| Hotline: 0983.970.780

Đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 có nhiều bị can người nước ngoài

Thứ Ba 16/07/2024 , 20:23 (GMT+7)

Ngoài 2 bị can là ông Kwok Hakman Oliver mang quốc tịch Úc và ông Trương Wincent Kinh (quốc tịch Việt Nam và Mỹ) còn nhiều bị can là người nước ngoài đang bỏ trốn...

34 bị can trong giai đoạn 2

Như tin đã đưa, VKSND Tối cao vừa tống đạt bản cáo trạng truy tố bà Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các bị can lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, số tiền hơn 30.000 tỉ đồng của hơn 30.000 nhà đầu tư. 

Từ năm 2018 đến khi vụ án bị khởi tố năm 2022, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát và đồng phạm đã chiếm đoạt tổng số tiền là 445.748 tỉ đồng thông qua tham ô tài sản của Ngân hàng SCB và phát hành trái phiếu như trên. Sau đó, bà Lan chỉ đạo đồng phạm thực hiện các hành vi rửa tiền bằng cách rút tiền, chuyển tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB nhằm che giấu nguồn gốc, hợp thức sử dụng số tiền tiền do phạm tội. 

Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: HT.

Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: HT.

Cùng với đó, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm lập các hợp đồng “khống” mua bán cổ phần, vốn góp; tư vấn giữa các công ty tại Việt Nam và công ty ở nước ngoài. Thông qua các hợp đồng này, nhóm bị can đã vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài tổng số tiền là 4,5 tỉ USD tương đương hơn 106.730 tỉ.

Trong số 34 bị can bị truy tố giai đoạn 2, bà Trương Mỹ Lan và 3 bị can khác bị cáo buộc 3 tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền”, “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” gồm: Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Nguyễn Phương Anh, Phó TGĐ Công ty Sài Gòn SPG; Trịnh Quang Công, TGĐ Công ty Acumen; và Trương Khánh Hoàng, nguyên quyền TGĐ Ngân hàng SCB.

Có 4 bị can bị truy tố 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” gồm: Nguyễn Vũ Anh Thi, TGĐ Công ty Tập đoàn Phát triển hạ tầng và Bất động sản Việt Nam”; Nguyễn Hữu Hiệu, Phó TGĐ Công ty Đầu tư Square Việt Nam, Công ty An Đông, Công ty Windsor; Võ Tấn Hoàng Văn, nguyên TGĐ Ngân hàng SCB; Bùi Anh Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB.

Bị can Trần Thị Mỹ Dung, nguyên Phó TGĐ Ngân hàng SCB bị truy tố 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”.

Bị cáo Trương Huệ Vân, cựu TGĐ Công ty WMC, cháu ruột bị cáo Trương Mỹ Lan bị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; ông Chu Lập Cơ (quốc tịch Trung Quốc, chồng bà Trương Mỹ Lan), cựu Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Quảng trường thời đại (Việt Nam) - Times Square, bị truy tố tội “Rửa tiền”.

Trong số 34 bị can giai đoạn 2, có 1 bị can mang quốc tịch Úc là ông Kwok Hakman Oliver, cựu TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông, và ông Trương Wincent Kinh (quốc tịch Việt Nam và Mỹ), Chủ tịch HĐQT Công ty Tập đoàn Sài Gòn Peninsula, nguyên chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sunny World. Cả 2 bị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngoài 34 bị can bị tuy tố nói trên, còn có 2 người Quốc tịch nước ngoài đã giúp sức đắc lực cho bà Lan phạm tội, đó là Chen Yi Chung, quốc tịch Hong Kong (Trung Quốc) và Chiu Bing Keung Kenneth (quốc tịch Anh và Bắc Ireland, quản lý 11 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).

Các bị cáo trong phiên toà Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1. Ảnh: HT.

Các bị cáo trong phiên toà Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1. Ảnh: HT.

Truy nã 2 người ngoại quốc giúp bà Lan chuyển 4,5 tỷ USD qua biên giới

Tuy nhiên, Chen Yi Chung, quốc tịch Hong Kong - Trung Quốc và Chiu Bing Keung Kenneth đã xuất cảnh, hiện không biết ở đâu nên 2 người này đã bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) truy nã về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Theo kết luận điều tra giai đoạn hai đại án Vạn Thịnh Phát, Chen và Chiu cùng 8 bị can khác là đồng phạm của bà Trương Mỹ Lan trong việc vận chuyển trái phép hơn 4,5 tỷ USD (tương đương 106.730 tỷ đồng) qua biên giới. Trong đó, Chen giúp bà Lan chuyển hơn 16.000 tỷ đồng; Chiu chuyển hơn 34.000 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, dưới sự chỉ đạo của bà Lan, các đối tượng thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã phối hợp cùng nhân viên SCB thực hiện chuyển tiền, nhận tiền quốc tế. Hồ sơ vụ án thể hiện, đa số hồ sơ chuyển tiền ra nước ngoài không đủ điều kiện nhưng các bị can có thẩm quyền tại SCB như Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB), Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc SCB), Bùi Ánh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) vẫn duyệt cho chuyển tiền trên hệ thống để hoàn tất việc chuyển tiền quốc tế.

