Ông Nguyễn Tiến Hùng, một chủ trang trại nuôi gà tại xã Hoằng Đại, huyện Hoằng Hóa cho biết, nắm bắt nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong điều kiện dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, gia đình ông đã không ngừng đầu tư, nâng cấp, mở rộng trang trại chăn nuôi gà.
Đến nay, trang trại của gia đình ông có trên 20 nghìn con gà đẻ, mỗi ngày cung ứng ra thị trường khoảng 15 nghìn quả trứng. Trong số này có khoảng 7 nghìn trứng cung cấp cho Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần.
“Chúng tôi vừa tăng tổng đàn để đáp ứng nhu cầu thị trường nhưng cũng vừa từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học. Đó là cách tốt nhất để đảm bảo đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, tránh dịch bệnh.
Việc liên kết với Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần vừa để có kênh tiêu thụ sản phẩm bền vững vừa muốn đưa đến tay người tiêu dùng những sản phẩm tốt nhất”, ông Hùng cho hay.
Ông Hùng cũng cho biết thêm, nhờ có kênh tiêu thụ tin cậy, chăn nuôi an toàn sinh học đảm bảo, từ đầu năm 2019, kể từ thời điểm dịch tả lợn châu Phi xuất hiện đến nay, trang trại gia đình ông thu lãi hàng trăm triệu đồng từ việc bán trứng gà.
Bà Tống Thị Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần cho biết, kể từ thời điểm dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, giá trứng và thịt gia cầm lên xuống thất thường nhưng nhìn chung sản phẩm từ gia cầm ngày càng được người tiêu dùng chú ý, sử dụng nhiều hơn để thay thế nguồn cung thịt lợn khan hiếm.
Nắm bắt điều này, công ty không ngừng liên kết với các hộ chăn nuôi để có sản phẩm chất lượng cung ứng ra thị trường. Cùng với việc nhiều doanh nghiệp khác tại Thanh Hóa đang phát triển theo xu hướng này, theo bà Hiền, đây có lẽ là nguyên nhân chính khiến đàn gia cầm trong tỉnh đang tăng từng ngày.
“Riêng công ty tôi hiện nay đã có 15 trang trại vệ tinh chăn nuôi gà. Sản phẩm của chúng tôi 50% được cấp cho các bếp ăn tập thể, trường học, bệnh viện... 50% cấp cho các đại lý tuyến huyện. Sản lượng ngày càng tăng nhưng hàng bán rất chạy, cho thấy xu hướng chăn nuôi an toàn đang được người tiêu dùng đón nhận.
Bên cạnh đó, phải nói, việc nhiều hộ dân chuyển từ nuôi lợn sang nuôi gia cầm cũng đang tạo ra một sự cạnh tranh sòng phẳng, quyết liệt. Và một điều nữa, đã có không ít người tiêu dùng đã chuyển từ thói quen sử dụng thịt lợn sang thịt, trứng gia cầm. Có lẽ, cơ cấu bữa ăn của người Việt thay đổi đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi gà hiện nay”, bà Hiền nêu quan điểm.
Còn ông Lê Huy Cường, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Hoằng Hóa cho rằng, nguyên nhân chính khiến đàn gia cầm trên địa bàn tăng là bởi rất nhiều hộ chuyển từ nuôi lợn sang nuôi gà, vịt sau dịch tả lợn châu Phi. Hạ tầng nuôi gia cầm không đòi hỏi quá tốn kém như đầu tư nuôi lợn, phù hợp với chăn nuôi nông hộ hiện nay.
“Trước dịch tả lợn châu Phi, toàn huyện có khoảng 1,1 triệu con gia cầm thì nay tăng lên 1,3 triệu con. Số lượng đàn gia cầm tăng là do có nhiều hộ chuyển từ nuôi lợn sang nuôi gia cầm. Nuôi gia cầm không đòi hỏi đầu tư hạ tầng chăn nuôi tốn kém, chỉ cần điều chỉnh, thay đổi chút ít chuồng trại nuôi lợn là có thể chuyển sang nuôi gia cầm”, ông Cường thông tin.
Không chỉ vùng biển, vùng đồng bằng của tỉnh Thanh Hóa có xu hướng phát triển đàn gia cầm mà các huyện miền núi cũng dần chuyển đổi vật nuôi, tăng đàn gia cầm thay cho việc tập trung vào phát triển đàn lợn.
Ông Nguyễn Văn Thành, một hộ chăn nuôi gà tại làng Tôm, xã Ái Thượng, huyện Bá Thước cho hay, việc người dân chuyển sang nuôi gia cầm thời điểm này như là một điều tất yếu.
