| Hotline: 0983.970.780

Đảm bảo ăn chắc lúa Thu Đông

Thứ Tư 01/08/2018 , 13:20 (GMT+7)

Theo dự báo năm nay tại ĐBSCL lũ về sớm hơn so mọi năm, đặc biệt đang vào cao điểm xuống giống vụ lúa Thu Đông (TĐ).

Ngành nông nghiệp các tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống lũ lớn bất thường, gia cố đê bao, cống đập...

14-57-52_nh_1_ngnh_nong_nghiep_tinh_n_ging_cung_nguoi_dn_de_gi_co_de_bo_nhm_phuc_vu_sx_lu_td_dm_bo_n_ton
An Giang gia cố đê bao để SX lúa TĐ an toàn

Hiện diện tích lúa trên đồng ruộng tại Kiên Giang còn rất lớn. Lúa Hè Thu (HT) (và cả lúa xuân hè gieo sạ ngoài kế hoạch) với tổng diện tích xuống giống là 304.620/280.000ha kế hoạch, đến nay các địa phương mới thu hoạch được khoảng 90.000ha. Lúa TĐ đang xuống giống được 40.000/74.000ha. Nông dân đang rất lo lắng trước thông tin nước lũ năm nay sẽ về sớm và ở mức cao, có khả năng gây thiệt hại cho SX.

Nằm trong vùng rốn lũ của vùng tứ giác Long xuyên, các huyện Hòn Đất, Giang Thành (Kiên Giang) thường bị ảnh hưởng rất nặng khi có lũ lớn đổ về. Ông Dương Huy Bình, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hòn Đất cho biết, lúa HT của huyện mới bước vào đầu vụ, diện tích đã thu hoạch là 5.000/79.213ha. Bên cạnh đó, còn khoảng 2.000ha lúa HT trễ và 2.257/5.000ha lúa TĐ mới gieo sạ. Nếu lũ về sớm, cộng với thời tiết mưa nhiều sẽ gây ngập úng, thiệt hại đến năng suất.

“Lo ngại tình hình mưa, lũ năm nay, huyện chỉ đạo không mở rộng diện tích lúa TĐ, chỉ xuống giống ở những vùng được quy hoạch, có đê bao và hệ thống bơm tưới, tiêu hoàn chỉnh. Cùng với đó là tập trung gia cố đê bao, đảm bảo an toàn, không để xảy ra sự cố gây thiệt hại cho SX”, ông Bình cho biết.

Ông Nguyễn Văn Tâm, GĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang nhận định, do năm nay ảnh hưởng của mưa lớn trên diện rộng, từ đầu tháng 7 đến nay, ngành nông nghiệp Kiên Giang đã mở các cống trên đê biển Tây, cống ven sông cái Bé, hệ thống cống Ô Môn – Xà No, đê bao vùng đệm U Minh Thượng nhằm tiêu úng để bảo vệ SX nông nghiệp.

Theo dự báo, đến cuối tháng 7, mực nước tại sông Hậu có khả năng lên mức 2,9m, xấp xỉ ở mức báo động I (báo động 1 là 3,0m). Các trạm trong nội đồng của tỉnh Kiên Giang như: Ba Thê, Tân Hiệp, Giồng Riềng mực nước đang cao hơn cùng kỳ từ 0,02 – 0,05m, đạt mức từ 0,63 – 0,76m. Nếu lượng nước tiếp tục đổ về, có nguy cơ xảy ra ngập úng ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, kênh rạch ngoài đê bao ở một số địa phương như: Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất…

Tại An Giang, ông Phạm Thành Tâm, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện An Phú cho biết, An Phú nằm đầu nguồn giáp biên giới Campuchia đang có lũ từ thượng nguồn sông Mekong đổ về nhưng lịch xuống giống vụ TĐ muộn hơn các tỉnh lân cận. Từ ngày 1/8 -15/9 sẽ gieo sạ khoảng 5.000ha lúa và xuống giống 3.000ha hoa màu. Vụ lúa HT vừa rồi có hàng trăm hecta ngoài đê bao còn khoảng 2 tuần nữa thu hoạch thì bị lũ về sớm gây thiệt hại từ 30 - 60% diện tích.

Vì vậy vụ lúa TĐ năm nay huyện An Phú khuyến cáo xuống giống tập trung trong 3 tiểu vùng có đê bao an toàn, chống lũ tốt. Tăng cường gia cố đê bao ở những nơi chưa an toàn và nâng cấp các trạm bơm điện phục vụ tiêu úng để đề phòng khi có sự cố xảy ra. Không SX lúa ở nơi có đê bao không đảm bảo, chuyển sang trồng hoa màu hoặc nuôi trồng thủy sản.

Ông Trần Anh Thư, GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết, tỉnh cơ bản thu hoạch lúa HT đạt 90% diện tích và đang xuống giống vụ TĐ. Vụ này có hơn 400 tiểu vùng đê bao an toàn cho phép xuống giống 179.000ha lúa và 16.000ha rau màu, nuôi trồng thủy sản mùa lũ. Bên cạnh đó những diện tích đê bao không an toàn hoặc ngoài đê bao thì khuyến cáo không xuống giống, thực hiện xả lũ cho 26 tiểu vùng ở các huyện Tri Tôn, Châu Phú, Tịnh Biên, Phú Tân và TX Tân Châu.

Ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Long An cho biết: Lũ năm nay về sớm hơn so với cùng kỳ, lại trùng với sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào. Nhưng theo nhìn nhận nguồn nước từ đập thủy điện đó về đến vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên phải qua hơn 650km. Nếu về tới ĐBSCL thì mực nước lũ tăng thêm 3 - 5cm là không đáng kể. Trước tình hình lũ đang về theo quy luật hàng năm từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 11, các ngành chức năng trong tỉnh đã hỗ trợ người dân gia cố đê bao bảo vệ đất SX, tổ chức bơm rút nước và thu hoạch nhanh lúa HT muộn nhằm giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất.

Theo HTX Nông nghiệp dịch vụ 1/5 (xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng, Long An), thời điểm này năm ngoái nước lũ cũng về sớm làm ngập lúa. Vì vậy, năm nay các xã viên chủ động ứng phó, thấy lũ về là gia cố ngay đê bao; phân công người canh giữ, bơm rút nước liên tục để bảo vệ lúa chín...

"Để chủ động ứng phó với đợt nước lên do triều cường và các tình huống mưa, dông, lốc ảnh hưởng đến SX lúa TĐ, tỉnh theo dõi chặt chẽ, chủ động có biện pháp, phương án ứng phó hiệu quả, đảm bảo SX và sinh hoạt của người dân. Kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó đảm bảo an toàn hệ thống đê bao, hồ đập, khu vực sạt lở bờ sông, công trình đang thi công, chống ngập đô thị do ảnh hưởng bởi nước dâng và triều cường”, ông Trần Anh Thư.

 

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.