LTS: Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có loạt bài viết phản ánh về tình trạng hoạt động không phép của các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tại huyện Như Thanh, Thạch Thành, Như Xuân, Triệu Sơn... Sau khi báo phản ánh, cơ quan có thẩm quyền đã vào cuộc, xử phạt nhiều cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo có vi phạm sử dụng đất và các hành vi khác có liên quan.
Tuy nhiên, sau khi bị xử phạt, các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát vẫn hoạt động rầm rộ bất chấp sự vào cuộc của cơ quan chức năng và chỉ đạo của tỉnh. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp của vấn đề này ra sao?
Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi nhanh với Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội để làm rõ thêm vấn đề này.
Tại Thanh Hóa, vi phạm của các sở thu mua, chế biến gỗ keo tồn tại trong thời gian dài nhưng không được chính quyền cơ sở xử lý kịp thời. Chỉ khi báo chí phản ánh, tỉnh chỉ đạo, các địa phương mới vào cuộc, nhưng việc xử lý không đến nơi, đến chốn. Theo ông đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?
Hiện nay, pháp luật đã phân định nhiệm vụ, quyền hạn cho từng cấp, để việc quản lý được rõ ràng, rành mạch và hiệu quả, bảo đảm việc phân giao nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với chức năng, thẩm quyền và điều kiện ở mỗi cấp. Như vậy, khi được cấp trên giao nhiệm vụ nhưng cấp dưới không quyết liệt thì có thể đặt ra nghi vấn, có ai “chống lưng” cho sai phạm đối với các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát không? Nếu không có bao che, “chống lưng” thì sao không thể xử lý triệt để vi phạm hoặc xử lý hời hợt? Có khi cơ sở vi phạm có quan hệ với lãnh đạo nên việc xử lý vi phạm sẽ không hiệu quả bởi nếu xử lý cơ sở vi phạm này mà không xử lý cơ sở vi phạm khác thì không ổn.
Mặt khác, sau khi xử phạt xong, các cơ sở vi phạm vẫn tiếp tục hoạt động mà không khắc phục vi phạm về đất có nguyên nhân từ việc thiếu quyết liệt trong công tác kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm đối với hành vi vi phạm. Nếu cấp xã không xử lý được thì chính quyền cấp huyện vào cuộc, huyện không làm được thì tỉnh chỉ đạo các ban ngành vào cuộc chứ không thể "bó tay" được.
Có ý kiến cho rằng, sau khi tỉnh Thanh Hóa ban hành loạt văn bản chỉ đạo kiểm tra thông tin báo nêu, nhưng các địa phương thực hiện chỉ đạo chưa quyết liệt, thậm chí làm cho có lệ, là biểu hiện của tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương. Quan điểm của ông ra sao về nhận định trên?
Nhận định trên không sai. Trách nhiệm của cấp cơ sở, trong đó đặc biệt là vai trò người đứng đầu các địa phương được xem là nguyên nhân không nhỏ.
Thực tiễn đã chứng minh, tỉnh nào, huyện nào có người đứng đầu quyết liệt thì tình hình cơ sở sẽ khác. Nếu người đứng đầu địa phương nghiêm túc, quyết liệt thì cấp dưới cũng không dám làm bậy hoặc thờ ơ, thiếu trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Ngược lại nếu người đứng đầu thiếu quyết liệt, không gương mẫu thì cấp dưới cũng học theo.
Trong vụ việc này, tỉnh Thanh Hóa khá quyết liệt, mà cấp dưới vẫn thờ ơ hoặc không thực thi đúng chức trách, nhiệm vụ được giao thì đó là thái độ thiếu tôn trọng của chính quyền cơ sở trong việc thực hiện chỉ đạo của cấp trên. Đó còn là biểu hiện của tinh thần thiếu trách nhiệm, sợ trách nhiệm, sợ sai, sợ đụng chạm, sợ mất lòng của chính quyền cấp cơ sở trong xử lý vi phạm. Tỉnh Thanh Hóa cần rà soát, chấn chỉnh ngay việc này để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước tại địa phương.
Một số địa phương lấy lý do cán bộ ít và việc xử lý vi phạm tại các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát không thể ngày một ngày hai. Theo ông, lý do nêu trên có thực sự thuyết phục?
Tôi cho rằng, lý do đưa ra không chính đáng. Đồng ý rằng, việc xử lý vi phạm không phải ngày một ngày hai, nhưng cũng không thể để sự việc kéo dài gây bức xúc dư luận. Nếu nói cần thời gian, tại sao chính quyền địa phương không vào cuộc xử lý rốt ráo ngay từ đầu thay vì để “gạo nấu thành cơm” rồi mới kêu khó xử lý?
Còn nếu nói do nhân lực không đủ thì phải báo cáo cấp trên để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ. Trong trường hợp xử phạt nhiều lần nhưng các cơ sở vẫn cố tình thực hiện thì phải ban hành quyết định cưỡng chế để làm gương và răn đe. Quy định của pháp luật về việc này đã rất rõ, quan trọng là cấp dưới có muốn làm hay không thôi. Tôi e rằng, nếu cứ làm hời hợt, mọi thứ sẽ không đi đến đâu, trong khi tồn tại sẽ không được xử lý dứt điểm.
Tỉnh Thanh Hóa đã có chỉ thị về việc tăng cường trách nhiệm trong công tác tham mưu, giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh nói về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, trong đó nhấn mạnh kiên quyết loại bỏ ra khỏi bộ máy các cán bộ, công chức, viên chức tham nhũng, năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm phẩm chất đạo đức, không hoàn thành trách nhiệm được giao. Theo ông, có nên lấy vụ việc này làm căn cứ áp dụng thực hiện Chỉ thị nêu trên không?
Công điện đã nói rõ, quy định pháp luật đã có, tỉnh Thanh Hóa cũng cần nghiên cứu, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở để làm gương, tạo tính răn đe và giáo dục, phòng ngừa chung, cảnh tỉnh cảnh báo đối với cán bộ, đảng viên khác, nhất là người có chức quyền trong việc thực thi nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, để xử lý triệt để các vấn đề tồn tại trong vụ gỗ keo tự phát nói riêng, các vấn đề phát sinh trong đời sống nói chung, cần phát huy vai trò của cơ quan thanh tra, kiểm tra, chứ không nên xử lý vụ việc theo kiểu nửa vời, đầu voi, đuôi chuột. Phải cương quyết chấn chỉnh, xử lý vi phạm không có vùng cấm đối với vi phạm mới hy vọng xử lý triệt để vấn đề tồn tại.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!