| Hotline: 0983.970.780

Đàn bà kiếm tiền, đàn ông… nội trợ

Thứ Năm 28/02/2013 , 10:16 (GMT+7)

Có một làng quê chỉ cách Hà Nội chưa đầy 30km, người phụ nữ ngay từ nhỏ đã đóng vai trò về trụ cột kinh tế.

Ở nước ta, việc phụ nữ trở thành trụ cột kinh tế của gia đình vẫn còn khá ít. Tuy nhiên, có một làng quê chỉ cách Hà Nội chưa đầy 30km, người phụ nữ ngay từ nhỏ đã đóng vai trò về trụ cột kinh tế. "Phụ nữ ở đây mới là người kiếm tiền, còn đàn ông thì lại là người chăm lo nhà cửa, con cái" – hầu hết người dân xã Ninh Hiệp (Gia Lâm) đều nói vậy.

Phố trong làng và vai trò của nữ thương nhân

Với lịch sử hơn 1000 năm, Ninh Hiệp được người ta biết đến như một đô thị sầm uất với chợ vải, chợ thuốc Bắc lớn nhất trong cả nước. Người dân ở đây dễ kiếm tiền và số hộ giàu đếm không xuể. Ở Ninh Hiệp, không khí bận rộn, tấp nập suốt ngày đêm: Chợ vải luôn đông đúc; máy may chạy êm ru trong các cửa hàng may… Bây giờ người ta bán vải từ ngoài cổng vào trong làng, đến tận chợ. Nhưng trong tất cả các sạp bán vải chỉ thấy phụ nữ, thi thoảng lắm mới thấy bóng dáng đàn ông. Lí giải điều này, chị Xuân (thôn 4) cho hay: Các ông chồng ở nhà trông con, nấu cơm. Muốn gặp các ông thì chỉ có hai thời điểm chính là sáng sớm khi đưa hàng ra chợ giúp vợ, và buổi chiều tối giúp vợ dọn dọn hàng về.

Một cao niên trong làng cho biết, trong những năm 80 của thế kỷ trước, làng chỉ có nghề làm thuốc bắc và hái sen bán thì cả phụ nữ và đàn ông đều ra đồng, cùng hái sen để kiếm tiền nuôi gia đình. Nhưng ngay sau khi Nhà nước mở cửa cho tự do buôn bán, những người nhanh nhạy trong làng đã sang Trung Quốc lấy vải về bán. Dần dần Ninh Hiệp trở thành chợ đầu mối cung cấp vải Trung Quốc cho cả nước. Cũng chính vì thế mà người phụ nữ chuyển dần sang buôn bán, kinh doanh, nam giới chuyển dần sang phục vụ kinh doanh. Tất nhiên, người đàn bà đã dần dần thế chỗ cho các ông chồng trong việc kiếm tiền. Công việc đồng áng dành cho người già, trẻ em hoặc cho thuê... Người đàn ông đảm nhiệm vai trò xã hội trong gia đình, gia tộc, làng xóm hơn là vai trò phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Mạnh Nền, thôn 7 cũng phải công nhận: “Phụ nữ ở đây giỏi lắm. Mọi công việc buôn bán, chợ búa và thậm chí cả quản lý tiền nong cũng đều do phụ nữ đảm nhận: Nhà nào cũng xây to như biệt thự. Hầu hết trong các gia đình đều có các phương tiện hiện đại như máy thu hình, đài, video, xe máy, ôtô... Còn những đức lang quân chỉ ở nhà, uống rượu, hút thuốc, chăm con... Quả thực là đàn ông “hơi ít” việc”.

Một nghiên cứu xã hội học về sự quan tâm các giá trị xã hội trong tương quan so sánh giữa nam và nữ cũng cho thấy: Phụ nữ Ninh Hiệp quan tâm nhiều đến việc định hướng mở mang sản xuất tiểu thủ công nghiệp rõ nét hơn nam giới. 62% nữ giới quan tâm nhiều đến chính sách vay vốn (nam giới là 56,8%); chính sách việc làm: 62,5% ở nữ so với 43,2% ở nam, bảo hiểm sản xuất 31,3% so với 16,6% ở nam giới....

Bảo vợ bỏ buổi chợ còn khó hơn cả việc “lên trời”

Một ngày của người phụ nữ ở chợ vải Ninh Hiệp bắt đầu rất sớm: Khoảng 6 giờ sáng, kết thúc ngày khoảng 7 giờ tối. Đấy là chưa kể những hôm bán được hàng, có khi 8, 9 giờ tối mới nghỉ. Dọn hàng xong về đến nhà đã mệt lử. Họ chỉ có mỗi việc đưa tiền cho chồng, rồi đi nghỉ. Ai cũng nói người dân ở đây giàu lắm, phụ nữ Ninh Hiệp lúc nào cũng chỉ muốn kiếm tiền thật nhiều cho chồng, cho con, và hầu như họ không có điều kiện quan tâm đến bản thân mình.

Quả thực, vào những ngày bình thường, đố ai bắt được chị nào nghỉ chợ. Họ tiếc buổi bán hàng, tiếc một vài triệu tiền lãi. Phải gợi chuyện khéo lắm, chị Hương mới tiết lộ: “Mỗi ngày bán hàng ít cũng được chục triệu, nhiều thì bảy tám chục triệu. Tiền lãi trung bình mỗi ngày khoảng 2 -3 triệu”. Các chị quan niệm: Bây giờ còn trẻ thì kiếm tiền, bao giờ già thì nghỉ ngơi và du ngoạn cũng chưa muộn. Cứ như thế, vòng xoáy của những đồng tiền cứ cuốn các chị đi, cuốn từ mẹ sang con, từ bà sang cháu...

