy; 4 xã Hòa Phong, Hòa Phước, Hòa Khương, Hòa Phú, kịp về đích vào cuối năm; 5 xã còn lại hoàn thành thêm 3-4 tiêu chí.

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng

Năm 2014, cơ sở hạ tầng nông thôn ở Hòa Vang tiếp tục được ưu tiên đầu tư. Chỉ tính riêng hệ thống giao thông, có thêm 14,5 km đường liên xã, liên thôn, 76,5 km kiệt hẻm, 7,8 km giao thông nội đồng được nâng cấp.

Đến nay, 11/11 xã của huyện đã hoàn thành tiêu chí giao thông. Về điện, tuy 100% hộ có điện lưới quốc gia từ hàng chục năm nay, nhưng năm 2014 vẫn được Điện lực Đà Nẵng nâng cấp 7 km đường dây trung áp, 50,5 km đường dây hạ áp, di chuyển 160 trụ điện khỏi phạm vi giao thông; đầu tư 10 công trình phục vụ SX và 10 công trình chiếu sáng.

Với kinh phí 36,7 tỷ đồng, năm 2014 nâng cấp, xây mới 24 công trình trường học. Ngoài ra, từ nguồn tài trợ 2,78 tỷ đồng, một số trường được bổ sung trang nhiều thiết bị dạy và học. Tuy đến nay cơ sở vật chất văn hóa mới 6/11 xã đạt, nhưng tiêu chí này tăng so với năm trước 4 xã.

Cụ thể, trong năm xây mới 15 nhà văn hóa thôn, sửa chữa 13 nhà khác, để đến nay có 89/118 thôn toàn huyện có nhà văn hóa và 47 khu thể thao đạt chuẩn.

Với nhà ở dân cư, năm 2014 là năm nhà nhà đua nhau nâng cấp, xây mới nhà ở của mình. Đến nay, gần 100% nhà ở dân cư trên địa bàn huyện Hòa Vang đạt chuẩn của Bộ Xây dựng. Chỉ tính riêng đối tượng chính sách, với tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ đồng, 415 nhà được xây mới, nâng cấp.

SX được đẩy mạnh

Các dự án SX rau sạch, trồng hoa tươi công nghệ cao; SX lúa giống, cánh đồng mẫu lớn; phát triển vùng trồng cỏ nuôi bò, nhân rộng các mô hình kinh tế gia trại tiêu biểu… là những dấu ấn nổi bật về SX ở Hòa Vang trong năm 2014.

Ba HTX đã đầu tư nhiều tỷ đồng đưa các loài hoa mới lạ, giá trị kinh tế cao, về trồng. Lần đầu tiên kể từ trước đến nay một hộ nông dân ở Hòa Vang mạnh dạn đầu tư 2,1 tỷ đồng xây dựng khu vực SX hoa lan cắt cành công nghệ cao.

Không dừng lại ở 36 hộ từ ngày triển khai, đến nay dự án trồng cỏ nuôi bò đã thu hút hàng trăm hộ ở 2 xã Hòa Phú, Hòa Bắc tham gia, theo đó diện tích cỏ đã trồng lên hơn 20 ha, tổng đàn bò tăng gần 1.000 con so đầu năm.

Hoạt động nuôi cá nước ngọt, tôm sú quy mô thâm canh đã khẳng định ưu thế vượt trội về thu nhập, khi năng suất gấp 2-3 lần so trước đây. Từ nguồn hỗ trợ của trên và đầu tư của các HTX, hộ nông dân, máy móc thiết bị phục vụ cho khâu làm đất, thu hoạch khá hoàn thiện. Chương trình dồn điển đổi thửa chuyển biến tích cực. Nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ra đời.

10-24-50_c-long-be
Mô hình nuôi cá lồng bè ở xã miền núi Hòa Bắc

Một số xã thu nhập bình quân đầu người như Hòa Tiến, Hòa Châu đã gần cán đích 30 triệu đồng/năm. Với đà này, năm 2015 sẽ có thêm 3 xã là Hòa Liên, Hòa Nhơn, Hòa Sơn hoàn thành, tiếp theo đó hai xã Hòa Bắc, Hòa Ninh sẽ về đích vào cuối năm 2016.

Ông Đinh Ngọc Thiên, Chủ tịch UBND xã Hòa Khương, cho rằng, với thị trường rộng lớn ở Tây Nguyên và Lào, mấy năm gần đây hoạt động nuôi cá trê tại địa phương rất phát triển. Nếu như trước đây, thu nhập 150 triệu đồng/năm đã là phấn khởi thì nay thu nhập hơn nửa tỷ đồng/hộ/năm, khá phổ biến. Nhờ vậy, không chỉ đời sống người dân mà diện mạo làng quê của xã nhà đổi thay nhanh chóng.

Còn ở xã Hòa Phú, với gần 100 con bò và 2 ha ao nuôi cá, ông Lê Minh trở thành hộ giàu có nhất nhì khu vực. Lão nông này cho biết, ở làng quê cũng dư sức để làm giàu, miễn là đầu tư đúng hướng, ứng dụng tiến bộ KHKT và đặc biệt là phải chịu khó, tận tụy, với hoạt động kinh tế của mình.

Nông thôn sạch hơn, đẹp hơn

Việc thu gom rác thải tại các làng quê ở Hòa Vang đã thành nề nếp. Và đây là chuyển biến rõ nét nhất về môi trường nông thôn. Với 360 thùng rác, 34 xe thu gom bổ sung cho 11 xã, việc thu gom rác thải đã triển khai tại 85/118 thôn, trong đó 58 thôn đã thực hiện thành công mô hình “thôn không rác”.

Trong năm, toàn huyện trồng mới gần 2.500 cây xanh các loại, có thêm 820 hộ xây mới công trình vệ sinh đạt chuẩn. Ngoài hàng chục công trình xây dựng từ các năm trước, năm nay 5 công trình đưa nước sạch ở cả 3 vùng đồng bằng, trung du, miền núi đưa vào sử dụng; nâng số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh lên 31.808 hộ, chiếm 98,2%...

Có thể nói, từ nguồn vốn đầu tư không nhỏ từ Trung ương, TP. Đà Nẵng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị các cấp ở huyện Hòa Vang, sự chung tay góp sức của nhân dân, bộ mặt nông thôn ở Hòa Vang đổi thay từng ngày.

Không ít khu dân cư chẳng khác nào phố xá, khi mà tại đó đường thảm nhựa rộng thênh thang, nhà cao tầng mọc lên san sát, đêm đến đèn cao áp sáng trưng.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.