| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL

Tái đàn heo đảm bảo chắc ăn

Thứ Năm 30/07/2020 , 08:50 (GMT+7)

Hiện nay các cơ quan chức năng ở ĐBSCL chủ động khuyến khích và hướng dẫn các trại, hộ chăn nuôi heo tái đàn nhằm khôi phục lại sản xuất.

Sau đợt dịch tả heo Châu Phi, người người nuôi heo trên địa bàn TP Cần Thơ đã rút ra nhiều kinh nghiệm khi tái đàn heo. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sau đợt dịch tả heo Châu Phi, người người nuôi heo trên địa bàn TP Cần Thơ đã rút ra nhiều kinh nghiệm khi tái đàn heo. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đủ nguồn giống cho tái đàn

Trước sức hút của thị trường heo hơi mấy tháng nay, nhiều hộ dân ở ĐBSCL đã tích cực tái đàn. Do dồn sức tái đàn heo sau dịch với số lượng lớn nên các doanh nghiệp chăn nuôi heo có quy mô tổng đàn lớn không đủ sản xuất heo giống để cung cấp cho thị trường, mà nguồn heo con doanh nghiệp chủ yếu để tự nuôi.

Chính vì thế đã xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung heo giống và cả heo hơi. Hiện giá heo hơi tại An Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ tuy có giảm hơn trước nhưng vẫn ở mức khá cao, phổ biến là trên 80.000 đồng/kg, có lúc cán mốc gần 100.000 đồng/kg vào đầu tháng 6 vừa qua.

Có thể thấy, đây là thị trường rất hấp dẫn nhưng ít nông hộ có nguồn cung heo ra thị trường ở thời điểm này. Ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL dự đoán sẽ mất một khoảng thời gian khá dài mới có thể khôi phục lại tổng đàn heo như trước khi xảy ra dịch tả heo Châu Phi.

Trước việc thiếu nguồn con giống trầm trọng, nhiều nông hộ đang tự gây giống heo con từ heo thương phẩm để tái đàn. Khâu phòng bệnh được áp dụng bằng nhiều biện pháp khác nhau.

Sau khi bị thiệt hại bởi dịch tả heo Châu Phi, ông Trần Văn Tiến, ở xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn (An Giang) đã đập bỏ chuồng heo cũ và đầu tư xây mới ở một vị trí khác. Khu vực chuồng nuôi hiện tại xây dựng cao ráo, khép kín, kết hợp thiết bị phun khử khuẩn thường xuyên để triệt tiêu mầm bệnh. Không dừng lại ở đó, ông Tiến còn đầu tư xây dựng hệ thống biogas, xử lý tốt môi trường không để ô nhiễm.

Mục tiêu lâu dài của các tỉnh ĐBSCL là quản lý chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học, tái đàn heo theo phương chăm 'chậm mà chắc'. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mục tiêu lâu dài của các tỉnh ĐBSCL là quản lý chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học, tái đàn heo theo phương chăm “chậm mà chắc”. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Tiến cho biết: “Trước khi tái đàn, tôi báo với địa phương, rồi cán bộ thú y xuống xác minh điều kiện tái đàn cũng như đưa ra nhiều khuyến cáo. Khuyến cáo đầu tiên là lưu ý chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học, cán bộ kỹ thuật còn hướng dẫn cặn kẽ trước khi thả heo.

Tôi phun thuốc phun khử trùng trước khi cho heo vào chuồng, con người cũng phải khử khuẩn qua hệ thống phun sương trước khi ra, vào chuồng heo. Tuyệt đối không cho người lạ tiếp cận chuồng heo để tránh rủi ro lây lan mầm bệnh. Tôi có 30 con gồm heo nái và heo tơ, gia đình cố gắng chăm sóc bởi giờ này ai có heo là vô mánh lớn”.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Để đảm bảo việc tái đàn heo thận trọng, hiệu quả và giảm thiểu nguy cơ tái phát dịch bệnh, góp phần ổn định tình hình chăn nuôi, ngành nông nghiệp An Giang tiến hành xây dựng kế hoạch tái đàn heo sau dịch tả một cách căn cơ, bài bản.

Mục tiêu lâu dài là tăng cường quản lý chăn nuôi heo hướng an toàn sinh học “chậm mà chắc”, phục hồi đàn nái sau dịch, nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh. Đồng thời cung cấp cho thị trường các sản phẩm thịt heo đảm bảo an toàn thực phẩm, chăn nuôi phát triển theo hướng gia trại, trang trại công nghiệp và nuôi theo hướng an toàn sinh học bảo vệ môi trường.

Còn về ngắn hạn, tỉnh đẩy mạnh quản lý chăn nuôi heo bằng sổ sách, tạo mối gắn kết giữa các chủ nuôi nhỏ lẻ không ổn định để đưa họ vào sản xuất trong tổ nhóm, sản phẩm đưa ra thị trường an toàn. Khắc phục khó khăn ổn định sản xuất và đời sống, đảm bảo mục tiêu phát triển chăn nuôi của tỉnh.

Dần phục hồi 80% số lượng heo đã bị tiêu hủy do bệnh dịch tả heo Châu Phi năm 2019 (tổng số heo đã tiêu hủy năm 2019 là 28.468 con). Tổng đàn heo dự kiến tái đàn đến cuối năm 2020 đạt khoảng 22.774 con.

Trong đó hỗ trợ phục hồi khoảng 652 con heo nái sinh sản chất lượng cao được mua từ trại heo của Công ty Việt Thắng. Đây là chương trình của tỉnh hỗ trợ người dân nhằm nâng cao chất lượng đàn heo bằng phương pháp thay đàn nái nền.

Theo ông Lâm, về mặt con giống, hiện nay trên địa bàn có các nguồn cung cấp heo giống, gồm: Trại Việt Thắng 11 có 1.500 nái, có khả năng cung cấp con giống từ 7.500 - 9.750 con. Trại Việt Thắng 2 có 500 nái, cung cấp con giống từ 2.500 - 3.250 con. Heo nái nuôi trong dân khoảng 5.000 con, cung cấp con giống từ 25.000 - 32.500 con. Vì vậy nguồn con giống đủ cho việc tái đàn.

Trước việc thiếu nguồn con giống trầm trọng, nhiều nông hộ, doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi đang tập trung sản xuất heo giống chất lượng cao để tái đàn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trước việc thiếu nguồn con giống trầm trọng, nhiều nông hộ, doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi đang tập trung sản xuất heo giống chất lượng cao để tái đàn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Những hộ chăn nuôi có nhu cầu tái đàn heo phải lựa chọn nguồn con giống từ những đơn vị đảm bảo chất lượng, khỏe mạnh, không mang mầm bệnh dịch tả heo Châu Phi. Tỉnh đã hỗ trợ mua 605 con heo nái giống bố mẹ chất luợng cao. Định mức hỗ trợ 50% giá trị con giống nhưng không vượt quá 3,2 triệu đồng/con. Số lượng hỗ trợ cho một hộ chăn nuôi từ 5 - 40 con.

Ngoài tái đàn heo trong dân, tỉnh An Giang khuyến khích tái đàn trên cơ sở các doanh nghiệp, các trang trại lớn đã đảm bảo điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Đặc biệt, ưu tiên tái đàn ở những xã không có dịch bệnh.

Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với vi rút dịch tả heo Châu Phi, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số heo có thể nuôi tại cơ sở/hộ gia đình.

Tiến hành sát trùng chuồng trại trước đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật trước khi tái đàn. Bên cạnh đó hộ chăn nuôi phải được tập huấn quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và phải cam kết thực hiện theo đúng quy trình. Đặc biệt không thực hiện tái đàn tại những hộ chăn nuôi ở trong khu dân cư, nội ô, nội thị.