Chẳng thế mà, ở Ninh Hiệp, không ít chị em đã học xong đại học lại trở về làng… bán vải. Là con út, lại học khá nhất nên chị Thơ được gia đình tạo mọi điều kiện cho đi học. Sau hai năm bươn trải ở thành phố mà không tìm được công việc như ý. Chị Thơ lấy chồng và lại “tiếp nối nghề đi buôn truyền thống” của mẹ và các chị. Mới 25 tuổi, nhưng chị đã có trong tay số vốn hơn một tỉ đồng. Một phần do bố mẹ đẻ hỗ trợ, phần khác là do sự chăm chỉ, nhanh nhạy với thị trường của chị Thơ. Tâm sự với chúng tôi, chị kể: “Nhiều người nói học đại học xong lại về đi buôn thì học làm gì cho phí cơm gạo của bố mẹ. Nhưng mình thấy rằng, có học vẫn hơn. Với vốn kiến thức đã được học, lại thêm sự thành thạo tiếng Trung nên mình rất thuận lợi trong việc giao dịch với bạn hàng Trung Quốc. Nhà mình sang bên đó lấy hàng không cần phiên dịch viên, mọi chuyện thường được giải quyết rất nhanh chóng”.

Theo gương chị Thơ, hiện nay phong trào học tập của người dân Ninh Hiệp cũng đi lên trông thấy. Trước đây, những cô gái mới lớn lên một chút đã theo mẹ ra chợ buôn vải nên có người thậm chí chưa học hết trung học phổ thông, giờ họ đua nhau đi học thêm tiếng Trung (đã có một lớp học được mở ra ở làng để đáp ứng nhu cầu này). Còn các sinh viên ở làng cũng “tính” trước, đa số chuyên về học tiếng Trung để sau này nếu không xin được việc làm thì cũng yên tâm về cuộc sống của mình.

Đàn ông Ninh Hiệp có “thất thế”?

Nhiều người quan niệm, khi người chồng không còn là trụ cột kinh tế sẽ không làm chủ được gia đình. Liệu những người chồng ở Ninh Hiệp có cảm thấy mình "thất thế"? – “Không hề có chuyện đó”, ông Nguyễn Mạnh Nền khẳng định.

Có thể thấy, đàn ông ở đây sống khá thoải mái, nhàn hạ. Có tiền vợ đưa, một số ông chồng đi nhậu nhẹt, chơi tổ tôm, đánh bạc… là chuyện bình thường. Chị Phương bán hàng ăn sẵn trong chợ Ninh Hiệp bức xúc: “Đàn ông ở đây sướng lắm, phụ nữ thì vất vả hơn. Bản thân mình đây này, đẻ con xong có được kiêng khem gì đâu, một tháng đã ra chợ ngồi. Ông chồng ở nhà chả làm gì nhưng nhất định không chịu ra chợ phụ mẹ”. Được lời như cởi tấm lòng, chị Phương bắt đầu một seri "kể xấu" chồng.

Song, những ông chồng như chồng chị Phương không phải trường hợp cá biệt. Nhưng cũng may là chị Phương chỉ bán quanh trong chợ, chứ không thường xuyên phải đi xa như nhiều chị em ở đây. Vẫn theo lời kể của chị Phương, có một số ông chồng “nhân cơ hội” vợ sang Trung Quốc lấy hàng (mỗi chuyến thường đi từ 1 - 2 tuần; 3 - 4 tháng đi một lần) đã ra “tòm tem” ở ngoài. Vợ biết cũng không làm gì được, nói thì bị mắng, thậm chí là đánh cả vợ. Phải chăng chính người phụ nữ ở đây đã làm “hư” chồng?

Khi đem những chuyện này hỏi, bà Chủ tịch Hội phụ nữ xã lảng tránh: "Ở đâu mà chả có chuyện ấy. Ở đây chỉ khác một điều là, có nghề buôn bán nên phụ nữ là lao động chính thôi. Nhưng gia đình vẫn tôn ti lắm. Đàn bà kiếm tiền là chính, nhưng đàn ông vẫn là chủ gia đình, không bao giờ có chuyện vợ coi thường chồng vì làm được nhiều của cải hơn đâu".

Khi mà người vợ suốt ngày tất bật với hàng hoá, tiền nong, khi mà họ chỉ chăm chăm vào kiếm tiền thì việc gia đình, chồng, con cũng khó vẹn toàn. Bán hàng đến tối mới về, nếu chị nào may mắn có người chồng thông cảm, biết chia sẻ công việc nhà thì sẽ có cơm dẻo, canh ngọt đợi sẵn. Nhưng nhiều ông chồng ở nhà chỉ cắm hộ vợ nồi cơm, lúc nào vợ về thì mua mấy món thức ăn nấu sẵn. Thế là xong! (Buổi chiều ở chợ Ninh Hiệp, thức ăn chín bao nhiêu bán cũng hết!)

Trên đường về, chúng tôi cứ băn khoăn mãi: Chẳng biết đến bao giờ những người phụ nữ bán vải trong làng mới dám bỏ buổi chợ để “tự thưởng” cho mình và chồng con một ngày trọn vẹn? Song, lại thấy lòng ấm lại khi bà Dung (cán bộ phụ nữ xã) tiết lộ: "Hiện nay, một số chị em thương nhân lớn ở Ninh Hiệp cũng đã biết dành thời gian tổ chức cho gia đình đi tham quan, nghỉ mát, biết mua sắm, trang điểm cho mình, chứ trước đây, dù làm ra nhiều tiền, cũng không bao giờ có chuyện đó".

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm