Đăk Lăk lại là tỉnh có nhiều diện tích cây công nghiệp dài ngày, nhu cầu về nước tưới rất cao. Hàng chục ngàn ha cây trồng của tỉnh này đang oằn mình chờ nước trong bối cảnh hạn hán diễn ra khốc liệt.
80.000ha cây trồng bị đe dọa
Đăk Lăk đang có 770 công trình thủy lợi, trong đó có 600 hồ chứa nước lớn, nhỏ. Có khoảng 300 hồ chứa trên địa bàn tỉnh này đang ở dưới mực nước chết, số còn lại mực nước chỉ còn tích được khoảng 60% dung tích thiết kế. Trong vụ ĐX 2015 - 2016, toàn tỉnh có khoảng gần 273.000ha cây trồng cần nước tưới. Trong đó, cây trồng ngắn ngày là 46.000ha, gồm 32.903ha lúa nước, 3.309ha ngô và 9.800ha các loại cây trồng khác; 226.000ha cây công nghiệp dài ngày, gồm 203.000ha cà phê, 21.000ha tiêu, 2.000ca cao.
Theo ông Đoàn Quang Hưng, Phó chánh Văn phòng thường trực BCH Phòng chống thiên tai-TKCN tỉnh Đăk Lăk, do thiếu hụt nguồn nước tưới nên hiện nay toàn tỉnh này có 8.507ha cây trồng bị hạn. Trong đó có 1.112ha lúa, trong số đó có 214ha nằm cuối nguồn các CTTL nhỏ đã bị mất trắng; 7.359ha cà phê ăn nước tưới từ các giếng, suối nhỏ hoặc các CTTL nhỏ cũng đang khô khốc.
Dự kiến đến cuối tháng 3/2016 này, tình hình khô hạn trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk sẽ diễn ra diện rộng, gay gắt hơn, khiến công tác chống hạn ngày càng gặp khó khăn khi đã cạn kiệt nguồn nước. Dự kiến trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh này sẽ có khoảng 80.000ha cây trồng bị hạn, trong đó có 70.000ha cà phê và 10.000ha lúa nước. Số hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt cũng sẽ tăng đến khoảng 25.000 hộ.
“Hiện đã có khoảng 5.300 hộ dân trên địa bàn tỉnh bị thiếu nước sinh hoạt, tập trung chủ yếu các vùng dân cư sử dụng giếng đào và suối nhỏ. Một số giếng khoan của các công trình cấp nước tập trung cũng đã bị hụt nước do lượng nước ngầm giảm nhanh. Tại địa bàn TP Buôn Ma Thuột đã bắt đầu áp dụng lịch cấp nước luân phiên”, ông Đoàn Quang Hưng, cho biết. |
“Trong 10 năm qua, tỉnh Đăk Lăk gánh chịu rất nhiều loại hình thiên tai, thế nhưng thiệt hại do hạn hán chiếm đến 80%. Chỉ tính riêng năm 2015, hạn hán đã gây hại cả vụ ĐX lẫn HT, gây thiệt hại đến 2.200 tỷ đồng”, ông Hưng cho hay.
Gian nan phòng chống
Những năm qua trên địa bàn Đăk Lăk vắng mưa, dẫn đến việc tích nước trong các hồ chứa không đủ, mực nước ngầm và sông suối thấp hơn trung bình nhiều năm. Trong khi đó mùa mưa lại kết thúc sớm, cây trồng vụ ĐX phải ăn nước hồ chứa làm tiêu tốn nguồn nước dự trữ. Với đặc điểm địa hình đồi núi, nhiều sườn dốc, nếu có mưa nước cũng chảy tràn rất nhanh, chưa kịp thấm vào đất nên mạch nước ngầm không có lượng nước bổ sung.
Thêm vào đó, thổ nhưỡng ở một số vùng như Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Bông, M’Đrăk… nhiều sỏi sạn, có tính năng giữ nước kém.
“Đáng quan ngại là diện tích rừng trên địa bàn ngày càng bị thu hẹp, thảm thực vật trở nên nghèo kiệt làm giảm khả năng điều tiết khí hậu. Bề mặt thảm thực vật mỏng, độ che phủ rừng kém càng làm ảnh hưởng đến điều tiết nguồn sinh thủy trong mùa khô”, ông Đoàn Quang Hưng, Phó chánh Văn phòng thường trực BCH Phòng chống thiên tai-TKCN tỉnh Đăk Lăk, trăn trở.
Suối cạn không, nông dân mỏi mòn chờ nước
Vấn đề “đau đầu” nhất của ngành nông nghiệp Đăk Lăk trong bối cảnh hạn hán là việc chủ động rà soát nguồn nước để cân đối, xây dựng kế hoạch SX cho phù hợp với điều kiện thực tế chỉ có thể thực hiện được đối với các loại cây trồng ngắn ngày như lúa, ngô, các loại rau màu. Trong khi đó trên địa bàn tỉnh này có diện tích trồng cây cà phê và hồ tiêu khá lớn, những loại cây công nghiệp dài ngày này không thể điều chỉnh theo thời vụ. Do đó, khi hạn hán xảy ra là vô phương chống đỡ, gây thiệt hại nặng về kinh tế.
Hiện nay Đăk Lăk áp dụng nhiều giải pháp để chống hạn, từ các biện pháp công trình như: Nạo vét các cửa lấy nước và hệ thống kênh mương, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến, đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước… kể cả những biện pháp phi công trình như khuyến cáo nông dân SX theo kế hoạch, không gieo trồng ở những vùng không có khả năng tưới nhằm tránh thiệt hại do hạn, cả hệ thống chính trị vào cuộc quản lý chặt nguồn nước, kể cả nguồn nước ngầm, áp dụng các giải pháp tưới tiết kiệm. Đặc biệt nỗ lực vận động nông dân thực hiện chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp để ứng phó với hạn hán kéo dài.