| Hotline: 0983.970.780

Đảm bảo an toàn hồ Dầu Tiếng

Thứ Tư 10/10/2018 , 13:50 (GMT+7)

Tây Ninh được cho là khí hậu tương đối ôn hòa, ít chịu ảnh hưởng của trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, nơi đây có hồ Dầu Tiếng nên nguy cơ thiên tai lớn nhất là khi có bão lũ lớn xảy ra...

Kiểm tra cống, đập thường xuyên

Theo đó, khi có mưa bão xảy ra, nước lũ dâng cao thì hồ Dầu Tiếng phải tiến hành xả lũ, có thể gây ngập lụt ở vùng hạ lưu, ảnh hưởng đến các địa phương như Tây Ninh, Bình Dương, Long An và TP.HCM.

11-17-30_1
Ông Võ Đức Trong (GĐ Sở NN-PTNT Tây Ninh- bên trái) cùng Đoàn kiểm tra PCTT - TKCN của Trung ương đi kiểm tra thực địa

Một nghiên cứu của Tổng cục Thủy lợi cho biết, khi hồ Dầu Tiếng xả trên 500 m3/giây thì mực nước sông Sài Gòn tại Thủ Dầu Một (Bình Dương) và Phú An (TP.HCM) vượt báo động 3. Nếu xả 2.800 m3/giây thì có khoảng 26 ngàn ha thuộc 111 xã, phường ở Bình Dương và TP.HCM bị ngập. Còn khi đập vỡ thì có khoảng 34 ngàn ha của 125 xã, phường chìm trong biển nước.

Còn theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn TP.HCM (PCTT - TKCN), khi mưa lớn kéo dài sinh ra lũ lớn, lũ kép thì bắt buộc đơn vị quản lý, vận hành hồ Dầu Tiếng phải xả tràn ở mức cực đại, tức khoảng 2.800 m3/giây. Trong vòng 9 giờ sau đó, nước sẽ đổ về huyện Củ Chi, TP.HCM và gây úng ngập..

Mặc dù, đến nay nguy cơ nói trên chưa từng xảy ra, tình trạng công trình đập luôn đảm bảo an toàn qua kiểm định, nhưng tỉnh Tây Ninh vẫn thường xuyên yêu cầu Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, đơn vị quản lý và vận hành hồ Dầu Tiếng kiểm tra định kỳ, bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình và vùng hạ du; kiểm tra các công trình đầu mối như đập tràn xả lũ, đập Bầu Vuông, cống kênh chính Đông, chính Tây, bờ hồ... trước mùa mưa lũ hàng năm để kịp thời phát hiện, sửa chữa, bảo vệ an toàn công trình, đồng thời ban hành “Kế hoạch sẵn sàng đối phó trong trường hợp khẩn cấp” của Tổng cục Thuỷ lợi.
 

Xây dựng cộng đồng dân cư an toàn

Đáng nói, do ảnh hưởng của các hiện tượng giông, lốc, mưa lớn kết hợp nước từ thượng nguồn Campuchia đổ về mà thời gian gần đây đã gây thiệt hại khá nặng nề cho SXNN và tài sản người dân ở địa phương.

Theo Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Tây Ninh, trong 9 tháng đầu năm 2018 đã xuất hiện 4 cơn bão, trong đó 1 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp. Cụ thể, từ ngày 1/1 đến ngày 20/8, trên địa bàn tỉnh xảy ra 40 vụ thiên tai, gây thiệt hại 141 căn nhà (1 căn nhà bị sập, 140 căn nhà bị tốc mái), 264 ha cây trồng, 41 trụ điện bị gãy với tổng giá trị thiệt hại là 5,8 tỷ đồng, nhưng không có thiệt hại về người.

Cũng trong 8 tháng qua, chính quyền địa phương đã hỗ trợ khắc phục hậu quả sau thiên tai với kinh phí gần 175 triệu đồng, trong đó hỗ trợ khôi phục SXNN bị thiệt hại từ nguồn Quỹ Phòng chống thiên tai trên 150 triệu đồng/102,55 ha cây trồng, hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở từ ngân sách cấp huyện là 24 triệu đồng.

Mới đây, Đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT -TKCN đã về tỉnh Tây Ninh kiểm tra công tác này.

Theo Đoàn kiểm tra, Tây Ninh hiện vẫn còn một số xã, phường chậm xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai giai đoạn 2016-2020 và đặc biệt là chưa có phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai.

Đoàn kiểm tra đã đề nghị tỉnh xây dựng những cộng đồng dân cư an toàn tại các nơi tiềm ẩn nguy cơ xảy ra thiên tai. Những cộng đồng này cần được trang bị kiến thức, trang thiết bị; cần được xây dựng kỹ năng phòng chống thiên tai; tập huấn, diễn tập ứng phó thiên tai. Họ cần được truyền thông, giáo dục để có tinh thần sẵn sàng ứng phó với thiên tai, biết cách sơ tán khi thiên tai xảy ra và biết phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai. Những cộng đồng này cần được hướng dẫn cho từng nhóm đối tượng biết việc của mình trước, trong và sau thiên tai.

Theo Ban Chỉ huy PCTT - TKCN Tây Ninh, cần tăng cường công tác truyền thông ở các cấp chính quyền và cho người dân, mở rộng hình thức truyền thông như ứng dụng mạng xã hội và gửi tin nhắn SMS qua mạng viễn thông; cần kiện toàn văn phòng các BCH phòng chống thiên tai địa phương, phát huy thế mạnh của quân dân y kết hợp trong tìm kiếm, cứu nạn và phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, cũng cần có kế hoạch dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men...

 

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.