| Hotline: 0983.970.780

Đắk Lắk gặp khó với bộ tiêu chí mới

Thứ Năm 05/10/2023 , 10:43 (GMT+7)

Bộ tiêu chí nông thôn mới ở mức độ cao hơn so với thực tế nên các địa phương tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành các mục tiêu.

Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm mới và ở mức độ cao hơn so với thực tế tại các địa phương trong tỉnh Đắk Lắk. Vì vậy, các địa phương khi thực hiện gặp không ít khó khăn. Hiện các ngành và địa phương trong tỉnh Đắk Lắk đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các tiêu chí để xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.

Xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. Sau đó, UBND huyện Cư M’gar có chủ trương xây dựng xã Cư Suê đạt nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Tuy nhiên, theo bộ tiêu chí mới hiện xã Cư Suê gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành các mục tiêu.

Ông Đặng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Cư Suê cho biết, việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới đang gặp nhiều trở ngại vì mức độ đánh giá khó hơn. Các tiêu chí nông thôn mới đã hoàn thành cũng chỉ được đánh giá đạt chuẩn ở mức cơ bản chứ không phải thang điểm 10/10. Do đó, với bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, địa phương còn phải phấn đấu rất nhiều cũng như cần sự hỗ trợ của cấp trên.

Các địa phương tại Đắk Lắk hiện gặp khó khăn trong việc xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới. Ảnh: Quang Yên.

Các địa phương tại Đắk Lắk hiện gặp khó khăn trong việc xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới. Ảnh: Quang Yên.

“Xây dựng nông thôn mới hiện nay khó khăn nhất là về cơ sở hạ tầng tại các buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây theo quy định đường giao thông chỉ cần cứng hóa nhưng bây giờ phải bê tông hóa 100%. Tuy nhiên đường nội thôn buôn tại địa phương còn rất nhiều chưa thể thực hiện. Đối với tiêu chí hộ nghèo thì địa phương phải đầu tư cho họ thoát nghèo mới hoàn thành”, ông Hoan nói.

Ông Hoan cho biết thêm, khó khăn nhất là về tiêu chí môi trường hiện nay mới cơ bản vì địa phương chưa có bãi rác riêng cho xã.

“Để hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới nâng cao xã cần hỗ trợ khoảng 50-60 tỷ đồng để tập trung đầu tư hệ thống giao thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Về phía địa phương, trước mắt năm nay sẽ phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 11% xuống 8%; tăng thu nhập bình quân đạt 55-60 triệu đồng/người/năm”, ông Hoan nói.

Còn xã Ea Đrông (thị xã Buôn Hồ) là xã đặc thù với trên 83% hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp nên còn nhiều khó khăn. Khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ, xã Ea Đrông đã được đầu tư nhiều chương trình, đề án hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế - xã hội cũng như giúp người dân nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, kinh tế xã hội từng bước phát triển.

Sau thời gian triển khai, xã Ea Đrông được công nhận nông thôn mới vào năm 2021. Tuy xã Ea Đrông được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nhưng địa phương này vẫn còn một số chỉ tiêu đạt không cao hoặc "nợ" lại. Đơn cử như với tiêu chí số 2 về giao thông, chỉ tiêu tỷ lệ đường thôn, bản, ấp và đường liên thôn, bản, ấp được cứng hóa và bảo trì hằng năm theo quy định chung phải đạt 100% nhưng địa phương mới chỉ đạt trên 70%.

Hiện nay tỷ lệ đường ngõ, xóm được cứng hóa, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp chỉ mới đạt trên 60% so với chỉ tiêu trên 85%. Còn tiêu chí thu nhập phải đạt 52 triệu đồng trở lên/người (năm 2022) và tăng theo từng năm cũng rất khó bởi hiện nay xã Ea Drông chỉ mới đạt khoảng 42 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, các tiêu chí giáo dục, hộ nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn… sẽ là thách thức không nhỏ cho địa phương.

Theo lãnh đạo UBND xã Ea Đrông, địa phương từ một xã vùng II có 4 buôn đồng bào thiểu số đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, với sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân, xã Ea Đrông đã cán đích nông thôn mới. Tuy nhiên bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu khá cao nên đối với địa phương sẽ khó áp dụng.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.