| Hotline: 0983.970.780

Giai đoạn 2 'đại án' Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan bị truy tố thêm 3 tội

Thứ Ba 16/07/2024 , 11:24 (GMT+7)

Bị cáo Trương Mỹ Lan bị cáo buộc thêm 3 tội danh bao gồm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Ngày 15/7, VKSND Tối cao tống đạt Bản cáo trạng truy tố 34 bị can, bao gồm bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 bị can khác trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2. 

Các bị can bị truy tố về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Trong đó, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát, cùng 3 bị can khác bị đề nghị truy tố cả 3 tội danh nói trên. 

Số tiền hơn 445.000 tỷ đồng được “rửa” như thế nào?

Nội dung cáo trạng cho thấy, từ tháng 1/2018 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt số tiền hơn 445.000 tỉ đồng thông qua hành vi phạm tội tham ô tài sản (hơn 415.000 tỉ đồng) của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và lừa đảo chiếm đoạt tài sản (hơn 30.000 tỉ đồng) thông qua hành vi bán trái phiếu khống cho hàng chục ngàn nhà đầu tư.

Để hợp thức hóa nguồn tiền bất chính khổng lồ này, bà Lan chỉ đạo cấp dưới lên phương án thực hiện việc rút, chuyển tiền ra khỏi hệ thống SCB, chủ yếu diễn ra tại SCB Chi nhánh Sài Gòn.

Bị cáo Trương Mỹ Lan trong phiên tòa giai đoạn 1 hồi tháng 4/2024. Ảnh: HT.

Bị cáo Trương Mỹ Lan trong phiên tòa giai đoạn 1 hồi tháng 4/2024. Ảnh: HT.

Quy trình rút tiền được thực hiện một cách khép kín. Bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo cấp dưới lập danh sách các pháp nhân, cá nhân nhận tiền, rút tiền, chủ yếu là các công ty "ma". Sau khi nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB phối hợp, hoàn tất thủ tục rút tiền mặt, các cá nhân được thuê đứng tên công ty "ma" sẽ đến ngân hàng ký chứng từ rút tiền.

Tiền sau khi xuất khỏi quỹ của SCB sẽ được giao cho lái xe của bà Trương Mỹ Lan. Lái xe sau đó vận chuyển tiền về tòa nhà Sherwood tại số 127 Pasteur, Q.3, TP.HCM, giao cho thư ký của bà Trương Mỹ Lan, rồi tiếp tục giao cho các cá nhân theo chỉ đạo của Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Cơ quan tố tụng còn xác định có một lượng lớn tiền mặt được lái xe của bà Lan vận chuyển thẳng về trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (tại địa chỉ số 193-203 Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM) hoặc trực tiếp chuyển tiền cho các cá nhân theo chỉ đạo của bị can này.

Khi chưa cần sử dụng ngay tiền mặt, bà Lan chỉ đạo nhân viên sử dụng các pháp nhân, cá nhân mở tài khoản tại SCB để nhận tiền, chuyển tiền có nguồn gốc do phạm tội mà có đến (tài khoản chờ). Khi cần sử dụng sẽ lập ra các phương án chuyển tiền lòng vòng giữa các tài khoản, cuối cùng đến tài khoản chỉ định để bà Trương Mỹ Lan sử dụng cho các mục đích cá nhân.

Trong số tiền được rửa, Viện KSND tối cao xác định các bị can rút tiền mặt chuyển cho các cá nhân hơn 15.000 tỉ đồng, chi thực hiện các dự án gần 1.900 tỉ đồng, chi trả nợ hơn 48.000 tỉ đồng, chi trả cho các khoản vay tại SCB hơn 183.000 tỉ đồng, chuyển tiền ra nước ngoài hơn 32.000 tỉ đồng…

Đối với tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, kết quả điều tra cho thấy, tháng 8/2018, SCB đang ở trong tình trạng bị các cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra, việc các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát xin cấp tín dụng từ SCB gặp khó khăn. Kèm theo đó là tình hình nợ xấu kéo dài. 

Các bị cáo trong phiên tòa giai đoạn 1. Ảnh: HT.

Các bị cáo trong phiên tòa giai đoạn 1. Ảnh: HT.

Từ năm 2018 đến năm 2020, bà Trương Mỹ Lan đề ra chủ trương và chỉ đạo sử dụng 4 công ty: An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu “khống”, với tổng khối lượng là 308 triệu trái phiếu để huy động vốn của 35.824 nhà đầu tư (thứ cấp), thu về hơn 30.000 tỷ đồng. Số tiền này không đúng mục đích phát hành, dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu.