Trong giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát, bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) bị truy tố tội 'Rửa tiền'. Ảnh: HT.

Trong giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát, bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) bị truy tố tội “Rửa tiền”. Ảnh: HT.

Kết quả điều tra xác định từ năm 2012 đến năm 2022, bằng thủ đoạn trên, các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã sử dụng 23 công ty (12 công ty thành lập, đăng ký kinh doanh tại Việt Nam và 11 công ty, tổ chức nước ngoài) để thực hiện việc chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam.

Trong đó, có 21 công ty trong số 23 công ty nêu trên đã thực hiện 78 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định pháp luật tương đương 1,5 tỷ USD và 52 giao dịch nhận 3 tỷ USD.

Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 10/2020 đến tháng 5/2021, với tư cách là quyền Tổng giám đốc SCB, Chen Yi Chung đã thực hiện 13 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài, nhận tiền chuyển về Việt Nam cho các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Việc chuyển tiền thông qua các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, hợp đồng vay tiền... giữa các công ty ở Việt Nam với các công ty, tổ chức nước ngoài. Trong đó có 12 giao dịch chuyển tiền đi với tổng số tiền gần 674 triệu USD (tương đương hơn 15.000 tỷ đồng) và một giao dịch chuyển tiền về Việt Nam 35 triệu USD (khoảng 802 tỷ đồng).

Bà Lan khai đã chỉ đạo Chen Yi Chung phối hợp với các cá nhân tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và lãnh đạo SCB lập các hợp đồng khống, phê duyệt chuyển tiền. Kết quả nhận dạng qua ảnh, các bị can và những người liên quan khác đều nhận ra Chen Yi Chung.

Còn Chiu Bing Keung Kenneth được bà Lan giao quản lý 11 công ty, trong đó đứng tên đại diện theo pháp luật 6 công ty ở nước ngoài thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Chiu có hành vi tạo lập loạt hợp đồng khống giữa các công ty trong nước với công ty nước ngoài để làm hồ sơ chuyển tiền đi và ngược lại.

Bị cáo Trương Huệ Vân, cựu TGĐ Công ty WMC, cháu ruột bị cáo Trương Mỹ Lan bị truy tố tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' trng giai đoạn 2 vụ án. Ảnh: HT.

Bị cáo Trương Huệ Vân, cựu TGĐ Công ty WMC, cháu ruột bị cáo Trương Mỹ Lan bị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trng giai đoạn 2 vụ án. Ảnh: HT.

Theo cáo buộc, từ năm 2014 đến 2022, bị can Chiu Bing Keung Kenneth đã giúp bà Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi vận chuyển 1,49 tỷ USD tương đương với 34.216 tỷ đồng. Trong đó bao gồm 556 triệu USD (tương đương gần 13.000 tỷ đồng) chuyển đi và hơn 940 triệu USD (hơn 21.000 tỷ đồng)nhận về.

Hành vi của Chiu Bing Keung Kenneth đã phạm vào tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, quy định tại khoản 3, Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo C03, Chen và Chiu đã xuất cảnh ra nước ngoài, không xác định được đang ở đâu. Cơ quan tố tụng đã đề nghị tương trợ tư pháp tới Hong Kong và Anh, để xác minh Chiu Bing Keung Kenneth với Chen Yi Chung, về các nội dung liên quan vụ án Trương Mỹ Lan, song các yêu cầu tương trợ tư pháp chưa có kết quả. Bộ Công an đã ra quyết định truy nã hồi tháng 5. Do đã hết thời hạn điều tra, nên C03 tách hành vi của hai bị can ra để xử lý sau.

Xem thêm
Phát hiện ngư dân tàng trữ thuốc nổ để đánh bắt cá

Kiên Giang Kiểm tra tàu cá không số đang neo đậu tại vùng biển Phú Quốc, lực lượng chức năng phát hiện khoảng 11kg thuốc nổ được ngư dân tàng trữ để đánh bắt cá trái phép.

Bắt khẩn cấp tài xế xe 7 chỗ gây tai nạn

Lâm Đồng Tối ngày 1/9, Công an thành phố Bảo Lộc ra quyết định bắt khẩn cấp một tài xế vì hành vi Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Bình luận mới nhất