“Sau dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ ở đây chuyển sang nuôi gia cầm. Nuôi gia cầm, rủi ro cũng cao nhưng đầu tư ít, lại phù hợp với tình hình cung cầu thực phẩm hiện nay. Sau dịch, ở đây đã thành lập HTX chăn nuôi gà đồi Bá Thước, tôi cũng là thành viên. Hiện nay, đàn gà của tôi đã tăng từ 2 nghìn lên 8 nghìn con. Hi vọng là giá gà sẽ ổn định để người nuôi có lãi”, ông Thành chia sẻ.
Cũng theo ông Thành, thời điểm này, đầu ra cho gà thả vườn khá rộng. Ngoài việc tiêu thụ qua kênh HTX, gà nuôi trong vườn nhà ông được thương lái đến tận trang trại thu mua. Với tổng đàn khoảng 2 vạn con/năm, mỗi năm ông thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó phòng NN- PTNT huyện Bá Thước cho hay, việc chuyển từ chăn nuôi lợn sang gia cầm đang khá phổ biến. Một phần, thời gian qua giống lợn khan hiến, một phần vì nông dân Bá Thước có điều kiện đất đai rộng, phù hợp với nuôi gà thả vườn.
“Gần như tổng đàn trâu, bò không tăng nhưng đàn gà tăng đáng kể, từ 400 nghìn con trước dịch tả lợn châu Phi lên 600 nghìn con hiện nay.
Dự kiến, từ nay đến cuối năm, tổng đàn gia cầm của huyện sẽ tăng lên 700 nghìn con. Toàn huyện có 17 trang trại thì có 9 trang trại chuyên nuôi gà thả vườn. Trước thực tế này, năm qua huyện cũng trích một phần kinh phí hỗ trợ tiêm phòng cho gia cầm”, ông Tâm cho hay.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, trước khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Thanh Hóa (trước tháng 2/2019), toàn tỉnh có khoảng 19 triệu con gia cầm.
Đến giữa tháng 3/2020, toàn tỉnh không còn phát sinh dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn lợn hiện đã đạt gần 100% trước dịch và tổng đàn gia cầm cũng tăng lên 23 triệu con. Dự tính từ nay đến cuối năm, tổng đàn gia cầm tại Thanh Hóa sẽ duy trì ở mức ổn định từ 22-23 triệu con.
Theo đánh giá của Sở NN- PTNT tỉnh Thanh Hóa, giá các loại gia cầm thời gian qua lên xuống thất thường chủ yếu do ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên đàn vật nuôi và dịch covid-19. Thời gian tới, khi tình hình ổn định, các trường học, bếp ăn tập thể hoạt động trở lại thì giá gia cầm sẽ ổn định hơn.
Do vậy, người chăn nuôi cần theo dõi thị trường, tránh tăng đàn ồ ạt, phá vỡ quy hoạch khiến thị trường mất ổn định. Tuy nhiên cũng cần nắm bắt cơ hội, không bỏ lỡ khi giá gia cầm lên cao.
Ngành nông nghiệp Thanh Hóa khuyến cáo, để giảm thiểu chi phí chăn nuôi, người dân nên mở rộng chuồng trại, phát triển đàn gà theo hướng thả vườn, chuyển đổi thức ăn chăn nuôi từ cám công nghiệp sang những loại thức ăn sẵn có như ngô, sắn...
Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi gia cầm, Thanh Hóa đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương phát triển chăn nuôi gia cầm, nhất là chăn nuôi gà theo chuỗi phục vụ chế biến và xuất khẩu; từng bước thay đổi căn bản ngành chăn nuôi gà theo hướng nâng cao giá trị, tăng khả năng cạnh tranh, tạo sản phẩm chăn nuôi an toàn và phát triển bền vững.
Hiện nay, với việc Công ty cổ phần thực phẩm Viet Avis khánh thành nhà máy giết mổ đạt tiêu chuẩn châu Âu và đang tích cực liên kết chăn nuôi với bà con nông dân, người chăn nuôi gà tại Thanh Hóa đang thực sự đứng trước nhiều cơ hội.
Tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo người chăn nuôi gà thực hiện mục tiêu phát triển chăn nuôi gà theo chuỗi phục vụ chế biến và xuất khẩu; khuyến khích xây dựng, phát triển các trang trại, khu, cụm trang trại chăn nuôi gà tập trung, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng của đơn vị đầu tư, thu mua, chế biến và xuất khẩu.