Đồng phạm của bị cáo Trương Mỹ Lan trong vụ này là các bị can: Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB); Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB); Nguyễn Phương Hồng (Phó Tổng Giám đốc thuộc SCB, đã chết); Nguyễn Tiến Thành (Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán TVSI, đã chết) và Hồ Bửu Phương (Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).

Về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, cáo trạng nêu, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập các hợp đồng khống mua bán cổ phần, vốn góp; tư vấn giữa các công ty tại Việt Nam và công ty ở nước ngoài. Thông qua các hợp đồng này, chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam và ngược lại.

Từ ngày 27/10/2012 đến ngày 7/10/2022, bị can Trương Mỹ Lan và 8 bị can đã vận chuyển trái phép hơn 4,5 tỷ USD (tương đương hơn 106.000 tỷ đồng) qua biên giới. Trong đó, chuyển đi 1,5 tỉ USD tương đương hơn 35.361 tỉ đồng, nhận về hơn 3 triệu USD tương đương 71.368 tỉ đồng.

Còn đó những "kẽ hở"

Liên quan đến “đại án” Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát, trong quá trình xét xử giai đoạn 1, HĐXX nhận thấy, các bị cáo đã nắm được những "kẽ hở" trong chính sách thông thoáng của Nhà nước về đăng ký, cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp, từ đó lợi dụng để phạm tội bằng cách lập hàng loạt công ty, doanh nghiệp "ma" nhằm phục vụ mục đích phi pháp như: mua bán hóa đơn, trốn thuế, vay tiền ngân hàng trái quy định…

Hội đồng xét xử phiên tòa Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1. Ảnh: HT.

Hội đồng xét xử phiên tòa Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1. Ảnh: HT.

Những cá nhân đứng tên thành lập doanh nghiệp, cá nhân đứng tên vốn góp, đứng tên đại diện pháp luật đều là người lao động làm thuê, trình độ học vấn hạn chế, nhiều công ty có chung địa chỉ trụ sở. Bên cạnh đó có sự chồng chéo về thành viên góp vốn, những người này hoàn toàn không biết gì hoặc được mượn giấy tờ tùy thân để thành lập doanh nghiệp nhằm thực hiện các khoản vay, giao dịch lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng.

Trong bản cáo trạng giai đoạn 2, cơ quan tố tụng cũng nhận định, vụ án đã cho thấy có những sơ hở, thiếu sót trong một số văn bản quy phạm pháp luật, trong quản lý Nhà nước về lĩnh vực chứng khoán, tài chính, ngân hàng (quản lý ngoại hối, công tác phòng, chống rửa tiền, tín dụng)… Đây là nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội của các bị can. 

Viện KSND sẽ kiến nghị hoàn thiện các quy định pháp luật còn thiếu sót, sơ hở; kiến nghị các cơ quan hữu quan có thể chế, chính sách, giải pháp để khắc phục, phòng ngừa vi phạm, tội phạm.

Theo nhận định của cơ quan tố tụng, có những 'kẽ hở' trong hệ thống văn bản pháp luật đã bị các đối tượng lợi dụng để phạm tội. Ảnh: HT.

Theo nhận định của cơ quan tố tụng, có những "kẽ hở" trong hệ thống văn bản pháp luật đã bị các đối tượng lợi dụng để phạm tội. Ảnh: HT.

Trước đó, hồi tháng 4, trong giai đoạn 1 “đại án” Vạn Thịnh Phát, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình về tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội đưa hối lộ và 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; tổng hợp hình phạt là tử hình.

Theo cáo buộc, từ năm 2012 - 2022, SCB đã giải ngân cho nhóm bị cáo Trương Mỹ Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1 triệu tỉ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng này.

Đến năm 2022, nhóm của bị cáo Trương Mỹ Lan còn 1.284 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỉ đồng (bao gồm khoảng 484.000 tỉ đồng dư nợ gốc và hơn 193.000 tỉ đồng tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.

Ngoài trách nhiệm hình sự, tòa buộc bị cáo Lan bồi hoàn tiền lãi, dư nợ nêu trên. Tính toán khấu trừ phần nghĩa vụ của các bị cáo đã hoàn trả cho bị cáo, số tiền còn phải khắc phục là hơn 673.800 tỉ đồng.

Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Trương Mỹ Lan đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Xem thêm
Phát hiện ngư dân tàng trữ thuốc nổ để đánh bắt cá

Kiên Giang Kiểm tra tàu cá không số đang neo đậu tại vùng biển Phú Quốc, lực lượng chức năng phát hiện khoảng 11kg thuốc nổ được ngư dân tàng trữ để đánh bắt cá trái phép.

Bắt khẩn cấp tài xế xe 7 chỗ gây tai nạn

Lâm Đồng Tối ngày 1/9, Công an thành phố Bảo Lộc ra quyết định bắt khẩn cấp một tài xế vì hành vi Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.