Tái đàn heo thận trọng

Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết: Đợt dịch tả heo Châu Phi vừa qua đã làm giảm sản lượng đàn heo trên địa bàn khoảng 50-60%, hiện nay tổng đàn heo của toàn thành phố trên 100.000 con, dự kiến từ đây đến cuối năm sẽ tăng đàn thêm 20-30%.

Ngành nông nghiệp thành phố đang khuyến khích các trang trại, hộ dân thực hiện tái đàn heo một cách thận trọng, đặc biệt chú trọng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bảo vệ môi trường. 

Đối với các cơ sở chăn nuôi đã xảy ra dịch bệnh trước đó, khi tái đàn cần đảm nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và các điều kiện theo quy định. Cải tạo lại chuồng trại, phải thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc. Có lưới bao xung quanh chuồng nuôi để ngăn chặn động vật mang trùng như chuột, chim, ruồi, muỗi...

Không sử dụng thức ăn thừa để nuôi heo, thức ăn phải đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng. Khuyến cáo nên sử dụng chế phẩm vi sinh trong thức ăn. Nguồn nước sử dụng cho chăn nuôi heo phải tuyệt đối an toàn, không sử dụng nước sông, mương, ao hồ chưa được xử lý để tắm rửa hoặc cho heo uống.

Nếu sử dụng các nguồn nước từ hệ thống sống ngòi tự nhiên thì phải thực hiện các biện pháp xử lý nước theo quy định. Heo được nhập về nuôi phải có nguồn gốc xuất xứ, khỏe mạnh và phải có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh dịch tả heo Châu Phi.

Nhiều hộ chăn nuôi khi tái đàn heo vẫn mang tâm lý lo lắng dù đã thận trọng hơn trong khâu phòng bệnh và chăm sóc nuôi dưỡng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhiều hộ chăn nuôi khi tái đàn heo vẫn mang tâm lý lo lắng dù đã thận trọng hơn trong khâu phòng bệnh và chăm sóc nuôi dưỡng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sau khi công bố hết dịch tả heo châu Phi, ngành chức năng hướng dẫn người dân tái đàn. Tuy nhiên, cũng gặp tình trạng chung là nguồn cung con giống khan hiếm nên đa số hộ chăn nuôi nhỏ tái đàn chậm. Chủ yếu là các trang trại, doanh nghiệp có nguồn tài chính tốt mới duy trì, phát triển chăn nuôi và có được nguồn heo hơi cung ra thị trường đều đặn.

Dù vậy, nhiều hộ chăn nuôi khi tái đàn vẫn mang tâm lý lo lắng dù đã thận trọng hơn trong khâu phòng bệnh và chăm sóc nuôi dưỡng.

Ông Trương Thanh Phong, một trong những hộ sống bằng nghề chăn nuôi heo ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai cho biết, đợt dịch vừa qua, gia đình ông có 70 con heo lớn nhỏ, mắc bệnh và tiêu hủy gây thiệt hại gần 200 trăm triệu đồng. Tuy nhiên số heo bị tiêu hủy cũng được nhà nước hỗ trợ đền bù, giúp ông thanh toán tiền thức ăn cho đại lý.

Đầu tháng 6/2020, ông mua lại 20 con heo giống với giá 3,2 triệu đồng/con. Để đảm bảo an toàn, ông nhờ cán bộ thú y xã tư vấn và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch cho đàn heo và thường xuyên vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường theo định kỳ. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng nuôi heo theo hướng an toàn sinh học để đảm bảo cuối năm có heo bán vào đúng dịp tết.

Theo nhiều hộ dân chăn nuôi heo ở TP Cần Thơ, với giá heo hơi hiện nay dao động ở mức trên 80.000 đồng/kg, có giảm hơn tháng trước khoảng 12.000 -13.000 đồng/kg. Với giá này người nuôi xuất bán mỗi con heo 100kg, có lời từ 4-5 triệu đồng.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.